Chuẩn mực cho văn hóa
Sự kiện cô ca sĩ kiêm diễn viên Angela Phương Trinh bị xử phạt vì hành vi ăn mặc và biểu diễn phản cảm tại một quán bar gây xôn xao dư luận tuần qua. Điều đáng nói là việc xử phạt sau đó cũng đồng thời gây tranh cãi còn lớn hơn thế nữa.
Quán bar nơi tổ chức bị xử phạt, người biểu diễn bị “treo mic” nhưng vấn đề đặt ra là khác với các sự cố showbiz cũng liên quan đến trang phục phản cảm như vụ ca sĩ Thu Minh, Mình Hằng, người mẫu Hà Anh, Thái Hà… đều diễn ra ở các buổi biểu diễn mang tính công cộng, mở rộng cho mọi người dù là trẻ em hay người già thì ngược lại, vụ việc của Phương Trinh diễn ra trong một quán bar. Một môi trường biểu diễn đặc biệt dành riêng cho người lớn, không phải là một sân khấu công chúng như các trường hợp nêu trên.
Rất nhiều người nêu một ví dụ, một cô gái diện bộ bikini (áo tắm hai mảnh) đi trên đường phố TPHCM thì không thể chấp nhận được, cô có thể bị tạm giữ vì vi phạm thuần phong mỹ tục. Nhưng cũng bộ đồ đó mà cô đi trên bãi biển Nha Trang, Vũng Tàu, Đồ Sơn lại chẳng có chuyện gì nếu không muốn nói là bình thường.
Nhiều nhà thiết kế thời trang, nghệ sĩ biểu diễn cũng lên tiếng về vấn đề này, theo đó ở những môi trường đặc biệt phải có những chuẩn mực đặc biệt. Không thể nào cứng ngắc áp đặt chuẩn mực của nơi này để áp dụng cho những nơi khác.
Thế nhưng, ngược lại cũng không thể để mặc cho những người biểu diễn muốn làm gì cũng được. Văn hóa Việt Nam chưa thể chấp nhận các kiểu biểu diễn như trong những quán bar của phương Tây. Những hình thức biểu diễn như của Phương Trinh vừa rồi không còn giới hạn trong phạm vi gợi cảm mà đã trở thành phản cảm gây nên những hiệu ứng tâm lý tiêu cực trong cộng đồng. Trước Phương Trinh có rất nhiều video clip quay cảnh biểu diễn trong các quán bar ở Việt Nam, trong đó có không ít người có chút ít tên tuổi trong làng showbiz như Trà My Idol, Thủy Tiên, Thu Thủy, Hoàng Thùy Linh… Nhiều người trong số đó cũng có trang phục, lối biểu diễn phản cảm không khác gì so với Phương Trinh.
Một số ý kiến đề xuất nên giáo dục nghệ sĩ để họ có ý thức trong biểu diễn và lựa chọn trang phục, điều này thực ra rất khó khăn vì các quán bar thường trả rất cao cho người biểu diễn, càng biểu diễn bốc lửa, khiêu gợi, giá càng cao giá. Trước những khoản tiền lớn như thế, rất khó để trông chờ vào sự tự giác của người biểu diễn.
Xây dựng một môi trường văn hóa đa dạng theo đó đòi hỏi cũng phải có những chuẩn mực đa dạng trong quản lý văn hóa. Nếu đã chấp nhận sự tồn tại của những địa điểm văn hóa biểu diễn đặc thù thì đồng thời cũng phải chấp nhận những yếu tố đặc thù khác đi theo. Việc của cơ quan chức năng là cần xây dựng cơ chế riêng để quản lý hoạt động này nhằm vừa đảm bảo hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh vừa ngăn chặn những biến tướng, hành vi phản cảm như đã diễn ra trong thời gian qua.
. Theo TƯỜNG VY (SGGP)