Nơi nơi đón Xuân về
Càng gần đến thời khắc Giao thừa, không khí ở các địa phương trong tỉnh càng thêm phần sôi động, náo nhiệt. Vượt qua những khó khăn bởi thiên tai cuối năm 2016 và 2017, đi cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, Tết Mậu Tuất năm 2018 đang đến trong sự tươm tất, đủ đầy. Mời bạn theo bước chân của phóng viên, cộng tác viên Báo Bình Định cùng “lắng nghe mùa Xuân về”…
Đầm ấm Tết An Lão
Tết cổ truyền Mậu Tuất 2018 là năm thứ 5 huyện An Lão tổ chức cho người dân các thôn, làng đón Giao thừa trong không khí rộn ràng, đầm ấm của cộng đồng các dân tộc anh em. Trong thời khắc năm cũ sắp đi qua, năm mới đến, cả núi rừng An Lão rộn ràng, âm vang tiếng nhạc, tiếng cồng chiêng, mọi người tập trung tại các nhà rông, nhà văn hóa cộng đồng đốt lửa, múa hát, say quyện trong men rượu cần nồng ấm, chúc tụng nhau những lời tốt đẹp nhất, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con trâu, con bò, con lợn, con gà ăn khỏe chóng lớn.
Chuyến xe khách cuối cùng ở TP Hồ Chí Minh về An Lão.
Chiều 30, những chuyến xe khách cuối cùng từ mọi miền đất nước kịp đưa những người con An Lão làm ăn, học tập nơi xa trở về quê sum vầy bên gia đình. Từ sáng 30, hàng ngàn chậu hoa đủ màu sắc, chủng loại bày bán tại các chợ hoa đã hết sạch. Đặc biệt, nhiều loại hoa lan rừng ở An Lão cũng được bày bán trong dịp này và rất được nhiều người ưa chuộng. Năm nay, mặc dù huyện An Lão vừa trải qua những trận mưa lũ lớn gây không ít thiệt hại về tài sản nhưng người dân vẫn đón một cái Tết vui vẻ, no ấm, đủ đầy nhờ sự chăm lo chu đáo của Đảng, Nhà nước và các vòng tay nhân ái trong cả nước.
Hoa lan rừng An Lão khoe sắc ngày Tết.
Trước thời điểm Giao thừa, chúng tôi kịp đến thăm hộ ông Đinh Văn Xưa, dân tộc H’re, ở thôn 1, xã vùng cao An Vinh. Ông Xưa vui vẻ khoe: “Nhà mình và dân làng năm nay ăn Tết đầy đủ không thiếu thứ gì, gạo Nhà nước cấp hỗ trợ rồi, bánh, kẹo, mắm, dầu, đường, bột ngọt các đơn vị kết nghĩa và các nhà từ thiện cho rồi. Bây giờ nhà nào cũng làm được rượu cần, nuôi được con gà, con heo để mổ thịt, bẫy được con chuột rừng làm chút mồi khô nhâm nhi trong ba ngày Tết, dân làng vui và phấn khởi lắm”.
Ông Xưa mời khách món chuột rừng khô ngày Tết.
HOÀNG NAM QUỐC
Tây Sơn: Sắc xuân tràn khắp muôn nơi
Sáng 30 tháng Chạp, từ thị trấn Phú Phong tỏa về các xã nông thôn, miền núi, đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp những ánh điện sáng rực, rộn rã dòng người, nhà cửa được chỉnh trang, hoa tết được trưng bày… Trên các tuyến đường xuất hiện rất nhiều cờ trang trí, pa-nô nhỏ, khẩu hiệu tuyên truyền với nội dung mừng Đảng, mừng Xuân. Đặc biệt, huyện vừa đầu tư gần 5 tỉ đồng để xây dựng hệ thống điện chiếu sáng dọc Quốc lộ 19 đoạn từ đường nữ tướng Bùi Thị Xuân (khối Phú Xuân) đến khối Hòa Lạc, thị trấn Phú Phong.
Chợ hoa Tây Sơn chiều 30 Tết.
Tại chợ Phú Phong, ngay từ tờ mờ sáng đã đông nghịt người đi mua sắm. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ hàng hóa lại chậm. Chị Trần Thị Lan, một tiểu thương buôn bán trái cây nhận xét: “Năm nay người mua không mạnh tay như mọi năm nên mua bán ế ẩm lắm! 30 Tết rồi mà hàng còn đọng quá trời nè!”. Tình hình ế ẩm một phần do tác động chung của đời sống kinh tế khó khăn nên người dân mua sắm Tết có phần dè sẻn.
Trong khi đó, tại chợ hoa Tết của huyện, càng đến gần thời điểm Giao thừa, lượng người đổ về càng đông đúc. Xe chen chúc nhích dần trên đường. Theo nhận xét của hầu hết người dân đến tham quan và mua sắm tại chợ hoa Tết vào chiều và tối 30, hoa Tết tại Tây Sơn năm nay tương đối phong phú nhưng không đẹp so với mọi năm. Các chủ hoa cũng bắt đầu hạ giá để hy vọng bán hết hoa.
Anh Nguyễn Văn Lai (xã Bình Thành), một chủ bán hoa cúc, cho biết: “Do thời tiết bất lợi nên hoa không đẹp cho lắm. Nhưng bù lại năm nay hoa ít nên sức mua cũng cao. Khoảng 170 chậu cúc của tôi đã bán hết 70%, dự kiến đến Giao thừa sẽ bán hết”.
Khách đến xem Triển lãm sinh vật cảnh vào chiều tối 30 Tết.
Điểm mới của chợ hoa Tết Tây Sơn năm nay là xuất hiện thêm nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng gỗ. Đồng thời, xu hướng chuyển sang mua những chậu hoa kiểng nhỏ năm nay tiếp tục được người dân Tây Sơn lựa chọn.
Tại Bảo tàng Quang Trung, mọi công tác chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 229 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2018) và Hội Đống Đa đã hoàn tất, chờ đợi đón khách thập phương về trẩy hội. Trong mùa Tết năm nay, Trung tâm VH-TT-TT huyện Tây Sơn cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao để nhân dân hứng khởi chào xuân. Điển hình, từ 29 tháng Chạp đến mùng 6 sẽ có triển lãm sinh vật cảnh tại ngã 3 đường Phan Đình Phùng - Nguyễn Huệ; các ngày mùng 4, 5, 6 tại sân vận động Tây Sơn sẽ diễn ra hội thi đối kháng võ cổ truyền liên tỉnh.
Hầu hết các tuyến đường của thị trấn Phú Phong đều được trang hoàng lộng lẫy.
Ngoài ra, từ mùng 3 đến mùng 5, trong khuôn viên của Bảo tàng Quang Trung cũng sẽ diễn ra các hoạt động như: hội đánh bài chòi cổ dân gian, chương trình biểu diễn nghệ thuật; hội thi các môn thể thao truyền thống (kéo co, đẩy gậy, múa lân - sư - rồng). Tại các xã, các hoạt động bóng chuyền, bóng đá, trò chơi dân gian cũng đã được lên kế hoạch rất chi tiết.
Không khí nô nức của nhà nhà, người người kết hợp với tiết trời se lạnh báo hiệu một mùa xuân mới lại về trên đất Võ. Người dân Tây Sơn trong giờ phút đón Giao thừa đều hy vọng năm mới Mậu Tuất 2018 sẽ xua tan sự ảm đạm về một năm “Con Gà” không mấy thuận lợi để đón mừng một năm mới “Con chó” tràn đầy niềm vui và phấn khích.
HỒNG PHÚC
Người dân Phù Cát rộn ràng sắm Tết
Đã thành thông lệ, những ngày cuối tháng Chạp, không khí đón chào năm mới hiện hữu khắp mọi nẻo đường trên địa bàn huyện Phù Cát. Từ khu vực trung tâm huyện đến các xã biển, xã miền núi như Cát Khánh, Cát Hải, Cát Sơn… đều tràn ngập sắc xuân. Khắp các nẻo đường đều được trang trí cờ hoa rực rỡ và băng rôn, khẩu hiệu chào đón năm mới.
Nụ cười của người bán hoa lan.
Các tuyến đường tấp nập và đông đúc, với những dòng người đổ xô đi mua sắm và những nam nữ thanh niên tụ họp sau thời gian dài học tập, làm việc xa nhà.
Tại khu trung tâm sinh hoạt văn hóa huyện và các khu trung tâm xã đều tràn ngập sắc màu của các loài hoa được bày bán. Sắc vàng của hoa cúc, mai, vạn thọ hòa cùng sắc màu của các loài hoa khác như ly ly, lan, lay ơn… với tấp nập người mua kẻ bán. Tại các khu vực chợ, các cửa hàng tạp hóa, shop quần áo, giày dép… cũng tấp nập người mua.
Các điểm mua sắm tấp nập người đi sắm Tết.
Từ thành thị đến nông thôn, dòng người tấp nập đổ xô mua sắm các cật dụng cần thiết để trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị đón chào năm mới. Nơi thu hút nhiều người nhất là khu vực bán hoa tại khu sinh hoạt văn hóa huyện, dòng người đổ về đây trong đêm 30 Tết mỗi lúc một đông, một phần là đi tìm mua cho mình chậu hoa, chậu cây cảnh ưng ý, còn một phần là đi chơi, xem hoa và hưởng ứng không khí Tết và đón chào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Nhìn chung, tại khu vực sinh hoạt văn hóa huyện - nơi mua bán hoa, cây cảnh lớn nhất huyện năm nay bày bán nhiều loại hoa; tuy nhiên, số lượng ít hơn mọi năm và giá cũng cao hơn, nhất là hoa cúc. Dù vậy, sức mua lớn nên đến 21 giờ tối 30, tất cả các loại hoa đã được bán hết; người bán cũng mừng vì được về nhà sớm hơn, kịp đón giao thừa tại nhà với người thân.
Không khí Tết thực sự đã tràn ngập trên khắp mọi nẻo đường, mọi nhà trên địa bàn huyện Phù Cát.
TRƯỜNG GIANG
TX An Nhơn, Tuy Phước: Hối hả đưa Xuân về nhà
Vài giờ trước thời khắc đón chào năm Mậu Tuất 2018, không khí chào đón năm mới tại TX An Nhơn và huyện Tuy Phước rộn ràng khắp nơi nơi. Các con đường được trang hoàng bởi cờ hoa, pa-nô, áp phích, khẩu ngữ chào đón năm mới. Người dân sinh sống ở địa bàn 2 địa phương này tất bật mua sắm, gói đòn bánh chưng, bánh tét, dọn dẹp nhà cửa, nấu nồi thịt kho, trang hoàng nhà cửa, mua sắm cây cảnh về chưng Tết.
Người dân ở thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) nô nức mua hoa về chơi Tết.
Tại TX An Nhơn, không khí đón chào năm mới đang rộn rã khắp muôn nơi. Nhiều tuyến đường chính nối từ trung tâm thị xã đến các làng quê như khoác trên mình “chiếc áo mới” với đủ màu sắc rực rỡ của cờ hoa. Chị Trần Cẩm Lệ, người dân ở đường Ngô Gia Tự, phường Bình Định, cho hay: “Gần Tết, tôi nghe có bão vào nên cũng hơi lo. Song tới giờ phút này, trời quang mây tạnh, thấy dòng người đổ ra đường đi mua sắm Tết, dạo đường phố ngắm hoa tôi khấp khởi vui”.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch UBND phường Bình Định, cho biết: “Nhằm góp chút hương Xuân, phường tổ chức chương trình văn nghệ “Xuân giao thừa”. Lời ca tiếng hát với chủ đề “Mừng đảng, mừng Xuân” nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Trước đó, nhiều phần quà dành cho các hộ gia đình chính sách cũng được các hội, đoàn thể của phường chuyển tới tận tay người được hưởng, góp phần mang lại cái Tết ấm tình cho các gia đình”.
Đường Trần Phú, phường Bình Định (TX An Nhơn) ngày cuối năm.
Tại huyện Tuy Phước, trước thời khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới, không khí đón Tết mọi nhà ở vùng “rốn lũ” khu Đông thêm rộn ràng. Tuy vẫn còn bộn bề khó khăn do hậu quả mưa bão của năm 2017 để lại, nhưng nhờ sự trợ giúp kịp thời của Nhà nước, từ sự chia sẻ của các nhà hảo tâm nên đời sống bà con vùng lũ đã vơi đi khó khăn.
Tại trung tâm thị trấn Tuy Phước và thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước), các tuyến đường đã được trang trí cờ hoa rực rỡ, đậm đà sắc hương ngày Tết. Chợ mới thị trấn Diêu Trì ngày 30 Tết, lượng người mua kẻ bán tăng lên gấp bội. Nhiều mặt hàng từ hoa quả, bánh kẹo, mứt gừng… thu hút đông đảo người mua. Đáng chú ý, năm nay, mặt hàng rau xanh tại các chợ đầu mối tiêu thụ rất mạnh. Giá thu mua rau, củ, quả tăng gấp ba so với ngày thường, mang lại cái Tết ấm no cho những người nông dân “một nắng hai sương”.
Nụ cười của người buôn hoa chờ người tới “rước” hoa.
“Một điểm đáng ghi nhận nữa, trước Tết năm nay, Phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy Phước đã phối hợp với Cục Dự trữ Nhà nước tổ chức giao 118,8 tấn gạo cứu trợ đỏ lửa để cứu trợ cho nhân dân ở 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện”, ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết.
TRỌNG LỢI
Chủ xả hàng, chợ hoa Quy Nhơn nhộn nhịp ngày cuối năm
Chợ hoa là điểm nhấn tô sắc cho TP Quy Nhơn mỗi dịp xuân về. Năm nay, chợ hoa phong phú nhiều chủng loại, dù số lượng mỗi loại không nhiều như năm ngoái. Đây chính là nơi người dân tập trung mua sắm, dạo phố ngắm cảnh và chụp ảnh kỷ niệm.
Một gia đình du xuân và chụp ảnh tại chợ hoa xuân. ẢNH: NGỌC NHUẬN
Từ khoảng 16 giờ ngày 30 tháng Chạp, nhiều chủ hoa đã giảm giá nhiều mặt hàng. Cùng với đó, một bộ phận người dân có tâm lý chờ đến sát Giao thừa để mua hoa rẻ, nên không khí tại chợ hoa khá nhộn nhịp. Nhiều xe xích lô được thuê chở những chậu hoa lớn, trong khi một số người khác tự cột phía sau xe máy những chậu cây được chọn đưa về nhà chưng tết.
CLB lân - sư - rồng Minh Phước Đường tập luyện chuẩn bị biểu diễn trong đêm Dạ hội đón Giao thừa. ẢNH: NGỌC NHUẬN
Là loại hoa chiếm diện tích lớn nhất khu vực chợ, nhưng các chậu cúc còn lại khá thưa thớt. Một nam thanh niên bán hàng tại đây cho biết, giá cúc bây giờ 500 ngàn/ chậu đẹp. Tuy nhiên, theo một số người mua, giá trung bình một chậu chỉ khoảng 300 - 400 ngàn đồng. Tắc (quất) cao tới ngực người lớn được bán với giá 150 ngàn đồng/chậu. Tại khu vực gần vòng xoay Nguyễn Tất Thành - Trường Chinh, một chủ hoa đứng trên ghế “điều hành” đợt xả hàng, thông tin do người này đưa ra là 70 ngàn đồng/chậu, chủ yếu là các loại hoa chậu nhỏ như cẩm chướng, cây lá đỏ…
Khách sạn Hải Âu trang trí chú chó biểu tượng Tết Mậu Tuất 2018. ẢNH: NGỌC NHUẬN
Đến 18 giờ, việc mua bán ở chợ hoa vẫn khá nhộn nhịp, nhiều người dễ dàng chọn cho mình một chậu hoa với giá “vừa túi tiền”. Chợ hoa “bế mạc” sớm hơn mọi năm giúp các nhân viên vệ sinh hoàn thành công việc sớm để kịp đón Giao thừa với gia đình.
LÊ CƯỜNG
Đồng bào các dân tộc huyện Vân Canh nô nức đón xuân
Chào đón năm mới, khắp các tuyến đường trên địa bàn huyện Vân Canh đều được trang hoàng rực rỡ, ngập tràn cờ hoa. Các điểm bán hoa có nhiều chủng loại hơn năm ngoái, đặc biệt năm nay còn có 2 điểm bán hoa lan, người dân có thêm sự lựa chọn để trang trí đón Tết.
Không khí Tết đã lan tỏa khắp mọi nơi.
Chào đón năm Mậu Tuất, đồng bào các dân tộc huyện Vân Canh vô cùng phấn khởi, bởi năm nay đồng bào có thu nhập cao từ cây mì và cây keo nên cuộc sống đã khá hơn nhiều. Một số hộ đạt thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm, nên hầu như nhà nào cũng sắm Tết khá tươm tất. Một số gia đình còn trang trí trong nhà vài chậu phong lan, hoa cúc, cây mai, cây quất… làm cho Tết cổ truyền của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện miền núi Vân Canh thêm phần đầm ấm, yên vui.
Điểm bán hoa lan giúp người dân có thêm nhiều sự lựa chọn.
Ông Mang Nhơn (người uy tín ở làng Kà Xim, xã Canh Thuận) vui vẻ chia sẻ: “Những năm gần đây, làng mình ngày càng phát triển, năm sau cao hơn năm trước; đặc biệt năm nay làng thay đổi thấy rõ, nhà cửa khang trang, xóm làng sạch đẹp, nhà nhà thêm phần ấm no”.
Thời khắc giao thừa càng đến gần, không khí tất bật chào đón năm mới của đồng bào các dân tộc huyện Vân canh càng khiến cho nhịp sống cuối năm nơi đây trở nên gấp gáp, hối hả hơn. Tiếng nhạc vui tươi phát ra từ những ngôi nhà sàn xinh xắn, khang trang. Các mẹ, các chị hối hả nấu cho xong nồi bánh tét để kịp đón giao thừa và chuẩn bị những bộ trang phục truyền thống để đi chơi Tết.
Ai cũng tranh thủ thời gian chuẩn bị đón Tết.
Không khí của mùa xuân đã tràn ngập, Tết đã đến từng xóm, từng làng, trên từng gương mặt rạng rỡ của đồng bào các dân tộc huyện Vân Canh.
HẠNH PHÚC
Tết ấm trên vùng cao Vĩnh Thạnh
Xuân Mậu Tuất 2018 trên vùng cao Vĩnh Thạnh rộn ràng và ấm áp. 100% hộ nghèo được hỗ trợ đỏ lửa 50 tấn gạo, cùng với đó là hơn 7 nghìn phần quà được trao tặng cho các hộ chính sách, hộ nghèo, tạo nên không khí vui tươi và ấm áp trong mỗi nếp nhà.
Hoa xuân ở thị trấn Vĩnh Thạnh.
Năm nay, nhân dân huyện Vĩnh Thạnh đón Tết trong không khí tưng bừng phấn khởi vì hầu hết các chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra đều đạt và vượt, đời sống người dân được cải thiện. Đồng bào đón xuân vui vẻ, lành mạnh và phát huy nét đẹp văn hóa cổ truyền dân tộc, thực hiện tiết kiệm theo đúng chủ trương chính sách của Đảng, đẩy lùi các hủ tục, tệ nạn xã hội.
Trước Tết, Công ty Cổ phần Tổng hợp Vĩnh Thạnh đã tổ chức cung ứng hàng phục vụ nhân dân với tổng giá trị gần 700 triệu đồng, giúp đồng bào các làng vùng sâu vùng xa có điều kiện mua sắm. Nhìn vào sức mua, cách mua hàng của đồng bào các dân tộc vùng cao mới thấy hết thành tựu trong thời kỳ đất nước sau hơn 30 năm đổi mới. Người dân đang hướng vào thưởng thức nghệ thuật ẩm thực, từng bước ăn ngon thay cho ăn no, không mua hàng quá nhiều, ăn đến đâu mua đến đó và thị trường luôn đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng.
Niềm vui được mùa.
Chiều 30 Tết, tiếng chiêng, tiếng trống vang lên trong những ngôi nhà sàn, nhà rông và điệu xoang nhịp nhàng, uyển chuyển, siết chặt những bàn tay đoàn kết và quây quần bên bếp lửa hồng, lan tỏa men rượu say nồng và những món ăn dân tộc. Mọi người cùng chúc nhau những lời tốt đẹp nhất, cầu mong cho đất nước thanh bình, gia đình hạnh phúc.
Những cánh hoa mai vàng rực lại báo hiệu một mùa xuân ấm áp trên khắp các bản làng. “Mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới” là khẩu hiệu được nhiều nơi dùng trong ngày hội đón xuân.
Vũ điệu Tết ở vùng cao.
Mùa xuân mới đang về trên vùng cao Vĩnh Thạnh, sắc xuân ấm áp ùa về từ những ngọn núi gần. Cuộc sống của người dân Vĩnh Thạnh hôm nay đã có sự thay đổi đáng mừng. Những tiềm năng về đất đai, khí hậu, thời tiết đã ngày càng được khơi dậy. Đời sống của người dân, bộ mặt của xã hội đã có bước phát triển nhanh chóng. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học… khang trang bề thế đã mọc lên.
Nắng vàng trải rộng trên nương rẫy Vĩnh Sơn, lúa xuân vươn lá xanh biếc trên đồng Vĩnh Quang, Vĩnh Thịnh. Không khí ngày xuân đầy ắp trong mỗi gia đình. Bên bếp lửa hồng ấm áp, mọi người nâng chén rượu nồng chúc nhau một năm mới thành công.
XUÂN DŨNG
Sẵn sàng cho cái Tết sôi động ở Hoài Nhơn
Trong những thời khắc cuối cùng của năm Đinh Dậu, lòng người như rộn ràng hơn với bao cung bậc cảm xúc. Đảng bộ, chính quyền và mọi người dân trên địa bàn huyện Hoài Nhơn cũng đã hoàn tất những công việc cuối cùng để chuẩn bị cho thời khắc giao thừa, mừng năm mới Mậu Tuất.
Chở Tết về nhà.
Một trong những vấn đề được huyện Hoài Nhơn đặc biệt quan tâm là công tác an sinh xã hội. Bằng kinh phí của huyện và các nguồn đóng góp, hỗ trợ, đến nay hàng ngàn suất quà Tết với tổng giá trị trên 11,4 tỉ đồng đã được trao đến tay 100% đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. Trong đó, riêng quà của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trên 4,1 tỉ đồng.
Ngoài công tác đảm bảo an sinh xã hội, công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn huyện cũng được chú trọng. Các lực lượng chức năng đã làm tốt công tác phân công người ứng trực, tuần tra giao thông đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong các ngày nghỉ Tết, các cơ quan đơn vị cũng đảm bảo người trực 24/24 giờ.
Tại cảng cá Tam Quan, số lượng tàu thuyền về neo đậu để đón Tết khá đông. Ông Nguyễn Minh Khải - Giám đốc Ban quản lý cảng cá, cho biết: “Hiện toàn cảng có khoảng 1.400 tàu thuyền của ngư dân về neo đậu. Để đảm bảo an toàn về tài sản cũng như làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy trong dịp Tết, Ban quản lý đã phân công các thành viên trực xuyên suốt trong những ngày Tết. Đồng thời, vận động bà con ngư dân cắt cử người canh giữ phương tiện, phòng ngừa cháy nổ xảy ra”.
Hội Cổ nhơn sôi động ngày Tết.
Đến chiều 30 Tết, không khí mua sắm tại các chợ trên địa bàn huyện vẫn diễn ra khá sôi nổi, hầu hết người dân đi mua hoa và trái cây về chưng Tết. Giá cả các mặt hàng khá cao, trái cây từ 30.000 - 200.000 đồng/kg tùy loại, hoa từ 50.000 đồng đến 350.000 đồng/bình với cúc pha lê nhỏ, cúc đồng tiền, hoa hồng, cẩm chướng, lay ơn, hoa ly… Chợ hoa Xuân trước Đền thờ Liệt sĩ huyện nhộn nhịp người mua kẻ bán, trong đó cúc là loại hoa chủ lực với giá dao động từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng/chậu.
Đặc biệt, trong dịp Tết trên địa bàn huyện sẽ có một số hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu thưởng thức, vui chơi của người dân như: Hội chợ Xuân tại Sân vận động Bồng Sơn, Hội Cổ Nhơn (bắt đầu từ 29 đến hết mùng 4 Tết), Hội đánh bài chòi cổ dân gian (sẽ diễn ra ở 3 điểm: từ mùng 2 đến mùng 5 ở Quảng trường UBND huyện, mùng 6 đến mùng 8 tại xã Hoài Hương, 15 đến 16 tháng Giêng tại Đền thời danh nhân văn hóa Đào Duy Từ); đêm mùng 4 tổ chức Đêm văn nghệ kỷ niệm 53 năm Chiến thắng Đồi 10; mùng 9 tổ chức lễ đón nhận bằng di tích cấp tỉnh Di tích Trạm Phẫu, huyện Đội Hoài Nhơn; 20 tháng Giêng tổ chức giải đua thuyền 6 xã biển và lễ ra quân khai thác hải sản năm 2018 tại xã Tam Quan Bắc…
ÁNH NGUYỆT
Sinh động không khí đón năm mới ở Phù Mỹ
Người già, em trẻ, ai nấy quê hương tôi cũng rộn ràng đón mừng năm mới. Không lũ lụt, không đồng ngập, lúa hư, nhiều cây trồng thất bát, nhiều hộ phải sống trong mái lều, nhà tạm… như Tết năm ngoái.
Thị trấn Phù Mỹ vào Xuân.
Tết này, người dân Phù Mỹ tở mở niềm vui đồng xanh, lúa xanh, hoa trúng mùa, kiệu được giá, tôm cá nuôi trồng, đánh bắt sản lượng khá, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống tiếp tục phát triển. Tổng giá trị sản xuất 2017 khép lại tăng 11,02% so với năm trước, tỉ lệ hộ nghèo giảm 1,68%, hộ cận nghèo giảm 0,45%, hộ khá giàu tăng cao. Hàng trăm ngôi nhà tan hoang trong mưa bão cuối năm 2016 đã được xây mới đàng hoàng, hơn 80 km đường giao thông nông thôn ngõ, xóm đã được bê tông hóa đón xuân sang.
Rộn rã chợ hoa Tết.
Cụ Nguyễn Thành Hồng (ở thị trấn Phù Mỹ) Tết này đã 90 xuân đi qua cuộc đời, giờ chân yếu, mắt mờ, tóc bạc vẫn không kìm nén được niềm vui khi con cháu tứ xứ làm ăn kéo về sum vầy. Cụ chia sẻ: “Được một cái Tết nữa rồi, hạnh phúc quá, con cháu đủ đầy, quê hương đổi mới. Tết này vui hơn năm ngoái nhiều đây”.
Tết này ở Phù Mỹ thêm phần sinh động, đặc biệt là đời sống tinh thần. Hầu hết các địa phương đều tổ chức giải bóng chuyền truyền thống và một số trò chơi dân gian vào mùng 1. Các xã quanh đầm Trà Ổ đều tổ chức giải đua thuyền cấp xã vào mùng 2, chọn đội giỏi tham gia giải bơi đua thuyền truyền thống cấp huyện diễn ra vào sáng mùng 6 cũng trên đầm Trà Ổ.
Đầm ấm mâm cơm chiều 30.
“Đặc biệt, tối mùng 3, Cuộc thi Giọng hát hay huyện Phù Mỹ năm 2018 sẽ diễn ra tại Quảng trường huyện. Thêm vào đó là điểm nhấn vào sáng mùng 5, huyện tổ chức Lễ hội kỷ niệm 53 năm Chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu với nhiều hoạt động phong phú”, ông Lê Quang Vinh - Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Phù Mỹ, cho biết.
XUÂN LỘC
Hoài Ân: Các hoạt động vui xuân diễn ra sôi nổi
Hoạt động vui xuân đón đón tết 2018 tại Hoài Ân cũng diễn ra sôi nổi, tại Trung tâm huyện tổ chức hội chợ hoa xuân với trên 50 gian hàng buôn bán, triển lãm hoa, cây cảnh, đồ thủ công mỹ nghệ...
Triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ
Điểm vui xuân tại Trung tâm văn hóa thông tin huyện khai mạc tối 14.2, kết thúc ngày 20.2 (mồng 6 Tết) với 15 loại hình trò chơi dân gian, thu hút mỗi ngày có trên 1.000 lượt khách đến tham gia vui chơi.
Hội Hoa xuân tại quảng trường 19.4
Ngoài ra các xã, thị trấn cũng tổ chức sôi nổi các hoạt động TDTT, giải bóng chuyền nữ, bóng chuyền nam, giải cờ tướng cấp xã trong dịp tết nằm trong khuôn khổ Đại hội thể dục thể thao; tổ chức hướng dẫn cho những đoàn khách ngoài huyện đến tham quan, thăm viếng đền thờ Tăng Bạt Hổ, chi bộ Vạn Đức, Núi Chéo, Văn Chỉ, Nhà truyền thống và một số địa điểm khác như Gò Loi, Chi khu Quận lỵ, nơi thành lập Sư đoàn 3 Sao Vàng…
Văn Hùng