Rể Tây vui đón Tết Việt
Khi khăn gói về quê vợ ở Bình Ðịnh đón Tết Nguyên đán, nhiều chàng rể Tây sẵn sàng đón nhận một kỳ nghỉ thú vị. Với những trải nghiệm lý thú, những kỷ niệm khó quên, ấm áp tình thân gia đình, điều mà họ nhận được lớn hơn một kỳ nghỉ rất nhiều. Hãy lắng nghe tâm tình của họ!
Dù khác biệt văn hóa, lối sống nhưng khi được hỏi về cảm xúc khi đón Tết ở quê vợ, tất cả những chàng rể Tây mà tôi có dịp trò chuyện đều có chung một câu trả lời: Rất thú vị, rất tuyệt, rất thích Tết!
Trong các ngày Tết, Pieere đều sắp xếp để có mặt trong bữa ăn gia đình, anh bảo anh rất thích cái không khí mà người Việt mô tả là “đoàn viên”, “sum họp”, cái cách mà cả nhà cùng nhau đón Tết.
Trong ảnh: Anh Pieere Bronsard vui vẻ ăn uống cùng gia đình phía vợ tại thị trấn Đập Đá, TX An Nhơn.
Tết ở quê vợ thật là tuyệt!
Từ mối duyên trong công việc, anh Adam Corral, 32 tuổi, người Anh và chị Nguyễn Hồng Ánh, 30 tuổi, ở TP Quy Nhơn, nên vợ nên chồng. Sau 2 năm định cư ở Anh, anh Adam Corral đưa cả gia đình về quê vợ đón Tết. Vượt chuyến đi khá dài cùng với hành lý và đứa con gái nhỏ 1 tuổi, vợ chồng Adam khá mệt. Sau một ngày nghỉ ngơi, Adam đã cùng gia đình vợ đi khắp nơi tham quan: đảo Kỳ Co ở xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn; khu du lịch Trung Lương, khu du lịch Crown Retreat xã Cát Tiến, huyện Phù Cát; Bảo tàng Quang Trung, huyện Tây Sơn…
Vừa tham quan, tìm hiểu văn hóa, điểm du lịch ở quê vợ, Adam vừa thưởng thức nhiều món ăn lần đầu được nếm. Khi kể về các món ăn, qua lời dịch của vợ, anh chàng hài hước: “Ở Bình Định có nhiều món ăn ngon, tôi thích món ăn dậy mùi thơm như bún thịt nướng, bánh canh chả cá, bánh xèo nhưng rất sợ món tré rất đắng và…”, nhắc tới đó, anh Adam bịt mũi lắc đầu và làm bộ rùng mình khiến cả nhà cười nắc nẻ.
Với Adam, Tết ở quê vợ thật vui vì mọi người được nghỉ làm dài ngày, tổ chức đi chơi. Đến từ xứ sở Sương mù nên Adam rất hay rủ vợ ra biển tắm nắng. Adam rất ấn tượng vì Bình Định có nhiều cảnh đẹp, nhất là biển xanh, cát vàng sát ngay trong thành phố. Chị Ánh kể: “Trước giờ, tôi chỉ mới kể với chồng về Tết Nguyên đán ở quê mình. Giờ Adam mới có cơ hội trải nghiệm, từ việc cúng giao thừa, xem bắn pháo hoa, hội bài chòi, múa lân, lễ chùa… Anh ấy thích và rất hào hứng đón nhận!”.
Rất thích Tết Việt và biết vợ mình muốn đón Tết với mẹ cha, anh chị em, nên dù hai con còn khá nhỏ - 2 tuổi và 6 tháng tuổi, anh Pieere Bronsard vẫn quyết tâm sắp xếp để đưa cả gia đình về Bình Định đón Tết.
Trong ảnh: Gia đình anh Pieere Bronsard đi lễ chùa đầu năm.
Đã được vợ là chị Nguyễn Thị Thúy Phượng (32 tuổi, thị trấn Đập Đá, TX An Nhơn) đưa về đón Tết quê lần thứ hai, nên anh chàng người Pháp Pieere Bronsard (40 tuổi) khá gần gũi, quen thuộc với Tết Nguyên đán. Không chỉ có mặt khi gia đình cúng rước ông bà, cúng giao thừa, trong các ngày Tết, Pieere đều sắp xếp để có mặt trong bữa ăn gia đình, anh bảo anh rất thích cái không khí mà người Việt mô tả là “đoàn viên”, “sum họp”, cái cách mà cả nhà cùng nhau đón Tết. Pieere không chê bất cứ món ăn nào, từ thịt kho măng, bánh chưng củ kiệu, chả lụa… Anh còn thích đi chợ quê, mua sắm đồ cùng gia đình vợ. Theo chị Phượng, Pieere khoái nhất là món bánh phở khô của Bình Định ăn cùng thịt bò, nước xương hầm và có thêm vài tép mỡ phi. Anh Pieere bảo: “Đó là món ăn ngon nhất thế giới”.
Mở lòng đón nhận Tết Việt
Rất thích Tết Việt và biết vợ mình muốn đón Tết với mẹ cha, anh chị em, nên dù hai con còn khá nhỏ - 2 tuổi và 6 tháng tuổi, Pieere vẫn quyết tâm sắp xếp để đưa cả gia đình về Bình Định đón Tết. Chẳng những vậy, anh còn chèo kéo bạn mình ở Pháp sang Việt Nam đón Tết.
Chị Phượng kể: “Pieere thích thú, chịu khó tìm hiểu và thực hành đúng theo tập tục Việt. Anh ấy hiểu tục mừng tuổi cho trẻ em. Gặp em bé nào anh cũng vui vẻ mừng tuổi. Nhưng khi tôi giải thích, cả ba mẹ, người già cũng là đối tượng được mừng tuổi, anh ấy vô cùng ngạc nhiên. Khi hiểu ra sự lý “yêu quý trẻ con, kính trọng người già, cầu chúc mọi người cùng được may mắn, cho nhiều thì sẽ được nhiều, Pieere cứ tấm tắc khen phong tục Việt hay quá!”.
Gia đình Pieere Bronsard chụp hình kỷ niệm Tết Mậu Tuất cùng gia đình nhà vợ.
Pieere Bronsard khoát tay xác nhận: Về quê đón Tết được gặp hết anh chị em, con cháu trong nhà, bà con thân tộc. Rồi thì trong Tết, mọi người ai cũng vui mừng cầu chúc những điều tốt đẹp cho nhau, không khí thì rộn ràng đông vui. Tết nào cũng sẽ đưa cả nhà về Bình Định đón Tết!”.
Những chàng trai Tây bén duyên với con gái Bình Định mà tôi gặp đều có điểm tương đồng là rất yêu thương vợ con, trân trọng hôn nhân của mình và thích không khí ấm cúng, vui vẻ của Tết cổ truyền ở quê vợ. Luisce Ross người Pháp làm rể ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân, là người duy nhất tôi gặp nói được tiếng Việt dù không trôi chảy lắm.
Anh Luisce Ross kể: “Tôi yêu Tết ở quê vợ bởi bầu không khí ấm áp, thân thiện trong gia đình những ngày đầu năm. Từ bữa cơm tất niên cả nhà quây quần, chúc nhau những điều may mắn, cười nói rôm rả. Người ta muốn tìm đến để thấy tận mặt nhau, chúc cho nhau những điều tốt đẹp. Ở phương Tây, người ta thường chỉ gọi điện chúc mừng. Tôi thích ngồi bên gia đình dưới ánh lửa của nồi bánh tét thơm nồng và những cây mai vàng rất đẹp!”.
***
Một vài lúc, cũng có những hiểu lầm, nhưng tất cả đều là những trục trặc nho nhỏ do khác biệt văn hóa, cách nhìn nhận vấn đề. Điều đáng mừng là các cô vợ Việt luôn sát cánh nên mọi việc được hóa giải nhanh chóng. Cảm xúc và những trải nghiệm mới mẻ, thú vị khiến những chàng rể đến từ những nền văn hóa khác biệt mở lòng đón nhận những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt. Nếu được chứng kiến cảnh họ hào hứng như thế nào khi được mang niềm vui Tết đến cho vợ con mình, gia đình mình, có lẽ chính bạn cũng sẽ thêm yêu Tết Nguyên đán hơn.
Ở quê tôi, một người qua đời, nghĩa là hết. Nhưng ở Việt Nam thì không. Người Việt không chỉ thờ cúng mà còn làm đám giỗ tưởng nhớ. Ngay cả khi ăn giỗ, họ còn kể về hành trạng của người đã khuất nữa. Trước Tết, người Việt đi tảo mộ, rồi cúng rước, mời linh hồn người đã khuất về đón Tết với gia đình, ngày đầu năm mới lại còn đi thăm mộ, trong Tết thì cúng cơm trong suốt mấy ngày Tết. Người đã khuất vẫn tồn tại trong một đời sống khác giữa con cháu. Ðó là điều tốt đẹp. Ngày Tết không chỉ là ngày nghỉ ngơi, vui vẻ mà còn là dịp để con cháu khắp nơi sum vầy, thăm hỏi nhau, gắn kết tình thân!”- Anh PIEERE BRONSARD tâm sự.
HẢI YẾN