KỶ NIỆM 50 NĂM CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN (1968-2018):
Các anh yên nghỉ dưới chân thành Hoàng Ðế
Nằm dưới chân thành Hoàng Ðế về phía Ðông, là vùng đất trăm nghề có địa danh Ðập Ðá (TX An Nhơn). Sau chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, 154 liệt sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng đã yên nghỉ trong một ngôi mộ tập thể. Từ bấy đến giờ người làng nghề luôn chăm sóc phần mộ này, ghi ơn những chiến sĩ đã xả thân vì nước.
Trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, hình ảnh những chiến sĩ thuộc biên chế Sư đoàn 3 Sao Vàng chiến đấu kiên cường đã in sâu vào ký ức của người dân Đập Đá.
Di tích Mộ tập thể liệt sĩ Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng tại phường Đập Đá, TX An Nhơn. Ảnh: N.V.TRANG
Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!
Bước vào chiến dịch, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12 thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng nhận nhiệm vụ phối hợp với lực lượng địa phương nhử địch, đánh mạnh ở một số nơi như Trung tâm huấn luyện Phù Cát, cầu Ngãi Chánh, cầu Si Ta… rồi chiếm lĩnh thị trấn Đập Đá, nhằm thu hút, chia cắt lực lượng đối phương, tạo sơ hở ở các mục tiêu chính trong tỉnh lỵ, quận lỵ để các mũi tiến công chính của ta đánh chiếm.
Mất Đập Đá, TX Quy Nhơn và chi khu An Nhơn bị uy hiếp, đối phương điều ngay một trung đoàn lính Nam Triều Tiên và một lực lượng lớn lính bảo an, cùng xe tăng, phi pháo yểm trợ tối đa, ra sức phản kích quyết liệt. Cả vùng Tây và Nam Phương Danh không con đường, góc phố nào là không bom rơi đạn nổ, hàng trăm ngôi nhà bị giặc ném bom cháy rụi. Cuộc chiến đấu giữa một tiểu đoàn (thiếu) bộ đội Sao Vàng, hầu hết là con em miền Bắc, vừa mới hành quân đến không quen địa hình, cùng quân dân địa phương đương đầu với lực lượng đối phương đông hơn nhiều lần và trang bị vũ khí hiện đại thật sự là cuộc chiến không cân sức.
Năm ngày ròng rã (từ 20- 24.1.1968) dưới mưa bom bão đạn, quân ta chiến đấu kiên cường cho đến khi súng không còn đạn, các chiến sĩ vừa đào công sự cất giấu thương binh, vừa dùng cuốc xẻng, báng súng, lưỡi lê để chiến đấu một mất một còn với quân thù, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Lớp này ngã xuống lớp khác xông lên, cho đến người lính cuối cùng của tiểu đoàn. Nhiều cơ sở cách mạng, những người thợ làng dệt, làng rèn đã bất chấp hiểm nguy, vượt qua lửa đạn tiếp tế cho bộ đội, chuyển thương binh ra ngoài cứu chữa, chôn cất liệt sĩ ở ngôi mộ chung, mà nhân dân địa phương gọi là Mả Tổ.
Nỗi đau còn lại
Lần theo danh sách 154 liệt sĩ nằm lại ở Mả Tổ, chỉ có 2 chiến sĩ là quê Bình Định và Quảng Ngãi, còn lại là con em miền Bắc. Điều đáng quan tâm là số liệt sĩ chưa rõ quê quán cụ thể, chưa rõ thân nhân quá nhiều. Chỉ có 13 liệt sĩ là có địa chỉ quê quán đầy đủ, có đến 103 liệt sĩ chỉ biết thông tin đến cấp tỉnh, không rõ huyện, hoặc không rõ xã - thôn, 37 liệt sĩ không biết ở tỉnh nào. Có nghĩa, phần lớn các liệt sĩ nằm lại ở Mả Tổ chưa thể xác định cụ thể danh tính, quê quán. Trong số những liệt sĩ có ghi rõ thân nhân thì chỉ có 10 người đã có vợ con, còn lại hầu hết tuổi đời còn rất trẻ.
Có lần tôi được gặp một phụ nữ quê huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, đã ba lần vượt hơn ngàn cây số vào liên hệ với cơ quan chức năng ở Bình Định để tìm mộ chồng là liệt sĩ hy sinh ở chiến trường Đập Đá trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968. Nhưng không lần nào thành công. Cả ba lần đi tìm mộ chồng, cuối cùng lần nào chị cũng đành lòng thành tâm khấn nguyện và thắp ba nén hương lên ngôi mộ chung, hy vọng mong manh trong đó có chồng mình, rồi sụt sùi đón tàu xe về lại quê nhà.
Rất nhiều thân nhân liệt sĩ từ các tỉnh miền Bắc vào đây nhiều lần nhưng vẫn chưa xác định người thân của mình có nằm trong ngôi mộ chung này không. Và còn nhiều lắm những người mẹ, người vợ cả tháng trời vật vã, tàu xe tỏa đi các nơi, tìm đến các nghĩa trang liệt sĩ gần xa lần dò mộ người thân, nhưng rồi chỉ nhìn thấy những tấm bia liệt sĩ chưa rõ tên.
Bởi bia mộ không ghi rõ những thông tin cá nhân, nên không thể đưa vào nội dung của chương trình “Nhắn tìm đồng đội” trên các phương tiện thông tin đại chúng, và dù đồng đội xưa có người còn sống sót cũng khó giúp đỡ thân nhân tìm mộ đồng đội đã nằm xuống nơi này. Điều an ủi là 40 năm qua, nhang khói vẫn luôn ấm ngôi mộ chung của các anh. Người Bình Định không bao giờ quên các anh, những người lính Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng.
TRẦN DUY ÐỨC
Kính gửi Hội tìm kiếm mộ liệt sỹ Sư Đoàn 3 Sao Vàng Cháu có ông nội tham gia kháng chiến thuộc Sư Đoàn 3 Sao Vàng đã Hy sinh và bị thất lạc, gia đình cháu đã cố gắng tìm kiếm nhiều lần nhưng không tìm thấy, nay cháu mong Hội giúp gia đình cháu. Thông tin của Ông cháu như sau: Tìm mộ liệt sỹ: Trần Văn Nùng Sinh Năm 1941, Quê Quán: Tán Thuật Kiến Xương Thái Bình, Hy Sinh Khoảng năm 1966-1969. Ông cháu là đại đội trưởng đại đội đặc công. Ai biết mộ LS nằm ở đâu, xin báo cho cháu Trần Quang Duy ĐT: 0979.68.92.98, Email: duytbbd@gmail.com. Gia đình xin cám ơn và hậu tạ.
Tôi có người cậu hy sinh tại bình định năm 1968 chưa tìm thấy mộ tác giả có thông tin gì về Liệt sĩ Trần Văn Hức Quê quán Yên Đông Đa Lộc Hậu Lộc Thanh hóa Bố Là Trần Văn Dùng thì cho tôi biết tin hoặc cho tôi xin danh sách 154 liệt sĩ được không ạ