Làng Hà Ri giữ gìn bản sắc văn hóa Bana
Cũng như các dân tộc anh em chung sống trên dãy Trường Sơn, người Bana ở Vĩnh Thạnh trong quá trình tồn tại và phát triển đã kiến tạo cho mình một nét bản sắc văn hóa riêng biệt. Chúng ta sẽ cảm nhận rõ điều này hơn khi có dịp đến thăm làng Hà Ri ở xã Vĩnh Hiệp. Đây là một ngôi làng nhỏ với hơn 100 hộ người dân tộc Bana sinh sống.
Thổ cẩm và âm nhạc truyền thống là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Bana làng Hà Ri
Thổ cẩm Hà Ri
Không rõ từ khi nào thổ cẩm Bana ở làng Hà Ri đã rất nổi tiếng. Thổ cầm ở đây được dệt bằng tay nên bao giờ cũng dày dặn hơn, và quan trọng là nó chứa cái hồn của người dệt. Mỗi người thợ dệt thổ cẩm ở đây chính là một họa sĩ trang trí, cái tinh tế của người dệt và sự sáng tạo hiện lên rõ nét qua từng sản phẩm.
Đường nét cổ kính, họa tiết truyền thống của Bana quyện với những hoa văn tân kỳ, được thăng hoa bằng những màu sắc rực rỡ: xanh mơ, xanh chuối, xanh dạ quang, đỏ, hồng... đã làm cho những bộ váy, những chiếc áo, tấm chăn... ở đây toát lên được cái “hồn thiêng” của người Bana cần cù, tài hoa và nét hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng Vĩnh Thạnh.
Các loại trang phục được làm ra của làng nghề này đã được giới thiệu qua các hội chợ trong nước. Đặc biệt trong các mùa lễ hội văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số miền núi cấp huyện, cấp tỉnh trong nhiều năm qua, những trang phục thổ cẩm theo nguyên gốc và trang phục cải tiến đã làm tăng thêm vẻ đẹp và không khí sôi động qua các chương trình Hội thi người đẹp vùng cao, phong tục vùng cao...
Trong những năm gần đây, Hà Ri đã từng bước khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Hà Ri là một trong 5 làng nghề truyền thống của tỉnh được quy hoạch phát triển làng nghề gắn với du lịch. Theo đó, làng Hà Ri được xây dựng thành làng nghề dệt vải thổ cẩm và sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ thổ cẩm, phục vụ tiêu dùng cho người dân trong vùng, phục vụ du lịch và tiến tới xuất khẩu.
Việc đầu tư xây dựng các làng nghề dệt thổ cẩm sẽ tạo cho Hà Ri tăng thêm sức hút khách du lịch. Chẳng hạn, sau một tour tham quan thành Tà Kơn, núi Nguyễn Huệ, Thủy điện Vĩnh Sơn, hồ thủy lợi Định Bình, du khách có thể ghé thăm làng nghề dệt thổ cẩm và mua một số sản phẩm lưu niệm. Hơn nữa, bản thân làng Hà Ri với cảnh quan sạch đẹp và những nét đẹp văn hóa đặc trưng, hoàn toàn có thể trở thành một địa chỉ hấp dẫn với du khách.
Giữ gìn âm nhạc truyền thống
Là một tộc người chất phác, cần cù, dũng cảm, người Bana ở Vĩnh Thạnh nói chung và Hà Ri nói riêng còn có một nền âm nhạc dân gian đặc sắc, đặc biệt là âm nhạc cồng chiêng gắn liền với sinh hoạt lễ hội truyền thống.
Đối với người Bana, cồng chiêng là biểu tượng của sự linh thiêng, cao quý và là tài sản có giá trị nhất trong đời sống vật chất. Cồng chiêng có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Bana, có mặt trong mọi nghi lễ cộng đồng cũng như của từng gia đình, cá nhân. Người Bana không đơn thuần coi cồng chiêng là nhạc cụ mà coi đó là linh khí, phương tiện giúp con người giao tiếp với thần linh, đồng thời cũng là phương tiện chuyển tải thông tin nhanh nhất giữa các buôn làng. Nghe tiếng chiêng, những người trong làng hiểu rằng, ở phía đó đang có việc gì để đến chia buồn hoặc chung vui. Trong xã hội cổ truyền Bana, đa số các gia đình đều có cồng chiêng. Đó không chỉ là nhạc cụ hàng đầu, mà còn là tài sản quý. Cồng chiêng càng cổ và có âm thanh hay càng quý, một bộ có thể đổi được tới một vài chục con trâu. Những tù trưởng giàu có không phải là người nhiều vàng, bạc mà là người có nhiều ché, chiêng.
Trong các dịp dựng nhà ở, nhà rông, ngày khánh thành nhà mới, lễ cúng lúa mới, lễ cúng bến nước, lễ ăn trâu, đám ma, lễ bỏ mả... đều không thể thiếu vắng tiếng cồng, tiếng chiêng. Âm thanh cồng chiêng vừa phục vụ lễ thức cúng bái, giữ nhịp cho các vũ điệu tập thể trong ngày lễ, tạo nên không khí đặc thù lễ hội, vừa diễn tả tâm tình, nỗi lòng của dân làng, đồng thời là đối tượng cho chính họ thưởng thức.
Âm vang cồng chiêng luôn gắn bó chặt chẽ với các cuộc vui, với đời sống tâm linh, nghi lễ của họ. Cồng chiêng theo suốt đời người, từ lúc sinh ra tiếng cồng chiêng đã cung cấp cho những đứa trẻ tín hiệu đầu tiên về văn hóa tộc người, rồi theo họ lớn lên, say đắm trong những lúc vui buồn, kể cả những lúc đau khổ nhất, đến khi vĩnh biệt cuộc đời, tiếng cồng chiêng cũng linh thiêng đưa họ về với tổ tiên. Cả cuộc đời người Bana ở Hà Ri dài theo tiếng cồng chiêng. Nó đem cái thiêng vào cuộc sống khiến con người cảm thấy an toàn, như tiếp thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn, thách thức. Tiếng cồng chiêng còn đem đến cho họ cánh bay lãng mạn, đó cũng là nguồn gốc của những áng thơ văn, sử thi huyền thoại, những điệu dân ca dân vũ làm say lòng người. Tiếng chiêng Bana ở Hà Ri trầm hùng như làn gió, ầm ào thổi qua rừng già lúc khoan lúc nhặt, lúc lại như réo rắt mời gọi con gái, con trai tay trong tay bước vào điệu múa xoang bên ánh mắt, nụ cười lấp lánh và cả lời thì thầm và ước nguyện của dân tộc Bana gửi gắm vào tiếng cồng chiêng.
--------
Không gian và bản sắc văn hóa ở Hà Ri không chỉ biểu hiện ở những nơi sinh hoạt cộng đồng mà còn được thể hiện ở từng ngôi nhà. Sau giờ cơm chiều, các bok, các bá lại lấy những nhạc cụ truyền thống tự chế để tấu lên những bài dân ca quen thuộc. Những thanh âm trong trẻo của cây đàn T'rưng làm bằng nứa, âm thanh chắc khỏe dõng dạt của cây đàn Blơng khơng gồm 6 thanh âm làm từ gỗ cây rạch - một loại gỗ được lấy từ rừng.
Khi âm thanh của các nhạc cụ được trỗi lên, các yá các mí lại cất lên những bài dân ca của người Bana. Lời dân ca như tiếng tỉ tê răn dạy của người già, tiếng thì thầm của đại ngàn, tiếng chảy ầm ào của thác nước trong một mạch nguồn chung từ những gam màu văn hóa Bana của làng Hà Ri.
XUÂN DŨNG