Xóm bánh chưng, bánh tét Bàu Sen, phường Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn):
Hương Tết đến rất gần trong từng đòn bánh
Nổi tiếng xứ Nẫu từ lâu nay, bánh chưng, bánh tét xóm Bàu Sen (tổ 39, khu vực 6, phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn) có những hương vị truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người dân miền đất Võ.
Bà Hồ Thị Phượng phải huy động nhiều nhân công gói bánh chưng, bánh tét để kịp giao cho khách hàng.
Tất bật vào vụ
Bắt đầu từ 23 Tết trở đi, sau khi cúng “ông Công, ông Táo”, xóm Bàu Sen nằm dưới chân núi Bà Hỏa đã rộn ràng. Những nồi bánh chưng, bánh tét cỡ lớn đang đỏ rực lửa, nghi ngút khói dọc con đường dẫn về xóm nhỏ. Hương bánh mới ra lò thơm lừng cả một góc phố, tạo cho mọi người cảm giác “Tết đang đến thật gần”. Nơi đây, ngày ngày hàng chục mẻ bánh ra lò, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Những ngày giáp Tết, lá chuối xanh chất đầy trong nhà bà Hồ Thị Phượng (65 tuổi) cùng những nồi bánh chưng, bánh tét vẫn còn đang bốc khói. Công đoạn gói bánh được bà chia thành các khâu do từng người phụ trách, người rửa lá, người làm nhân, người gói bánh, người quấn lạt… Làm nghề lâu năm, bàn tay người thợ khéo léo, một lớp gạo - một lớp nhân rồi lại một lớp gạo,… không cần khuôn mà vẫn có thể gói “trăm cái như một”, chưa đầy năm phút đã gói xong một chiếc bánh chưng vuông vức hoặc cái bánh tét tròn trịch.
Đưa bánh tét, bánh chưng sau khi gói ra lò nấu.
Theo bà Phượng, để có vị đặc trưng riêng tạo nên thương hiệu bánh chưng, bánh tét Bàu Sen, người làm bánh phải chọn nguyên liệu rất công phu. Phải chọn nếp Hà Nội loại một, người gói phải khéo tay, nhân bánh phải là thịt heo nạc có pha ít mỡ, gia vị vào nhân sao cho người ăn phải cảm nhận được vị ngon. “Từ 25 tháng Chạp đến nay, mỗi ngày tôi phải huy động 30 người để gói bánh. Mỗi ngày cho ra lò từ 2.000 - 3.000 cái bánh chưng”, bà Phượng cho biết thêm.
Rộn rịp không kém, những ngày cận Tết, cơ sở bánh chưng, bánh tét Bà Xê do bà Phan Thị Xê làm chủ cũng tất bật. Bà tỉ tê: “Năm nay, khách tại địa phương, Sài Gòn, Đà Nẵng, Gia Lai... đều đã đặt hàng. Trung bình, mỗi ngày, bà cho ra lò khoảng 4.000 chiếc. Từ ngày 25 tháng Chạp đến nay, tôi phải thuê gần 100 người để gói bánh. Giá bánh năm nay có 3 mức giá từ 60 - 70 - 80 ngàn đồng/cái, tùy theo yêu cầu của khách hàng”.
Các lò bánh chưng, bánh tét đã đỏ lửa.
“Giữ lửa” thương hiệu Bàu Sen
Qua tìm hiểu, trung bình ngày thường mỗi hộ gia đình ở đây có thể sản xuất từ 400 đến 500 chiếc bánh. Vào thời điểm cuối năm, sản lượng có thể lên tới vài ngàn chiếc mỗi ngày. Những hộ làm bánh chưng, bánh tét ở Bàu Sen còn cho biết, để có đòn bánh tét ngon có hương vị đặc trưng thì mỗi gia đình phải có những bí quyết riêng. Nhờ vậy, thương hiệu bánh chưng, bánh tét Bàu Sen nức tiếng xưa nay ở Quy Nhơn, dần lan rộng tới nhiều địa phương trong cả nước. Người làm nghề ở đây còn quan niệm, bánh chưng, bánh tét Bàu Sen không dừng ở kinh doanh mà đòi hỏi bánh phải vừa ngon, vừa đẹp và đảm bảo các yếu tố vệ sinh.
Những mẻ bánh tét, bánh chưng đã chín và được chủ cơ sở đưa lên xe để giao cho khách hàng.
Trải qua bao thăng trầm, nghề làm bánh chưng, bánh tét tại xóm nhỏ Bàu Sen dần mai một, số hộ gia đình gắn bó với nghề giảm dần. Đến nay, chỉ hơn 5 hộ dân quyết tâm bám trụ và giữ lấy nghề truyền thống mà ông bà tổ tiên để lại. Và sự lựa chọn của họ đã được đền đáp. Giờ đây, cuộc sống những người dân gắn bó với nghề gói bánh chưng, bánh tét đã khấm khá hơn. Thu nhập trung bình hàng tháng của mỗi người làm nghề từ 3-7 triệu đồng. Trong ngày Tết con số này gấp đôi. Không chỉ có vậy, vào những ngày cuối năm, nhiều hộ đã góp phần tạo công ăn việc làm cho bà con trong địa phương, giúp họ có nguồn thu nhập ổn định, để trang trải, lo toan cho ba ngày Tết. Từ đây, những người đang theo nghiệp làm bánh chưng, bánh tét tại xóm nhỏ Bàu Sen đã góp phần tạo nên cái Tết đậm đà sắc xuân, ấm tình bạn hữu gần xa.
TRỌNG LỢI