Hương Tết về trong sắc hoa...
Nguồn cung giảm có thể thấy rõ qua nhiều lô hàng trống ở chợ hoa xuân năm nay. Bên cạnh đó, quy mô của mỗi lô hàng cũng có phần co lại. Nhìn hình ảnh chợ hoa dưới những góc máy plycam, có thể thấy ít lô hàng kéo dài gần cả 20m như những năm trước. Cận cảnh hơn, có những gian hàng mai, cúc có “tên tuổi” của nhiều năm trước giờ cũng bỏ Quy Nhơn vào TP Hồ Chí Minh, hoặc ngược ra Hà Nội, Đà Nẵng.
Hoa vắng; cúc, mai vẫn đậm sắc
Có thể nói, một góc “Mai hoa thung” của ông Trần Hoàng (góc Phạm Hùng - Nguyễn Tất Thành) với dáng mai “ấm tàn”, hoa bung nở tròn đều đẹp nhất chợ hoa xuân năm nay. Ngoài bán cho khách chơi hoa thưởng lãm, ông Hoàng còn cung cấp cho các chủ vườn hoa khác ở chợ hoa, hay “đi” khắp Khánh Hòa, Phú Yên và các tỉnh phía Bắc. Đến chiều 26 tháng Chạp, ông đã bán được gần 40 cây mai, thấp nhất có giá 2 triệu, cao thì lên vài chục triệu đồng.
Trong khi đó, gian hàng mai xuân bonsai nằm trên đường Trường Chinh của ông Bùi Xuân Lý, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh, 1/3 đã có chủ. “Xu hướng chơi mai bonsai ngày càng nhiều, chứ không còn quá chuộng mai trang trí dáng đại như trước đây. Nhiều nhà vườn cũng đã chuyển đổi từ mai đại sang trồng mai bonsai. Gốc, đế, thấp lùn và tạo thế bonsai, giá trị cao” - ông Lý chia sẻ.
Trong khi đó, theo nhiều nhà vườn, chất lượng hoa cúc năm nay tốt hơn nhiều so với mọi năm, dù bị ảnh hưởng của bão lũ, riêng giá tăng khoảng 20%. Tại vườn hoa cúc của ông Phan Cao Hùng (phường Đống Đa, Quy Nhơn), chủ đạo là cúc pha lê và cúc đại đóa, nhưng “hút” khách nhất là hoa cúc đại đóa. “Đến nay, lượng hoa tiêu thụ đã được khoảng 40%, vẫn chưa cao, nhưng vậy đã tốt hơn năm ngoái” - ông Hùng chia sẻ.
Một điểm đáng chú ý, toàn bộ hoa cúc chợ hoa xuân nằm dọc đường Lê Duẩn, Trường Chinh và Nguyễn Tất Thành chủ yếu từ làng hoa Bắc Hà Thanh (Quy Nhơn), chỉ một hai hộ đến từ làng cúc Bình Lâm (Tuy Phước). Chưa kể, chợ hoa năm nay cũng gần như vắng mặt những sắc hoa cúc đến từ các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên.
Góp sắc xuân
“Người miền Bắc sinh ra đào, còn đất Nam vững thế mai. Nhưng thật lòng, rất nhiều người Bình Định lại thích chơi Tết cả mai lẫn đào. Nên, 13 năm nay chưa bao giờ thiếu vắng sắc hoa đào của chúng tôi ở chợ hoa xuân Quy Nhơn” - ông Nguyễn Phú Hiến (52 tuổi, ở xã Nam Toàn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), chỉ lô đào lớn nhất chợ hoa chia sẻ.
Năm nay, ông Hiến mang vào Bình Định 2 xe đào, tính tổng cước, bốc vác và thuê lô cho gần 300 gốc đào là 74 triệu đồng. Nhờ thời tiết tốt, nên đào năm nay rất đẹp, hoa nở căng, có búp hoa, lộc xuân, tàn cây tròn đều. Từ 21 tháng Chạp đến nay, ông Hiến và cậu con rể Phạm Danh Tuấn (32 tuổi) ăn ngủ bên hoa giữa trời.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề trồng cúc Tết, ông Phan Cao Hùng tâm sự rằng, đằng sau mỗi chậu hoa đẹp không chỉ có mồ hôi công sức, mà còn cả buồn vui, biết bao lo lắng, hồi hộp. Suốt 7 tháng chăm hoa mỗi ngày, trông mưa ngóng nắng từ khi cây đâm chồi, đến khi ra nụ, bung hoa. “Khi cây đậu búp thì bắt đầu tạo dáng cây, mất 4 bận như vậy mới xong. Đến khi búp ra cũng là lúc huy động mọi người cùng nhặt bỏ những búp nhỏ để nuôi búp chính. Rồi cũng phải chờ đến khi hoa bung nở mới biết được chất lượng hoa, có đẹp hay không...” - ông Hùng kể.
***
Đi dọc đường hoa, trong câu chuyện với những người một đời yêu - sống với hoa, hay buôn hoa mỗi bận Tết đến xuân về… để nghe không ít niềm vui xen lẫn lo âu, kỳ vọng một mùa hoa thành công, làm nên sắc xuân rộn ràng. Như câu chuyện của ông Hiến bên những gốc đào: “Lần đầu tiên buôn hoa đào vào TP Hồ Chí Minh, mang theo 50 cây nhưng đến Bình Định thì xe hỏng, dừng lại bán luôn. Vậy rồi thành duyên, cuối Chạp, hai cha con lại khăn gói vào đây ăn - ngủ cùng chợ hoa xuân. Có năm lời, năm lỗ, nhưng vui vì mình cũng góp thêm chút xuân cho đất này”.
MAI HOÀNG