Chuyện sắm Tết của chị em
Với “mê hồn trận” những đồ cần mua sắm cho dịp Tết mà ngân quỹ không quá dồi dào, nếu chị em khéo gói ghém, tiết kiệm thì gia đình vẫn có được cái Tết ấm áp, đủ đầy.
Nhiều chị em lựa chọn mua thực phẩm bình ổn giá ở các siêu thị vừa đảm bảo an toàn lại tránh bị “đội giá”.
Trước Tết khoảng nửa tháng, chị Phạm Thị Kim Soa (29 tuổi, ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) đã lên kế hoạch mua sắm, chi tiêu cụ thể. Nào là chi phí mua thực phẩm và rượu bia; tiền mừng tuổi và quà biếu hai bên nội ngoại; tiền trang trí nhà cửa; sắm sửa quần áo mới… Trong đó, khoản tiền mua thực phẩm “ngốn” nhiều nhất nhưng lại rất khó tính toán cụ thể, dễ rơi vào tình trạng bị “đội giá” và khan hàng trong những ngày cận Tết. Những năm trước, chị Soa thường ra chợ đầu mối mua sắm hàng hóa Tết. Tuy nhiên, vì lo ngại thực phẩm không vệ sinh, an toàn nên vài năm nay chị thường nhờ mẹ ở quê mua hộ thịt và rau các loại rồi gửi lên thành phố bằng xe buýt. “Mua rau của bà con hàng xóm ở quê trồng thì an tâm hơn, giá cả lại rẻ. Còn thịt thì vài ba gia đình chung tiền mua con heo nuôi ở quê rồi xẻ thịt, chia mỗi người vài ký. Nhờ mua thực phẩm ở quê mà mình tiết kiệm được khoảng 1/3 chi phí”, chị Soa chia sẻ.
Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (43 tuổi, phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn), các loại thực phẩm, đồ uống đều tăng giá và khan hiếm vào những ngày cận Tết nên phải tranh thủ mua sớm. Chị thường vào siêu thị bình ổn giá để chọn mua các loại hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, tránh tình trạng bị thương lái hét giá “trên trời” nhưng lại mua phải hàng không đảm bảo chất lượng. Chị Mai cho biết: “Mình liệt kê rồi mua các loại hàng hóa thiết yếu đủ dùng trong mấy ngày Tết thôi. Không nên mua nhiều rồi tích trữ trong tủ lạnh vừa tốn điện lại ăn không ngon. Mùng 2 Tết là các chợ đã bán hàng lại rồi”.
Một số món truyền thống như: dưa kiệu, tai heo ngâm mắm, bò khô, mực ngào… được nhiều chị em chọn mua nguyên liệu về tự tay chế biến. Một số chị em vì công việc bận bịu thì đặt hàng của bạn bè, người quen để có được những món ăn ngon và yên tâm khi dùng. “Mình hay tham khảo trên các trang mạng học cách làm một số món đơn giản để gia đình dùng trong dịp Tết. Những năm gần đây, một số bạn bè, người quen lại đặt nên mình cũng có thêm một khoản thu nhập kha khá trong những ngày giáp Tết”, chị Mai bật mí.
Nhiều cặp vợ chồng trẻ ở TP Quy Nhơn chọn về quê đón Tết để được vui vầy cùng cha mẹ, con cháu được gần ông bà lại tiện bề thăm hỏi, chúc tết họ hàng. Liên tục mấy năm qua, sau khi được nghỉ Tết, vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc Phương (42 tuổi, ở phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) lại đưa con về quê nội. Là “con dâu thành phố” nhưng mỗi khi về quê, chị Phương lại cùng các chị em nhà chồng đi chợ sắm Tết và làm được mọi công việc thường ngày của những phụ nữ ở quê nên mẹ chồng rất “mát mặt” với họ hàng. “Ở quê thịt heo, thịt gà, rau xanh đều có sẵn, mình chỉ cần dành tiền biếu bố mẹ hai bên và mua thêm một số thực phẩm cần thiết thôi. Mình hỏi mẹ chồng nguyên liệu để làm các món truyền thống rồi ra chợ mua, đến tối thì cả gia đình quây quần, chung tay gói bánh chưng, làm dưa kiệu… rất ấm cúng, vui vẻ. Thích nhất là không khí đầm ấm, sum vầy khi đón Tết cùng với đại gia đình”, chị Phương tâm sự.
TÙY PHONG