Nhộn nhịp Nhơn Châu
Những ngày cuối năm, hoạt động buôn bán, kinh doanh ở xã Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) nhộn nhịp hẳn lên. Những chuyến đò đầy ắp hàng hóa được chuyển từ đất liền ra đảo để phục vụ người dân. Không khí xuân đang về lan tỏa khắp mọi nẻo đường trên đảo.
Đò về đảo, không khí nhộn nhịp trên cầu cảng.
Xuân về trên đảo
Trên chuyến đò về xã đảo Nhơn Châu những ngày cận Tết, các mặt hàng thiết yếu như: gạo, mì tôm, bia, nước giải khát, gà, vịt, các loại hoa cúc, vạn thọ, mai, quất… được chất đầy trên khoang.
Anh Nguyễn Văn Thơm, chủ đò kiêm thuyền trưởng (ở thôn Tây), tươi cười cho biết: “Những ngày cận Tết, lượng hàng hóa được bà con mua sắm nhiều, chủ yếu là mặt hàng bánh, kẹo, nước giải khát, bông, chuối, trái cây… Lượng hành khách cũng tăng lên do cuối năm người dân làm ăn xa, học sinh, sinh viên về quê đón Tết nên xã phải tăng từ 2 chuyến đò lên 3 chuyến/ngày để phục vụ bà con.”
Sau gần 2 giờ vượt sóng, đò về cập bến cầu cảng xã đảo Nhơn Châu. Đặt chân lên đảo, ấn tượng đầu tiên trong mắt chúng tôi là sự xuất hiện của chiếc xe điện màu trắng đang đậu trên bờ chờ đón khách.
“Vài năm gần đây, ngành du lịch phát triển, năm 2017 tôi đầu tư 100 triệu đồng để mua xe điện có gắn động cơ, 11 chỗ ngồi để chở khách du lịch tham quan trên đảo với giá 600 ngàn đồng/chuyến, bình quân ngày chở được 3 chuyến cũng kiếm được 1 - 1,2 triệu đồng. Tranh thủ những ngày này, tôi lấy xe ra bến đò chở bà con về nhà, lấy giá “giao hữu” mỗi người 5 ngàn đồng”, anh Nguyễn Minh Tâm (ở thôn Đông) cho biết.
Xe điện phục vụ giá “hữu nghị” chở từ bến đò về nhà với giá 5 ngàn đồng/người.
Tại chợ Nhơn Châu những ngày này luôn tấp nập người mua kẻ bán. Chị Lê Thị Ngọc Nha (ở thôn Đông) chia sẻ : “Dịp Tết năm nay tôi ra huyện Phù Mỹ mua 200 chậu hoa vạn thọ với giá 7 triệu đồng chở về bán tại xã, với giá từ 15 - 20 ngàn đồng/ chậu, cũng có thêm thu nhập phụ cho ngày Tết.”
Chị Hồ Thị Hương, chủ cửa hàng tạp hóa ở thôn Tây, bộc bạch: “Những ngày cuối năm, hoạt động mua bán, kinh doanh trên đảo luôn nhộn nhịp bởi nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Năm nay, nghề biển thu nhập ít đạt nhưng nhu cầu mua sắm của người dân vẫn diễn ra bình thường như mọi năm.”
Trồng rau sạch bán Tết
Để cải thiện bữa ăn gia đình và cũng để kiếm thêm thu nhập. Từ tháng 11 âm lịch, bà Nguyễn Thị Tin, ở thôn Trung, cải tạo khoảnh đất diện tích 1.000 m2 sau nhà để trồng rau như: mồng tơi, cúc, cải, xà lách, rau muống, hành, ngò… “Hiện tại, lượng rau trong vườn đã được các quán ăn đặt hàng bán Tết. Bình quân một ngày, tôi thu nhập từ 50 - 70 ngàn đồng từ tiền bán rau, riêng những ngày Tết cũng kiếm được 1 - 1,2 triệu đồng”, bà Tin bộc bạch.
Trồng rau sạch trên đảo để bán Tết.
Cũng tận dụng đất trống để trồng rau, kết hợp chăn nuôi gà để bán Tết. Bà Võ Thị Mười, ở thôn Tây, cho hay: “Người dân rất chuộng rau sạch được trồng trên đảo, họ đến tại vườn để mua rau, cứ đến Tết là rau ở đây lại “cháy hàng”. Ngoài trồng rau, tôi còn nuôi thêm mấy trăm con gà thả vườn để bán Tết, cũng kiếm được vài triệu đồng đủ lo cho gia đình đón Tết.”
Bà Lê Thị Tràng, Chủ tịch Hội LHPN xã Nhơn Châu, cho biết: “Toàn xã có khoảng 10 hộ phụ nữ trồng rau sạch. Do đất ít nên chỉ có những nhà có đất trống mới tận dụng trồng rau. Năm 2018, Hội sẽ triển khai nhân rộng mô hình trồng rau an toàn bằng khay với tổ liên kết phụ nữ trồng rau gồm 18 hộ tham gia, xã sẽ trích nguồn kinh phí nông thôn mới để hỗ trợ khay, giống cho chị em phụ nữ. Ngoài ra, hỗ trợ 22 hộ hội viên triển khai mô hình “nuôi gà lông màu” để phát triển kinh tế gia đình.”
“Dịp Tết năm nay, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao hơn so với mọi năm, lượng hàng hóa thiết yếu tăng khoảng 40%. Ngoài lượng hàng hóa thiết yếu được mua từ thành phố về bán, một số hộ dân trong xã cũng chăn nuôi gà, vịt, heo, bò và trồng rau để bán dịp Tết”, ông Phan Văn Binh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu cho biết.
Ngọc Nhuận