“Chuyển động” trong công tác đánh giá cán bộ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn một lần nhắc nhở: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Để nhận diện cán bộ tốt hoặc kém, công tác đánh giá cán bộ phải đúng thực chất - đó là đòi hỏi khách quan và bức thiết trong giai đoạn hiện nay.
Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII nêu tình trạng “đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ”. Trước đó, văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng đã chỉ rõ: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục”.
HIỆU QUẢ CÔNG VIỆC LÀ THƯỚC ĐO
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng. Ảnh: Văn Lưu
Nhiều năm qua, Sở KH&CN được đánh giá cao trong công tác cán bộ, nhất là đánh giá cán bộ luôn đảm bảo thực chất. Theo Giám đốc Sở KH&CN Lê Công Nhường, việc đánh giá, phân loại cán bộ phải bám sát các tiêu chuẩn cụ thể theo quy định chung, coi trọng cả 2 mặt năng lực và phẩm chất, lấy hiệu quả công việc là thước đo. “Để xác định cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hằng năm, ngoài các tiêu chuẩn chung, chúng tôi còn có các tiêu chí khác phù hợp với đặc thù của ngành, như các bài báo khoa học, sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng hiệu quả…”, ông Nhường nói.
Tại Sở KH&CN, các “cây sáng kiến” thường xuyên được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có thể kể ra như Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Hà, Chánh Văn phòng Võ Cao Thị Mộng Hoài, Phó Trưởng phòng Quản lý KH&CN cơ sở Nguyễn Ngọc Hóa… Mới hơn 5 năm làm việc ở Sở KH&CN, nhưng chàng trai trẻ Nguyễn Ngọc Hóa đã sở hữu 2 sáng kiến giá trị, góp phần đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính, mang lại thuận lợi cho người dân lẫn cán bộ thực thi công vụ. Trong năm 2017, anh được công nhận là 1 trong 45 cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc. “Sự ghi nhận của tập thể trong đánh giá, xếp loại là động lực để chúng tôi tiếp tục tìm tòi, cải tiến để nâng cao hiệu quả công việc chuyên môn”, anh Hóa tâm sự.
Trong giai đoạn 2012 - 2016, tập thể lãnh đạo các sở, ban, ngành đã đánh giá, phân loại 14.473 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, có 91,8% được phân loại từ hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ trở lên, 16,7% hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực, 2,2% không hoàn thành nhiệm vụ.
“Công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”. Trong công tác cán bộ giai đoạn hiện nay, quan trọng nhất là khâu đánh giá cán bộ. Ðánh giá đúng thì mới quy hoạch đúng, xem xét, đề bạt đúng. Ðánh giá sai thì tất cả các khâu khác đều sai theo”
Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN THANH TÙNG
Theo Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Kim Hùng, việc đánh giá cán bộ ở Bình Định thời gian qua được thực hiện theo quy định, hướng dẫn của Trung ương; đánh giá cán bộ đã gắn với phân loại đánh giá đảng viên định kỳ hằng năm, khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ, nhất là khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI (Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay) và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII (Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ). Kết quả đánh giá được lấy làm căn cứ để xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ chính sách với cán bộ, công chức. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đáng ghi nhận, việc đánh giá, xếp loại cán bộ còn tình trạng nể nang, né tránh trách nhiệm hoặc ngại va chạm.
TẬP TRUNG CHO KHÂU “THEN CHỐT CỦA THEN CHỐT”
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” được tổ chức đầu tháng 12.2017, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ rằng, Đảng ta luôn xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Và, công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”.
Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, công tác cán bộ có nhiều khâu; trong giai đoạn hiện nay, quan trọng nhất và cần được tập trung nâng cao chất lượng là khâu đánh giá cán bộ. Bởi, “đánh giá đúng thì mới quy hoạch đúng, xem xét, đề bạt đúng. Đánh giá sai thì tất cả các khâu khác đều sai theo”.
Trên thực tế, quyết tâm đổi mới công tác đánh giá cán bộ đã được xác định rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Đó là hoàn thiện quy chế đánh giá cán bộ một cách khoa học, phù hợp với thực tiễn; quy định lấy phiếu tín nhiệm ở các cấp, các ngành định kỳ hoặc đột xuất... Tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ, đảng viên là chương trình hành động của tập thể và cá nhân; kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; kết quả thực hiện cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; tự phê bình và phê bình; sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý; hiệu quả đấu tranh, khắc phục suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...
Hướng dẫn kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên năm 2017 do Ban Tổ chức Tỉnh ủy ban hành đã góp phần cụ thể hóa chủ trương đổi mới công tác đánh giá cán bộ. Cụ thể, đối với đảng viên là cán bộ, công chức, khi kiểm điểm về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ cần đi sâu làm rõ về khối lượng, tiến độ, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Với người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, còn phải kiểm điểm sâu sắc kết quả lãnh đạo, quản lý, tổ chức, điều hành; việc quy tụ, đoàn kết, thái độ công tâm, khách quan và sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên, quần chúng; làm rõ trách nhiệm cá nhân đối với những hạn chế, khuyết điểm của tập thể…
NGUYỄN VĂN TRANG