Ngày trở về của cậu bé Babylift Vance McElhinney
Ngày 10.2, tại căn nhà số 34 Tôn Thất Đạm, phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) chật kín người. Họ là mẹ, là cậu mợ, anh chị em của Vance McElhinney (43 tuổi, Bắc Ireland) chờ đón giây phút đoàn tụ. Niềm vui sum họp vỡ òa vào giây phút Vance McElhinney và mẹ là bà Lê Thị Anh (67 tuổi) gặp nhau. Những giọt nước mắt lăn dài trên má, giọt nước mắt mừng mừng, tủi tủi của người thân sau 43 năm xa cách mới gặp lại.
Giây phút mẹ con bà Lê Thị Anh và Vance McElhinney gặp lại nhau.
Năm 1975, chiến dịch Babylift đưa 100 đứa trẻ ở các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi ở Việt Nam, trong đó có Vance McElhinney sang Anh. Trên trang nhất của tờ báo Daily Mail ngày đó có đăng tải bức ảnh một cậu bé ngơ ngác được y tá bế đưa lên chiếc máy bay Boeing 707 chuẩn bị cất cánh. Cậu bé được cho là không còn cha mẹ, đó chính là Vance McElhinney, khi ấy anh vừa tròn 9 tháng tuổi.
Hành trình tìm về cội nguồn
Chuyến bay mang những đứa trẻ Việt Nam tới Heathrow (Vương quốc Anh), khi đó cũng như nhiều trẻ mô côi ở Việt Nam, Vance McElhinney bị suy dinh dưỡng nặng. Thương cảm trước hoàn cảnh của những đứa trẻ mồ côi đến từ Việt Nam, gia đình ông bà Cyril và Liz McElhinney từ Bắc Ireland tìm đến trung tâm tiếp nhận trẻ em Việt Nam để nhận con nuôi. Khi họ tới đây, chỉ còn lại Vance chưa có gia đình, và anh trở thành con trai của đình McElhinney. Cái tên Vance cũng tên mà bố mẹ nuôi đặt cho anh.
10 tuổi, Vance nhận ra những khác biệt với các anh em trong nhà, khác với bạn bè cùng trang lứa. Một đứa trẻ da màu sống chung với những người da trắng có nhiều điều không thể hòa hợp. 20 tuổi, Vance xin phép gia đình rời Bắc Ireland tới nước Anh lập nghiệp. Chỉ đến khi mẹ nuôi của anh lâm trọng bệnh, anh mới trở về chăm sóc bà.
Bà Anh lật giở cuốn allbum gia đình và những bức ảnh của con trai ngày bé.
“Tôi bị một số bạn cùng lớp bắt nạt, tôi cũng từng bị từ chối cơ hội làm việc vì ngoại hình, vì xuất thân... Gia đình bố mẹ nuôi đã làm tất cả vì tôi, nếu không được họ nhận nuôi, tôi nghĩ mình không còn sống được tới nay. Thế nhưng, trong tim tôi luôn có một khoảng trống, nơi đó thuộc về người thân của tôi ở Việt Nam”, Vance nhớ lại.
Ngày anh rời đi, kỷ vật duy nhất là tấm ảnh ngày nhỏ của anh có viết dòng chữ “Tan Van Nguyen”, vin vào tấm ảnh cũ, dòng chữ nguệch ngoạc đó, anh thôi thúc mình phải trở về Việt Nam. “Tôi không dám tin là người thân mình còn sống, nhưng tôi muốn trở về. Dòng máu Việt trong huyết quản thôi thúc tôi trở về để biết nơi mình được sinh ra”, Vance nói.
Vance tìm đến Dự án A Place To Call Home (Nơi gọi là nhà) của đài BBC Bắc Ireland để tìm kiếm thông tin người thân ở Việt Nam. Chương trình phát sóng, Vance nhận được nhiều tin nhắn, nhiều cuộc điện thoại và nhiều người tự xưng là bố mẹ của anh. Đặc biệt, trong rất nhiều tin nhắn, Vance nhận thông tin từ một người tên Hương (sau này anh mới biết là con gái cậu ruột) có gởi bức ảnh bố mẹ và những thông tin về Vance ngày nhỏ ở Quy Nhơn.
Bất ngờ trước những nét tương đồng về ngoại hình, những thông tin về nơi đi của anh, giữa năm 2016 Vance về Quy Nhơn tìm gặp gia đình bà Anh. “Ngay lúc gặp nhau, mẹ đã ôm chầm lấy tôi, mẹ lấy trong túi những bức ảnh ngày nhỏ của tôi. Mẹ nói, cái tên khai sinh mẹ đặt cho tôi là Nguyễn Thanh Châu”, Vance chia sẻ.
Cả gia đình ngồi lại bên nhau, Vance hỏi tên từng thành viên.
Giọt nước mắt đoàn viên
Trưa 10.2, chiếc xe chở Vance và êkip Dự án A Place To Call Home của đài BBC Bắc Ireland về tới số nhà 34 Tôn Thất Đạm. Ngay khi vừa nhìn thấy nhau nước mắt đã lăn dài trên gương mặt của hai mẹ con. Đã gọi cho con hàng trăm cuộc điện thoại, đã từng gặp nhau, thế nhưng đây là lần gặp chính thức sau khi có kết quả AND xác định huyết thống gia đình, bà Anh không nén được xúc động.
“43 năm qua, trong tôi là một nỗi niềm thương nhớ con trai. Chưa phút giây nào tôi thôi tìm kiếm. Tôi đi từ Quy Nhơn và Sài Gòn, ra Hà Nội, nhờ nhiều người, tìm kiếm nhiều nơi nhưng không nghe tin con tôi. Tôi luôn hy vọng con tôi còn sống, tôi luôn mong chờ ngày con trở về”, bà Anh nghẹn ngào.
Khi Vance trả lời phỏng vấn trên BBC Bắc Ireland rằng anh bị tổn thương vì nghĩ mình là trẻ mồ côi, anh tủi khổ vì bị bạn bè cùng trang lứa bắt nạt khi sống ở nước ngoài, bà Anh đã khóc.
Bà kể: Ngày đầu gặp nhau, trong ánh mắt của Vance là hận thù, là tủi nhục. Vance đã hằn học hỏi tôi, sao bà sinh ra tôi mà lại bỏ rơi tôi? Lúc đó, người làm mẹ như tôi chỉ khóc, khóc rất nhiều. Sau đó, tôi và gia đình kể lại câu chuyện năm xưa cho con. Vừa kể tôi nghe, bà vừa kéo con trai lại gần, bà chỉ cho con những bức ảnh ngày nhỏ. Nhìn vào bức ảnh bà Anh giữ con từ phía sau, Vance đã hỏi mẹ đang làm gì. “Mẹ giữ con để chụp hình, mẹ đang chọc cười con đó”, bà Anh nói. Vance quá ngạc nhiên, bởi mẹ anh có rất nhiều kỷ niệm, hình ảnh của anh ngày nhỏ. Chỉ vào chiếc điện thoại Iphone, bà Anh nói: “Vì muốn thấy con ở nơi xa xôi, tôi học cách dùng điện thoại, dùng facebook, học tiếng Anh. Nghe chưa hiểu, nhưng chỉ cần thấy được con ở bên kia là vui rồi”.
“Do biến cố gia đình, chị tôi nằm viện hơn 2 tháng trời, ngày nào người nhà cũng mang Vance vào nhà thương cho bú. Vào cái ngày bố mẹ tôi mất, bố Vance bỏ đi, chiến tranh loạn lạc, gia đình phải gởi tạm Vance vào cô nhi viện, chờ chị tôi khỏe lại vào đón cháu. Thế nhưng lúc chị vào, các xơ cho biết Vance được mang vào Sài Gòn. Chị tôi vào đó thì Vance đã được đưa qua Anh, không còn kịp để đón cháu trở về”, cậu ruột Lê Kim Sương (61 tuổi) kể. Tình cờ đọc được bài báo của Vance trên Internet, ông Sương nhận ra đó là cháu mình. Ông bảo con gái kết nối và đưa thông tin về gia đình cho Vance.
Đại gia đình Vance chụp hình lưu niệm với ekip làm phim của BBC Bắc Ireland, CTV Báo Bình Định trong ngày đoàn tụ tại nhà 34 Tôn Thất Đạm, TP Quy Nhơn.
“Tôi vui chứ, hạnh phúc chứ. Tôi có một gia đình yêu thương tôi ở Bắc Ireland, tôi tìm lại được gia đình ở Việt Nam. Tết này, tôi sẽ đón tết cùng mẹ và họ hàng ở Quy Nhơn. Tôi sẽ cùng mẹ đi về quê thắp nén nhang cho ông bà, tôi sẽ cùng mẹ nấu món ăn cố truyền Việt Nam. Tôi là đầu bếp mà, có thể tôi nấu không giỏi nhưng tôi đã học cách gói bánh chưng ngày tết. Tôi cũng chuẩn bị áo dài để cùng mẹ đi du xuân”, Vance nói trong niềm hạnh phúc.
Trong giây phút hàn huyên, người em trai Nguyễn Trí Dũng (con cậu ruột) bấm máy, quay phim ghi lại cảm xúc gặp gỡ. Cậu ruột Vance, ông Lê Kim Sương dẫn cháu trai đi lên căn phòng mà gia đình đã dọn sẵn dành cho Vance. Mợ Vance, bà Sáu Nữ chuẩn bị bánh ngọt, nước cho cháu trai.
43 năm xa cách, không thể diễn tả hết mọi chuyện trong một buổi gặp gỡ này.Giây phút đoàn viên, bất đồng ngôn ngữ cũng không ngăn được giọt nước mắt xúc động, không ngăn được tình cảm mẹ con sau bao nhiêu năm tháng chia ly. Trong ánh mắt họ nhìn nhau, trong từng cái ôm, cái xoa đầu của mẹ dành cho trai là tình thương yêu, là sự vui mừng và hạnh phúc. Họ còn rất nhiều thời gian để bên nhau, để kể cho nhau nghe về gia đình, về những yêu thương mà bao lâu nay họ dồn nén trong lòng. “Tết này, gia đình tôi rất vui, là cái Tết đoàn viên thực sự. Tôi phải livestream cho con gái, mấy đứa cháu ở xa cuộc gặp hôm nay. Tết tụi nó về đông đủ rồi còn vui nữa”, ông Sương nói thêm.
Sau khi đặt chân tới Quy Nhơn, ngoài việc đoàn tụ với gia đình, Vance đã đến Cơ sở người khuyết tật Nguyễn Nga (884 Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn) trao 50 suất quà, mỗi suất trị giá 200 ngàn đồng cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn tại đây. Dự định của Vance trong 3 tháng ở Việt Nam tới đây là dành thời gian tìm hiểu về gia đình, tham gia các hoạt động thiện nguyện.
THU DỊU