Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 41 của Hội đồng Quản trị IFAD
Hội nghị thường niên lần thứ 41 của Hội đồng Quản trị Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) đã chính thức khai mạc vào sáng 13.2 tại thủ đô Rome của Italy.
Tham dự hội nghị, tổ chức trong hai ngày 13 và 14.2, có Ban lãnh đạo IFAD, Thủ tướng Bangladesh Seikh Hasina, Bộ trưởng Nông nghiệp Peru José Berley Arista Arbildo cùng đại diện 176 nước thành viên IFAD.
Đoàn Việt Nam dự hội nghị gồm 3 thành viên do ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính, dẫn đầu. Chủ đề của hội nghị lần này là "Từ sự mong manh dễ tổn thương đến khả năng phục hồi dài hạn: Đầu tư vào kinh tế nông thôn bền vững." Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch IFAD Gilbert Fossoun Houngbo nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đầu tư phát triển dài hạn cho khu vực nông thôn vì một thế giới ổn định và thịnh vượng hơn. Ông Houngbo cho rằng tình trạng đói nghèo có thể dẫn đến sự xung đột và bất ổn định. Trong năm 2017, nhiều cuộc xung đột và khủng hoảng nhân đạo đã xảy ra, dẫn đến tình trạng người dân phải rời bỏ nhà cửa và di cư ở mức kỷ lục.
Bên cạnh đó, thế giới còn phải chứng kiến nhiều sự kiện thời tiết khắc nghiệt cũng như tình trạng đói nghèo gia tăng.
Ông Houngbo dẫn số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết, ước tính trong năm 2016, có khoảng 1,6 tỷ người dân trên thế giới sống trong tình trạng mong manh dễ bị tổn thương. Trong số này có tới 480 triệu người là thuộc diện cực nghèo. Nguyên nhân là các yếu tố như sự bất ổn định, các cuộc xung đột, việc quản lý điều hành của các nhà nước không phù hợp, các thể chế yếu kém, tình trạng không có khả năng hồi phục sau những cú sốc về kinh tế và thiên tai. Theo ông Houngbo, đầu tư dài hạn vào khu vực nông thôn là yếu tố cơ bản để tạo lập sự ổn định. Ví dụ, các hoạt động tài trợ của IFAD đã giúp các nông hộ nhỏ gia tăng sản lượng và thu nhập cũng như tiếp cận các thị trường, tiếp cận công nghệ và nguồn tài chính. Trong giai đoạn 2010-2015, các dự án hỗ trợ của IFAD đã giúp 24 triệu người trên thế giới thoát khỏi đói nghèo. Ông Houngbo còn cho hay hiện nay trên thế giới có tới 768 triệu người đang sống trong tình trạng cực nghèo và 815 triệu người vẫn đang phải hứng chịu nạn đói. Khoảng 75% trong số này là sống ở các khu vực nông thôn. Tại hội nghị lần này, các đại biểu chủ yếu tập trung thảo luận cách thức để đầu tư bền vững vào khu vực nông thôn. Ở thời điểm tình trạng đói nghèo đang ngày càng tăng do các cuộc xung đột và biến đổi khí hậu, các thành viên IFAD còn đề ra mục tiêu đóng góp để hỗ trợ một chương trình cho vay và viện trợ không hoàn lại của IFAD trị giá 3,5 tỷ USD nhằm xóa đói giảm nghèo cho hàng chục triệu người dân ở vùng nông thôn tại các nước đang phát triển trên khắp thế giới. Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) là cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc có trụ sở đóng tại Rome. Khởi đầu ý tưởng thành lập IFAD được nêu ra tại Hội nghị Lương thực thế giới năm 1974. Ngày 13.6.1976, Hiệp định về thành lập Quỹ được thông qua, tiếp đó tới ngày 20.12.1976 được ký chính thức và có hiệu lực từ ngày 30.11.1977. Kể từ năm 1978 đến nay, IFAD đã đầu tư 19,7 tỷ USD dưới hình thức các khoản viện trợ không hoàn lại và cho vay với lãi suất thấp cho các nước đang phát triển thông qua nhiều dự án, tạo điều kiện thuận lợi để khoảng 474 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói. IFAD hiện có 176 thành viên, gồm những nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và những nước đang phát triển. Việt Nam là thành viên IFAD từ năm 1997./.
Theo (TTXVN/VIETNAM+)