KỶ NIỆM 50 NĂM TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN (1968-2018)
Ký ức hào hùng còn mãi với thời gian
50 năm qua, kể từ khi toàn quân và dân miền Nam, trong đó có quân và dân Bình Định, đồng loạt nổi dậy trong cuộc tổng tiến công Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, những dấu ấn của một thời đấu tranh anh dũng kiên cường vẫn còn in đậm trong ký ức của những con người góp phần “làm nên lịch sử”.
1. Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, chúng tôi tìm đến nhà ông Phan Trọng Thể (86 tuổi, ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn), khi ấy là Chính trị viên Tiểu đoàn 50, người trực tiếp tham gia trận đánh vào thị xã Quy Nhơn đêm 30 Tết của 50 năm trước. Ông cũng là nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 93, người trực tiếp tham gia giải phóng Quy Nhơn vào ngày 31.3.1975.
Dù tuổi cao, sức khỏe suy giảm nhưng trí nhớ của ông vẫn còn khá tốt. Nhắc lại thời khắc lịch sử của Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, ông bảo đó là ký ức của một thời hào hùng làm sao mà quên được. Châm điếu thuốc, rít từng hơi, rồi ông chậm rãi kể: Quá trình chuẩn bị tổng tiến công và nổi dậy lúc này rất khó khăn, vì tương quan lực lượng giữa ta và định quá chênh lệch. Thế nhưng tất cả đảng viên, cán bộ, chiến sĩ, khi nhận lệnh tổng tiến công dịp Xuân Mậu Thân 1968 đều náo nức trong lòng một niềm tin chiến thắng. Theo kế hoạch, Tiểu đoàn 50, Tiểu đoàn đặc công liên ấp 3, Đại đội đặc công Đ10 cùng biệt động, tự vệ mật từ các vị trí giấu quân ở Hưng Thạnh (xã Nhơn Bình, nay là khu vực 9, phường Đống Đa) được cơ sở cách mạng dẫn đường, luồn lách vào trung tâm thị xã, áp sát các mục tiêu. Tại lễ xuất quân, tất cả cán bộ, chiến sĩ đều quàng khăn đỏ, thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, có chiến sĩ đang sốt rét, vẫn nằng nặc xin đi chiến đấu. Ai cũng hừng hực khí thế quyết tâm. Tiểu đoàn 50 nhận nhiệm vụ đánh chiếm đồn Bạch Đằng, bến xe, lầu bà Đệ, nhà ga. Trong đó, việc đánh chiếm nhà ga diễn ra vào đêm 30 Tết rất nhanh chóng và không tốn viên đạn nào.
Trong khi đó, từ mùng 1 đến mùng 7 Tết, các chiến sĩ đặc công Đ10 tấn công, chiếm giữ đài phát thanh, khu Quân Trấn, bắt hơn 200 tên địch, giải thoát cho 22 đồng chí của ta bị địch bắt trước đó, đồng thời tiến công dinh tỉnh trưởng, kho quân sự Đèo Son... Tại Đài phát thanh, chiến sự diễn ra ác liệt. Các chiến sĩ ta đã đẩy lùi 4 đợt phản kích, tiêu diệt 130 tên địch, làm chủ Đài phát thanh 7 ngày liền. Đồng chí Biên Cương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Quy Nhơn và đồng chí Võ Mười, Tiểu đoàn trưởng đặc công liên ấp 3 trực tiếp chỉ huy mũi Đại đội Đ10, đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh... Kể đến đây, ông Thể lại bùi ngùi, xúc động: “Biết bao đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh trong trận chiến ấy, góp máu xương cho ngày chiến thắng. Riêng Tiểu đoàn 50 lúc tiến công vào thị xã Quy Nhơn có 250 cán bộ, chiến sĩ, khi rút về lại căn cứ thì chỉ còn 90 người; số còn lại đã anh dũng hy sinh hoặc bị địch bắt do chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và bị thương nặng”.
2. Còn ông Trần Minh Hoàng (70 tuổi, ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn), thời điểm đó là Tiểu đội trưởng Tiểu đội trinh sát liên lạc, Đại đội 2, Tiểu đoàn 50, người trực tiếp tham gia Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 đánh vào thị xã Quy Nhơn. Ông cũng nguyên là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 51, người trực tiếp tham gia giải phóng Quy Nhơn ngày 31.3.1975.
Ông Hoàng nhớ lại: “Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 đánh vào thị xã Quy Nhơn có thể nói là chiến dịch táo bạo, bất ngờ. Bởi lúc đó, các cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 50 chỉ cần cải trang thành lính Việt Nam Cộng hòa đã tiến vào thị xã Quy Nhơn một cách trót lọt mà không bị phát hiện. Sau 0 giờ của đêm giao thừa, Đại đội 2 đã nhanh chóng chiếm giữ một số cơ sở của địch, trong đó có nhà ga để làm nơi tập kết quân, tiếp tục đánh chiếm các vị trí khác. Tại nhà ga, Đại đội 2 cùng với các đại đội khác của Tiểu đoàn 50 đã bắt giữ hàng chục lính hỏa xa đang làm nhiệm vụ bảo vệ nhà ga mà không có giao tranh xảy ra. Sau khi được giáo huấn, các lính hỏa xa đã được thả về nhà để đón Tết với gia đình. Đến sáng mùng 1 Tết, người dân Quy Nhơn mới biết tin quân giải phóng đã tiến công vào thị xã và một số người dân ở gần nhà ga đem bánh chưng, bánh tét đến biếu tặng. Đến trưa mùng 1 Tết thì địch tập trung lực lượng bắt đầu phản công. Suốt từ mùng 1 đến mùng 4 Tết, ta và địch giành nhau từng con đường, góc phố, mảng tường, góc cầu thang. Quân ta phần thì hy sinh, phần thì bị thương nên lực lượng mỏng dần, lương thực và đạn dược cạn kiệt. Lúc này, chúng tôi được lệnh mở đường máu phá vòng vây thoát ra ngoài. Số cán bộ, chiến sĩ còn lại vẫn kiên cường bám trụ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”.
“Cùng với chiến thắng trên toàn chiến trường miền Nam Xuân Mậu Thân 1968, quân và dân Bình Định đã góp phần làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, đẩy chiến lược “chiến tranh cục bộ” đi đến phá sản hoàn toàn. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 là một sự kiện có ý nghĩa chiến lược, đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo bước ngoặt quyết định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đi tới thắng lợi”
Ông PHAN TRỌNG THỂ - Nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 50
NGUYỄN PHÚC