Vượt khó để kiên định mục tiêu phát triển
Mặc dù gặp rất nhiều kho khăn do thiên tai nhưng tỉnh Bình Định vẫn kiên định thực hiện mục tiêu kế hoạch đề ra cho cả giai đoạn 2016-2020, trước mắt là nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu phát triển trong năm 2018.
Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng trong cuộc trả lời phóng viên Báo điện tử Chính phủ nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018.
Thưa ông, năm 2017, Bình Định phải đối mặt với nhiều thiên tai nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Vậy tỉnh đã làm những gì để bảo đảm đời sống nhân dân cũng như ổn định sản xuất?
Ông Hồ Quốc Dũng: Năm 2017, Bình Định phải đối mặt với nhiều thiên tai nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân.
Bởi vậy, công tác phòng chống thiên tai luôn được tỉnh quan tâm chú trọng. Mỗi lần xảy ra thiên tai, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đến từng địa phương kiểm tra tình hình, chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung triển khai ứng cứu bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Các sở, ban, ngành, các địa phương, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã thực hiện di dời dân, khắc phục hậu quả mưa lũ… Sau đó là tổ chức hỗ trợ, cứu trợ nhằm ổn định đời sống nhân dân.
Ngoài việc cứu trợ, hỗ trợ trước mắt, tỉnh Bình Định cũng đã huy động tất cả các nguồn lực của tỉnh và tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương để đầu tư cơ sở hạ tầng ở những vùng thường xuyên bị thiên tai, nhằm hạn chế những thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.
Nhờ vậy, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các doanh nghiệp trong tỉnh đã thực hiện hoàn thành hầu hết các mục tiêu phát triển KT-XH đề ra.
Cụ thể, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 6,72%. Trong đó, giá trị tăng thêm của các ngành nông, lâm, thuỷ sản tăng 3,24%; công nghiệp, xây dựng tăng 9,72%; dịch vụ tăng 6,79%; thuế trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,28%. Điều đáng mừng là tuy gặp khó khăn nhưng chỉ số phát triển công nghiệp tăng 8,8%, cao nhất trong 5 năm qua; lượng khách du lịch đến tỉnh đạt trên 3,7 triệu lượt người, tổng thu ngân sách đạt 7.559 tỷ đồng, tăng 23,3% dự toán năm và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2016…
Công tác cứu trợ, hỗ trợ an sinh xã hội, ổn định đời sống cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng lũ lụt luôn được quan tâm đúng mức. Các chương trình, dự án và chính sách phát triển KT-XH miền núi được triển khai thực hiện và đạt kết quả tích cực...
Kết quả đạt được trong năm 2017 đã tạo động lực mới để tỉnh Bình Định vững tin tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2018 và những năm tiếp theo, góp phần xây dựng tỉnh Bình Định ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại.
+ Cá ngừ đại dương, mặt hàng thủy sản thế mạnh của Bình Định. Ảnh: VGP/Lê Minh Hùng
Thưa ông, năm 2017 đã qua, năm 2018 đã bắt đầu và khó khăn, thách thức cũng không hề nhỏ. Xin ông nói rõ hơn về mục tiêu phát triển kinh KT-XH của tỉnh nhà trong năm 2018?
Ông Hồ Quốc Dũng: Năm 2018 là năm thứ 3 Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bình Định triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp trong điều kiện vẫn tiếp tục phải tập trung khắc phục những thiệt hại, nhất là hậu quả cơn bão số 12 vào cuối năm 2017.
Mặc dù vậy, tỉnh vẫn đặt mục tiêu phấn đấu GRDP năm 2018 trên địa bàn đạt từ 7 - 7,2% so với năm 2017.
Để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 59/QĐ-UBND ngày 10.1.2018 về một số chỉ tiêu, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; tập trung triển khai thực hiện 9 nhóm giải pháp nêu trong Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1.1.2018 của Chính phủ.
Theo đó, trước hết chúng tôi kiên định mục tiêu kế hoạch đề ra cho cả giai đoạn 2016 - 2020 và nỗ lực thực hiện nhiệm vụ trong năm 2018
Đó là phấn đấu trong năm 2018 GRDP trên địa bàn tỉnh đạt từ 7 - 7,2% so với năm 2017, trong đó chú trọng thực hiện mục tiêu tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng để phát huy được thế mạnh của kinh tế địa phương.
Thứ 2, tập trung thu hút đầu tư để phát triển các ngành và lĩnh vực kinh tế mà Bình Định có lợi thế, trong đó có lợi thế của tỉnhlà cửa ngõ ra Biển Đông, nằm trên con đường hàng hải quốc tế để khai thác thế mạnh về dịch vụ cảng – logistics. Trước mắt, tỉnh tập trung hoàn thành sớm việc đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 19 nối từ Quốc lộ 1 đến cảng Quy Nhơn nhằm khai thác hiệu quả cảng Quy Nhơn hiện có, gắn với sự phát triển hệ thống cảng cạn (ICD) và hiện đại hóa loại hình dịch vụ cảng, tối đa hóa công suất; đồng thời sớm xác định địa điểm để kêu gọi đầu tư xây dựng cảng mới, có công suất lớn và đa năng.
Về du lịch, phát huy đà khởi sắc trong vài năm gần đây, Bình Định sẽ tập trung các giải pháp tổng hợp trên cả 4 lĩnh vực: Lưu trú (bao gồm bất động sản nghỉ dưỡng); dịch vụ hưởng thụ; ẩm thực và mua sắm. Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch MICE (gắn với khu đô thị khoa học) sẽ được chú trọng hơn. Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng một chương trình quảng bá ra quốc tế lấy điểm đến Quy Nhơn làm điểm nhấn.
Thứ 3, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng xây dựng nền công vụ phục vụ.
Chủ trương của lãnh đạo tỉnh về hỗ trợ thủ tục hành chính, cam kết tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong những năm qua có tác động tích cực đối với môi trường đầu tư, nhưng vấn đề đặt ra là phải chuyển động đồng bộ cả bộ máy hành chính địa phương từ cấp lãnh đạo, chỉ đạo đến thừa hành công vụ. Do đó, thời gian tới tỉnh tiếp tục xây dựng nền công vụ phục vụ, dịch vụ hành chính “một cửa”; xây dựng cơ chế liên thông giữa các sở, ngành trong quản lý nhà nước; nâng cấp chất lượng các cổng thông tin điện tử của sở, ngành theo hướng minh bạch và cập nhật kịp thời những thông tin cần thiết cho người dân.
Còn việc chăm lo cho nhân dân địa phương đón Tết Mậu Tuất như thế nào, thưa ông?
Ông Hồ Quốc Dũng: Với phương châm không để người dân, nhất là vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đói trong dịp Tết, chúng tôi thực hiện nghiêm yêu cầu của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết.
Tỉnh Bình Định tập trung chuẩn bị tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống của các gia đình chính sách, người có công, gia đình nghèo, gia đình bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt; thăm hỏi các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn… để đồng bào có cái Tết ấm áp.
Ngoài nguồn lực của Trung ương, tỉnh huy động từ nguồn ngân sách địa phương và vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm thăm và tặng quà cho các đối tượng người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo trên địa bàn.
Với người lao động ở các doanh nghiệp, trước Tết, chúng tôi đã chỉ đạo Sở LĐTB&XH phối hợp với công đoàn doanh nghiệp rà soát lại cam kết của thỏa ước lao động tập thể, thương lượng mức tiền thưởng Tết, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp thanh toán dứt điểm tiền lương, thưởng cho người lao động không để tình trạng nợ tiền lương, tiền thưởng.
Cảm ơn ông!
Theo Lê Minh Hùng (Chinhphu.vn)