Bài chòi ở Tuy Phước: Tươi mới phong trào, vững chắc hiệu quả
Tại Liên hoan các CLB bài chòi tiêu biểu toàn tỉnh - 2018, phong trào ở Tuy Phước đã chứng tỏ bước tiến khi giới thiệu một số hiệu mới, trẻ, chuyên môn tốt; trở thành 1 trong 2 địa phương đạt giải nhất. Tết này, huyện lại tạo ấn tượng khi tiên phong tổ chức Hội đánh bài chòi ở cấp thôn. Ðó là vài phác thảo về việc giữ gìn di sản bài chòi ở Tuy Phước…
Cùng với Quy Nhơn và Hoài Nhơn, Tuy Phước được ghi nhận, đánh giá cao bởi những nỗ lực, hiệu quả trong bảo tồn, phát huy di sản bài chòi. Từ xuất phát điểm vài nghệ nhân ít ỏi ban đầu như những địa phương khác, nhưng biết chắt chiu, kết nối và phát huy, hiện tại lực lượng hiệu cũng như chất lượng phong trào của Tuy Phước được nhận xét ngang ngửa với Quy Nhơn - địa phương đi tiên phong, đã đầu tư bài bản cho bài chòi suốt 6, 7 năm nay.
Phong trào bài chòi ở Tuy Phước được đánh giá là tươi mới, nhiều nhân tố mới, trẻ và lan tỏa ra nhiều địa phương, thấm sâu vào dân.
- Trong ảnh: Tuy Phước tổ chức Hội đánh bài chòi phục vụ tại Lễ hội Chợ Gò - Tết 2018. Ảnh: THẢO KHUY
Hội đánh bài chòi cấp thôn
Tổ chức Hội đánh bài chòi dân gian Bình Định ở quy mô cấp tỉnh, huyện (thị xã, thành phố) hay xã và chủ yếu bằng ngân sách, là chuyện phổ biến trong tỉnh nhiều năm nay. Nhưng đến cấp thôn và từ nguồn vận động thì Tuy Phước có lẽ là địa phương đầu tiên.
Những ngày Tết vừa qua, người dân thôn Phụng Sơn, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) đầy tự hào khi nói về Hội hô, hát bài chòi dân gian diễn ra trên quê mình suốt 2 ngày đêm mùng 4 và 5 - Tết Mậu Tuất 2018. Hoạt động do Ban nhân dân thôn này tổ chức.
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh - Bí thư Chi bộ thôn, nhằm phát huy nội lực phong trào tại chỗ và tham gia giữ gìn di sản, thôn quyết định Tết này “mở hàng” tổ chức hội hô, hát, đánh bài chòi. Cơ sở vật chất (quan trọng nhất là bộ chòi tre) được Trung tâm VH-TT-TT huyện cho mượn sau khi đơn vị phục vụ xong Lễ hội Chợ Gò. Lực lượng hiệu ngoài 17 ở người Phụng Sơn, thôn còn mời thêm một số nghệ nhân giỏi trong huyện như Minh Liễu, Nguyễn Phú.
Ông Hạnh phấn khởi cho biết: “Khi tham khảo ý dân về kế hoạch tổ chức, bà con rất ủng hộ! Mặt trước khuôn viên Nhà Văn hóa thôn khá rộng rãi, có thể dựng chòi tổ chức hội khi nào cần, thậm chí duy trì quanh năm. Địa phương thống nhất, năm đầu tiên còn bị động về chi phí, thời gian nên mượn chòi nhưng từ năm sau nhất định phải có tài sản riêng để chủ động việc tổ chức và làm thường xuyên trong những dịp lễ, hội hè… chứ không chỉ Tết!”.
Nỗ lực, đồng thuận, hiệu quả
“Ưu điểm của Tuy Phước là hiệu khá trẻ, thường xuyên bổ sung người mới, đảm bảo tính kế thừa, chuyên môn đồng đều giữa hiệu nam và nữ (không bị tình trạng mất cân đối, nữ trội hơn nam như An Nhơn và Hoài Nhơn), quy tụ được nhiều địa phương trong huyện (nhất là TT Tuy Phước, Phước Lộc, Phước Sơn, Phước Hưng)… Những đặc điểm này cũng phần nào nói lên hướng đi đúng trong tổ chức, nuôi dưỡng, phát huy phong trào qua nhiều năm ở địa phương, thực sự sâu rộng, hiệu quả!”, ông Đào Minh Tâm, thành viên Ban giám khảo Liên hoan các CLB bài chòi tiêu biểu toàn tỉnh - 2018 cho biết.
Bên cạnh hiệu quả tổ chức, nuôi dưỡng phong trào thông qua việc huyện thường xuyên tổ chức tập huấn hay một số nghệ nhân giỏi rất trách nhiệm với di sản mà nhiệt tình truyền dạy, xông xáo hoạt động…, bài chòi ở Tuy Phước còn có một “điểm tựa” vững chắc khác để bén rễ xanh cây. Đó là lòng mộ điệu, là sự hưởng ứng tham gia trình diễn, bảo tồn, thưởng thức di sản của nhân dân, để đi đến hành động chung tay chăm lo. Mà “Hội đánh bài chòi cấp thôn” vừa kết thúc tối qua (mùng 5) ở Phụng Sơn - Phước Sơn là một dẫn chứng tươi ròng!
SAO LY