Tết ấm áp ở mái nhà chung
Tết đã gần với từng người, từng gia đình. Tại các trung tâm bảo trợ xã hội, Tết cũng đang ấm áp theo những cách rất riêng.
Nôn nao về nhà riêng
20 tháng Chạp, bà Cao Thị Hảo (72 tuổi, ở khối 1, thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn) vào Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn đón con gái Lê Thị Phượng (45 tuổi) về nhà ăn Tết. Giữa trời mưa bay bay, hình ảnh hai người phụ nữ nắm tay nhau, líu ríu rời Trung tâm ấm áp.
Nghe chị Phượng ríu rít như đứa trẻ nhỏ, ngắm nét rạng rỡ không giấu nổi trên gương mặt, tôi thầm nghĩ: hành lý đón Tết của chị hẳn không chỉ là vài bộ quần áo nhẹ tênh và ít ỏi mà là rất nhiều trông ngóng, rất nhiều ký ức đẹp đẽ về ngày Tết đoàn viên quê nhà.
Bà Hảo kể chị Phượng là đứa con duy nhất của bà. Hơn 10 năm trước, khi chị mắc bệnh, được đưa vào Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn, đứa con nhỏ của chị một tay bà nuôi dưỡng. Bao năm qua, cuộc sống nhiều khó khăn nhưng Tết nào bà cũng giữ trọn lời hứa đón con về. “Tôi cũng lo bệnh tình của con tái phát. Nhưng không đón về, con tủi thân, tội lắm!”, bà Hảo tâm sự.
Ở phòng Tư vấn và chăm sóc sức khỏe Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn, ông Đặng Văn Ửng, Trưởng phòng chứng kiến nhiều sự háo hức của bệnh nhân trước giờ theo người thân về nhà ăn Tết. Ông cho biết: Bệnh nhân trước khi về nhà đều được tư vấn kỹ càng về công tác quản lý và phục hồi chức năng tại nhà. Tùy từng đối tượng mà có những tư vấn khác nhau. Đến thời điểm hiện tại, có khoảng 50/510 người bệnh tâm thần tại Trung tâm được gia đình đón về nhà để vui Tết. Riêng đối với các bệnh nhân tâm thần không được đón về nhà, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn Đoàn Thế Tuấn cho biết: Trung tâm đã lên kế hoạch chăm lo Tết chu đáo cho các đối tượng còn lại.
Ấm áp nhà chung
Vào Làng trẻ em SOS Quy Nhơn những ngày này, thấy Tết thật gần khi trong giỏ xe đi chợ về của các mẹ, các dì đều có xấp lá chuối, nguyên liệu để làm bánh tét, bánh chưng. Trẻ em thỏa sức chạy nhảy trên những lối đi xanh mướt rau non. Sân sau vài ngôi nhà màu đỏ, khói bếp bay lên, ấm nồng.
Hướng dẫn các em ở nhà số 9 và số 12 giữ lửa cho nồi bánh tét, bánh chưng, chị cả Nguyễn Thị Phương Diễm (20 tuổi, hiện là sinh viên ngành công tác xã hội Trường ĐH Quy Nhơn) bộc bạch: “Mấy năm trước, tụi em đều nấu bánh vào buổi tối. Canh lửa buổi tối thì thích hơn, vui hơn nhưng không canh được lâu. Đến giữa khuya, mấy chị em đều buồn ngủ và ngủ quên đến mức... hư bánh”.
Không khí cũng đã chộn rộn trong nhà số 1 và số 2. Mẹ Nguyễn Thị Mau cho biết: “Nhà đông con, Tết cũng tất bật hơn. Dù vậy, các mẹ đều sắp xếp để thực hiện các hoạt động truyền thống như: nấu bánh tét, bánh chưng, làm rim mứt, trang trí, vệ sinh lại nhà cửa, đưa con đi lễ chùa, về quê mẹ... Qua đó, làm các con thêm quý trọng những giờ phút gần gũi, thân thương bên nhau, bù đắp cho những thiệt thòi trước đó”.
Theo ông Nguyễn Quỳnh, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh, điểm đặc biệt trong dịp Tết Mậu Tuất 2018 là sự ấm áp sẻ chia của các tổ chức, đơn vị hướng về trung tâm. Không chỉ bằng những phần quà Tết, một số nhà hảo tâm đã ủng hộ hơn 300 triệu đồng để tân trang lại diện mạo Trung tâm trước Tết. Toàn bộ các bức tường đã được sơn lại. Hệ thống điện, nước được lắp mới. Các dãy nhà ở đối tượng được lắp thêm hiên sau... Trung tâm cũng sắm thêm 2 máy sưởi để giữ ấm cho trẻ tại khu vực nhà trẻ sơ sinh.
NGUYỄN MUỘI