Hội nghị góp ý Dự thảo Luật Thi đua Khen thưởng sửa đổi và Luật Việc làm
(BĐ) - Ngày 9.9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua Khen thưởng và Luật Việc làm, chuẩn bị trình Quốc hội khóa 13 xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 sắp tới.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua Khen thưởng được đưa ra lấy ý kiến góp ý lần này dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung 47 điều: các quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn đối với các hình thức khen thưởng cho các đối tượng; nâng cao tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng; phân cấp và mở rộng thẩm quyền khen thưởng đối với một số hình thức khen thưởng; quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện và xây dựng điển hình tiên tiến là người lao động.
Đa số các đại biểu tán thành nội dung của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị bầu chọn, khen thưởng danh hiệu thi đua nên hạn chế các trường hợp bầu chọn thủ trưởng, chú ý đến đa số công nhân viên, người lao động trực tiếp để khen thưởng hằng năm và khen thưởng đột xuất đúng người, đúng việc.
Dự thảo Luật Việc làm gồm có 7 chương, 63 điều. Tại hội nghị, ngoài việc thống nhất về tính cần thiết của Luật, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số ý kiến như: cần đưa ra khái niệm và nguyên tắc xác định các chỉ tiêu việc làm; quy định chính sách hỗ trợ việc làm, chính sách xuất khẩu lao động; cần quy định rõ đối với hợp đồng không xác định thời hạn tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng lách luật để hưởng lợi từ bảo hiểm thất nghiệp; cần có chương, điều xử lý khiếu nại, tố cáo trong Luật Việc làm; cần phân biệt rõ đối tượng, điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ việc làm.
Bà Nguyễn Thanh Thụy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị, đã đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu và cho biết, Đoàn sẽ tổng hợp, báo cáo đầy đủ tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội sắp tới.
KIỀU ANH