Kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Mậu Tuất 2018: Một số cơ sở chưa đảm bảo
Thực hiện Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa Lễ hội Xuân 2018 trên địa bàn tỉnh, các đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Tuy số cơ sở vi phạm các quy định ở mức nghiêm trọng không nhiều, nhưng vẫn còn không ít chủ cơ sở còn thiếu ý thức trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), công tác thông tin giáo dục truyền thông về đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân 2018 được đăng, phát thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng; phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như kiến thức trong việc lựa chọn, bảo quản, kinh doanh, sử dụng thực phẩm và phụ gia thực phẩm, góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm; phòng ngừa ngộ độc rượu trong dịp Tết.
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 tỉnh kiểm tra cơ sở chế biến mứt chùm ruột tại phường Ngô Mây (TP Quy Nhơn).
Từ một vụ vi phạm
Một trong những vụ vi phạm ATTP khá lớn do đoàn kiểm tra liên ngành thực phẩm tỉnh phát hiện gần đây là ở Cơ sở sản xuất chả cá ở số nhà 163 Lê Văn Hưu, TP Quy Nhơn. Hoạt động đã hơn 20 năm, thế nhưng cơ sở này đến thời điểm kiểm tra vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm; môi trường chế biến chả cá không đảm bảo ATTP; nguyên liệu sản xuất chả cá mua trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc; người lao động trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm chả cá không có giấy khám sức khỏe, chưa bao giờ tham gia tập huấn kiến thức vệ sinh ATTP, trong quá trình chế biến không trang bị bảo hộ lao động nhằm tránh lây nhiễm chéo thực phẩm theo đúng quy định Bộ Y tế đề ra...
Cùng tham gia Ðoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh ATTP số 1 của tỉnh đi kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm ở TP Quy Nhơn trong đợt này, chúng tôi nhận thấy ý thức chấp hành các quy định về vệ sinh ATTP của một bộ phận chủ cơ sở còn thấp. Ðiều dễ nhận thấy nhất là khu vực chế biến thực phẩm chưa phù hợp với các tiêu chuẩn vệ sinh; người lao động trực tiếp tham gia sản xuất ít được trang bị kiến thức về ATTP, không đeo găng tay, khẩu trang khi tham gia vào các khâu chế biến; chủ cơ sở chưa thực hiện tốt các quy định pháp luật trong việc đăng ký, hoàn tất các thủ tục liên quan đến công tác đảm bảo ATTP...
Không đảm bảo vệ sinh ATTP như vậy nhưng mỗi ngày cơ sở trên “xuất xưởng” từ 70 đến 80 kg chả cá, với thị trường tiêu thụ mạnh ở Gia Lai và TP Quy Nhơn. Trung bình mỗi tháng, cơ sở tiêu thụ từ 2.100 kg đến 2.400 kg chả cá. Một số lượng chả cá không nhỏ được đưa ra thị trường, đến tay người tiêu dùng mà không hề có bất cứ một sự đảm bảo nào về ATTP.
Bà Phan Thị Sẵn, người làm công tại cơ sở chả cá 163 Lê Văn Hưu, TP Quy Nhơn, cho biết: “Tôi vào làm tại cơ sở này đã gần 6 tháng, nhưng chưa bao giờ nghe nói gì đến khám sức khỏe, tham gia tập huấn kiến thức thực phẩm gì hết. Khi trực tiếp chế biến chả cá, chúng tôi cũng đâu có nghe nhắc phải mang khẩu trang, găng tay gì đâu!”.
Bà Phan Thị Hạnh, chủ cơ sở này phân trần: “Tôi tuy kinh doanh lâu, nhưng đâu có biết là kinh doanh thực phẩm phải đăng ký kinh doanh, phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện. Tôi tận dụng làm tại nhà, thấy cũng sạch sẽ, có gì đâu phải phàn nàn. Chả cá sống tôi để riêng, chả cá chín tôi cũng để riêng. Nhà chật phải để cạnh nhau chứ đựng riêng mà, không lây nhiễm chéo thực phẩm sống chín được đâu. Còn người lao động, tôi cũng nhắc nhở mang bảo hộ lao động, nhưng họ nói họ không quen, nói nhiều không hay nên tôi không nhắc nữa. Tôi làm cũng nhỏ chứ đâu có lớn nên cũng chủ quan!”.
Ông Lê Cảnh Sơn, Trưởng Đoàn kiểm tra ATTP số 1 tỉnh, chia sẻ: “Sau thời gian trinh sát của cảnh sát môi trường theo dõi, chúng tôi đã phát hiện ra cơ sở sản xuất kinh doanh chả cá này. Qua kiểm tra, cơ sở không trình được nguồn gốc nguyên liệu dùng làm chả cá, không có giấy tờ cơ bản cho một cơ sở kinh doanh thực phẩm cần phải có. Với chả cá được sản xuất trong môi trường không đảm bảo vệ sinh thì nguy cơ nhiễm bẩn thực phẩm rất cao. Chúng tôi đã tiến hành xử phạt cơ sở các lỗi vi phạm về việc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm, môi trường trực tiếp sản xuất thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, với mức phạt 4 triệu đồng. Chúng tôi đã hướng dẫn các thủ tục cần thiết. Nếu trong thời gian quy định, cơ sở vẫn không chấp hành đúng các quy định về kinh doanh thực phẩm, chấn chỉnh những sai phạm, chúng tôi sẽ tiếp tục có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật”.
Một cơ sở chế biến chả cá không đảm bảo các yếu tố vệ sinh ATTP trên địa bàn phường Trần Phú (TP Quy Nhơn).
Nên tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn
Rất may mắn là số cơ sở vi phạm như trên không nhiều. Kết quả kiểm tra gần đây cho thấy, đa số các cơ sở được kiểm tra đều đảm bảo các điều kiện ATTP theo quy định, số cơ sở đạt là 605/641 cơ sở (chiếm 94,4%). Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống thường xuyên vệ sinh cơ sở, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống sử dụng nguồn nước đảm bảo ATTP và được kiểm nghiệm định kỳ theo quy định; nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm sử dụng trong sản xuất chế biến thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên, vẫn còn một số cơ sở có sai phạm như sử dụng khu vực chế biến, bảo quản, nơi ăn uống không bảo đảm vệ sinh, không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người trực tiếp chế biến thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định. Cùng với việc tiến hành xử lý các cơ sở vi phạm theo quy định, Đoàn thanh tra đã hướng dẫn các thủ tục cần thiết để khắc phục sai phạm.
Kết quả thanh tra có 36 cơ sở vi phạm các quy định về ATTP (tỉ lệ 5,6%), Đoàn thanh tra đã tiến hành xử phạt 29 cơ sở với số tiền phạt 96 triệu đồng, cho thấy ý thức về việc thực hiện công tác vệ sinh thường xuyên, tự kiểm tra, kiểm soát chất lượng và chấp hành các quy định của pháp luật về vệ sinh ATTP của một số cơ sở chưa thật sự tốt.
LÊ CƯỜNG - LÊ DUYÊN