Rộn rã Chợ Gò đầu xuân
Tờ mờ sáng, tại Chợ Gò (thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước), khí xuân đẫm sương như bật dậy bởi những âm thanh rộn rã, giòn vang không chỉ của các chị, các mẹ mà còn của nam thanh, nữ tú. Tất cả tạo nên sự ngọt ngào của một trong 100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam.
Quang cảnh đông vui, sôi nổi tại Hội Chợ Gò năm nay. Ảnh: Văn Lưu
Chợ Gò trong tâm thức người dân
Theo các vị cao niên trong vùng, ngày trước Chợ Gò còn được gọi là chợ hẹn hò, bởi lẽ từ thời Tây Sơn, cảm thông với nỗi nhớ nhà của quân lính mà hai vị tướng là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng cho mở Hội Chợ Gò để quân sĩ cùng nhân dân vui chơi. Do vậy mới có câu “Đầu xuân đón lộc cầu duyên/ Trầu cau em gánh đi phiên Chợ Gò/ Chợ Gò là Chợ hẹn hò...”.
Từ đó, năm mới đến, người thân của các binh sĩ đến thăm, người dân trong làng mang những sản phẩm cây nhà lá vườn bày bán. Hội Chợ Gò cứ thế mà đi vào tâm thức của người dân Tuy Phước và trở thành một hoạt động văn hóa không thể thiếu trong mỗi độ xuân về.
Sở dĩ có tên Chợ Gò vì phiên chợ được nhóm trên một gò đất cao, dưới chân núi Hàm Long, bên bờ sông Hà Thanh đổ ra đầm Thị Nại. Ngày trước, đây là nơi có địa thể hiểm trở một bên sông, một bên có dãy núi Trường Úc, nhưng chính điều này lại tạo nên cảnh hữu tình cho nơi đây. Đến ngày nay, đằng sau ngôi chợ vẫn là dãy núi gợi lại bao hình ảnh về một thời xa xăm của cội nguồn, nơi những binh sĩ tập trận và trấn thành.
Khi trời còn chưa sáng hẳn, tôi bị thu hút bởi hình ảnh bà cụ bán trầu cau bên cạnh chiếc đèn pin vẫn món mém cười. “Tôi bắt đầu bán trầu cau ở đây từ thời con gái, giờ tôi đã 80 tuổi rồi. Đã thành cái lệ, giờ già cả không đi được thì nhờ con chở đi vì đối với tôi không chỉ là chuyện bán buôn mà hơn hết là trao nhau chút lộc đầu năm,” bà Nguyễn Thị Hương ở TX An Nhơn chia sẻ.
Năm nay, nhờ tiết trời khá ấm áp mà phiên chợ họp cũng sớm hơn mọi năm. Hầu hết người bán là các bà, các mẹ, các chị trong trang phục chỉn chu tươi cười chào nhau. Theo truyền thống, trầu cau, muối, chùm sung vẫn là những sản phẩm được bán, mua nhiều nhất.
Theo tục lệ, người khách sẽ mua 12 lá trầu tượng trưng cho 12 tháng trong năm, 2 trái cau và 1 ít vôi Trường Úc về đặt lên bàn thờ, sau ngày mùng 7 Tết hạ xuống và chỉ cần nhìn vào từng lá trầu sẽ biết tháng đó gia đình gặp may mắn hay không tốt. Cùng với đó, muối tượng trưng cho sự mặn mà, chùm sung tượng trưng cho sự sung túc. Đây là những quan niệm dân gian được truyền từ đời này sang đời khác với niềm tin về những điều tốt đẹp.
Bà Lê Thị Thức, 71 tuổi, thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước hồ hởi cho biết: “Tui đi từ lúc 10 giờ đêm để có chỗ ngồi như ý. Từ lúc lấy chồng năm 19 tuổi tui bắt đầu theo mẹ chồng đi bán trầu ở đây, giờ đã được 51 năm, năm nào tui cũng mong nhanh tới tết để được tham dự phiên chợ do ông bà để lại!”.
Chợ Gò... mỗi ngày mỗi khác
Nếu như thuở sơ khai, Hội Chợ Gò được sinh ra để giúp quân sĩ Tây Sơn vơi nỗi nhớ nhà, thì giờ đây ngoài phần hội, phiên chợ còn có thêm phần lễ để hoạt động đi vào quy củ, đây cũng là một cách thức để bảo tồn văn hóa truyền thống. Hơn nữa, bên cạnh những sản phẩm truyền thống như trầu, cau, muối, đu đủ. Hội Chợ Gò còn có thêm những sản vật của địa phương như tôm cá, rau, vì đây là phiên chợ đầu năm nên người bán lẫn người mua rất ngại mặc cả. Cùng với đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều của các mặt hàng đồ chơi điện tử. Điều này làm cho hàng hóa của phiên chợ thêm đa dạng, thu hút nhiều du khách.
“Đây là lần đầu tiên tôi tham dự phiên chợ này. Những hàng hóa vô cùng tươi ngon, rất thích mắt. Chắc chắn năm sau tôi sẽ rủ bạn bè đi cùng,” chị Nguyễn Thị Loan, ở Quy Nhơn chia sẻ.
Hòa cùng với những tiết mục truyền thống như hô hát bài chòi, biểu diễn võ cổ truyền, Hội Chợ Gò những năm gần đây còn có thêm những tiết mục hiện đại do các bạn học sinh THPT trên địa bàn biểu diễn. Sự dịch chuyển từ truyền thống đến hiện đại này đã tạo nên không khí hòa quyện trầm ấm mà không kém phần sôi nổi, hứng thú.
Ngoài các hoạt động bán buôn, Chợ Gò còn là nơi để các chị em xúng xính váy mới, áo hoa đi dạo tận hưởng không khí đầu xuân. Giữa dòng người tấp nập, tôi bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ xinh đẹp chụp ảnh cho nhau thật vui vẻ, hỏi ra mới biết phần lớn họ là giáo viên đến từ Quy Nhơn, tham dự Hội Chợ Gò với mong muốn phiên chợ sẽ ngày càng thu hút và trở thành điểm đến thú vị cho du khách gần xa.
Năm nay, ngoài phần thi hô hát bài chòi, Hội Chợ Gò còn có thêm phần thi đánh cờ người thu hút đông đảo du khách dẫu trời đã bắt đầu nắng gắt. Phiên chợ sẽ tiếp tục phục vụ người dân đến mùng 2 Tết với các hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi.
THẢO KHUY
Một số hình ảnh tại phiên Chợ Gò năm Mậu Tuất 2018:
Thi hô hát bài chòi. Ảnh Thảo Khuy
Mua, bán trầu cau tại Hội Chợ Gò. Ảnh: Văn Lưu
Biểu diễn võ cổ truyền. Ảnh: Thảo Khuy
Hội Chợ Gò năm nay có thêm sản phẩm cá, tôm. Ảnh: Văn Lưu
Nhiều người dân và du khách đến Hội Chợ Gò. Ảnh: Văn Lưu