CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG XUÂN MẬU THÂN-1968:
Dấu ấn thao lược của Ðảng
Vai trò to lớn của Ðảng đối với cách mạng Việt Nam thể hiện ở cả góc độ lý luận và thực tiễn, được minh chứng bằng những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân -1968 với dấu ấn thao lược của Ðảng là một minh chứng sống động.
50 năm đã trôi qua, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 vẫn thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới nghiên cứu. Với ông Phan Văn Huệ- Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, vấn đề quan trọng cần đặt ra là cuộc tổng tiến công này có mang tính tất yếu? Có thật sự cần thiết để tạo ra bước ngoặt trong cuộc chiến?
Tổng công kích - tổng khởi nghĩa
Để trả lời cho những câu hỏi đó, cần nhắc lại tình thế lúc bấy giờ, sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đứng trước nguy cơ sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, đế quốc Mỹ bắt đầu chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân đội và chư hầu vào miền Nam. Đồng thời, mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, với tham vọng cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn. Qua đó, nhanh chóng đánh bại quân chủ lực của cách mạng, giành lại thế chủ động trên chiến trường, “bình định” toàn miền Nam, kết thúc cuộc chiến trong tư thế “kẻ chiến thắng”.
Theo ông Phan Văn Huệ - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, nắm vững thời cơ chiến lược, kết hợp với kinh nghiệm của Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 và phong trào Đồng khởi 1960, Bộ Chính trị đã đưa ra chủ trương tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào năm 1968. Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 12.1967 được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14, khóa 3 thông qua tháng 1.1968 xác định “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta tiến lên bước phát triển cao nhất bằng phương pháp tổng công kích - tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”. “Để có chủ trương này, quá trình hình thành, chuẩn bị được thực hiện từ rất sớm”, ông Huệ phân tích.
Ông Lê Văn Minh - Trưởng khoa Xây dựng Đảng (Trường Chính trị tỉnh), nhấn mạnh, vai trò lãnh đạo của Đảng qua sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968 được thể hiện rất rõ ở hoạch định đường lối, chỉ đạo thực hiện đường lối và tính chủ động của các tổ chức Đảng địa phương. Trong đó, các tổ chức Đảng ở các tỉnh, huyện, xã - đặc biệt là các đô thị (nơi trực tiếp diễn ra những trận chiến đấu quyết liệt, quả cảm của quân và dân ta) đã thật sự chủ động, sáng tạo.
Trong khi đó, theo ông Phạm Đình Đôn - Trưởng phòng Nghiên cứu lịch sử Đảng (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy), có thể khẳng định cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là thắng lợi của thế trận lòng dân, thế trận chiến tranh nhân dân. Trong tình thế khó khăn nhất, nếu các lực lượng cách mạng kiên trì thế tiến công và bám trụ trong dân, thì phong trào cách mạng vẫn tồn tại và tiến lên giành thắng lợi. Thế trận lợi hại này hình thành trong cuộc chiến chống “chiến tranh đặc biệt” và phát triển trong cuộc chiến chống “chiến tranh cục bộ”.
“Nhờ giải quyết tốt vấn đề cơ bản trên, Đảng bộ tỉnh Bình Định đã huy động được sức mạnh toàn dân, không chỉ trong xây dựng và củng cố căn cứ địa miền núi, hệ thống chiến đấu đồng bằng, cũng như các hành lang bàn đạp, căn cứ lõm vùng sâu, vùng ven và nội thị, mà còn phát động mạnh mẽ phong trào chiến tranh du kích trên 3 vùng, phát huy thế chủ động tiến công 3 mũi, giành được thắng lợi lớn qua các giai đoạn”, ông Đôn đúc kết.
Thắng lợi có ý nghĩa chính trị và quân sự to lớn
Là một chiến trường trọng điểm “tìm diệt” của địch, Bình Định đã góp phần đắc lực với toàn khu, toàn miền đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt và 2 cuộc phản công mùa khô của địch. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ tập kích táo bạo vào nội thị Quy Nhơn, đưa chiến tranh nhân dân vào tận sào huyệt của địch ở địa phương.
Ông Phạm Đình Đôn khẳng định, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là thắng lợi có ý nghĩa chính trị và quân sự to lớn. Quân và dân Bình Định góp phần cùng quân và dân miền Nam đã giành thắng lợi quan trọng, đánh bại cố gắng lớn về quân sự của Mỹ; giáng một đòn quyết định, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân về nước, chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc và chấp nhận đàm phán với ta ở Hội nghị Pa-ri (1968 - 1973).
“Quan trọng hơn, chúng ta đã làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, làm cho “quân đội Mỹ còn nguyên vẹn về thể xác nhưng tinh thần dao động hết rồi” như nhận xét của Michael Maclear trong tác phẩm “Việt Nam cuộc chiến tranh mười nghìn ngày” (Vietnam: The Ten Thousand Day War). Từ đó, cục diện “vừa đánh vừa đàm” được mở ra, tạo nên sự chặt chẽ và hiệu quả trong kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, ngoại giao; góp phần tạo bước ngoặt mới cho sự phát triển của cách mạng miền Nam”, ông Đôn phân tích.
Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một biểu tượng về tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, tài mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng. “Đó là nghệ thuật nắm bắt thời cơ để chủ động giáng đòn quyết định làm chuyển biến cục diện chiến tranh; nghệ thuật tiến công bằng cách đánh chiến lược mới, giành thế bất ngờ, đưa chiến tranh vào thành thị; là nghệ thuật tổ chức, bố trí và sử dụng lực lượng “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy ít địch nhiều”, “lấy chất lượng cao thắng số lượng đông”, lấy trí tuệ của con người Việt Nam để chiến thắng vũ khí và trí tuệ của bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ”, ông Lê Văn Minh nêu rõ.
“
Tiếng pháo giao thừa nổ ran, khói pháo như làn sương đặc quánh làm mờ cả lối đi. Ngoài tiếng pháo của dân thì pháo sáng các loại của địch chung quanh bắn lên đỏ đan chen trên bầu trời, soi rõ thêm đường đi cho chiến sĩ.
Trên đường tiến quân đi qua xóm lao động ngoại ô, bà con vẫn mở to đài bán dẫn, nghe đài phát thanh từ Hà Nội vang lên thư chúc Tết của Bác Hồ: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta””.
(Trích “Tiểu đoàn 50 với Xuân Mậu Thân”, in trong “Núi Bà Khu Đông thời ấy”, Đinh Bá Lộc, Nxb. Quân đội nhân dân, 2005)
MAI LÂM