Tất niên xóm - sao cho ý nghĩa?
Từ rằm tháng Chạp trở đi, nhiều xóm, khu phố trên địa bàn tỉnh đã rộn ràng tiệc tất niên xóm. Hoạt động “tống cựu nghênh tân” này đã góp phần gắn kết tình làng nghĩa xóm, tạo khí thế sôi nổi đón chào năm mới.
Chuyện vui, ấm áp từ tất niên xóm hẳn là rất nhiều. Nhưng chuyện chưa vui, những băn khoăn từ tất niên xóm cũng không ít. Dễ thấy nhất là cuộc vui linh đình, kéo dài đến tận đêm khuya, được sự hỗ trợ của các thiết bị âm thanh đã làm cho khu phố xáo trộn, ảnh hưởng đến sinh hoạt của mọi người, nhất là người già, trẻ sơ sinh, người đau ốm. Khi “tinh thần văn nghệ” của bà con khối phố ngày một cao, chuyện một dàn karaoke với bộ loa “khủng” xuất hiện tại tiệc tất niên là điều bình thường. Những tiết mục ca nhạc ban đầu là “góp vui”, nhưng sau khi có thêm men say lại trở nên khó nghe, khó chịu. Chuyện “bỏ nhà đi sơ tán vì... tiệc tất niên” không phải là hiếm nữa.
Thêm nữa, sự phô trương, hơn thua cũng xuất hiện ở những tiệc tất niên xóm. Bởi “mỗi năm chỉ có một lần”, nên một bộ phận kinh tế khá giả của một vài khu dân cư đề đạt phải làm tiệc lớn, “sao cho hoành tráng hơn những xóm lân cận”. Chạy theo “chủ trương” này, nhiều hộ có thu nhập thấp trong khối phố, xóm “méo mặt”, đành bấm bụng đóng góp cho bằng anh, bằng em. Rồi, đến cuối buổi tiệc, thức ăn thừa mứa, phung phí.
Giá trị văn hóa đầu tiên và cốt lõi của tiệc tất niên xóm chính là thắt chặt tình làng nghĩa xóm, cùng hướng đến những điều tốt đẹp hơn. Vậy tổ chức sao cho đậm đà cái tình; vui sao cho chừng mực, để không mất đi ý nghĩa tốt đẹp ban đầu là điều đáng phải ngẫm nghĩ. Đừng để một nét đẹp văn hóa lại thiếu đi sự văn minh.
AN PHƯƠNG