Không "cướp lộc" hoa tre, lễ hội Gióng đền Sóc bình yên
Năm nay là năm đầu tiên lễ hội Gióng được đổi mới theo hình thức bỏ tục cướp hoa tre, cướp trầu cau… nhờ đó lễ đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính nhưng bình yên.
Sáng 21.2, (mùng 6 tháng Giêng), lễ hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) chính thức khai mạc tại Khu di tích Lịch sử đền Sóc, huyện Sóc Sơn.
Là một trong những lễ hội lớn và quan trọng bậc nhất trong văn hóa tín ngưỡng của người dân Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung, mùa lễ hội năm nào Khu di tích Lịch sử đền Sóc cũng thu hút hàng chục vạn du khách thập phương và phật tử khắp nơi tụ hội.
Không chỉ được biết đến là nơi thờ tự Phù Đổng Thiên Vương - một trong tứ bất tử của dân tộc Việt Nam, lễ hội Gióng tại đền Sóc còn rất nổi tiếng với tục “cướp giò hoa tre”.
Giò hoa tre cũng là một trong 8 lễ vật được các địa phương trên địa bàn huyện Sóc Sơn cung tiến vào dịp lễ hội.
Mọi năm, sau khi rước giò hoa tre và trầu cau dâng tại đền chính, hai lễ sẽ theo hai hướng được rước xuống đền Hạ và đền Mẫu. Tại đây, sau phần lễ tại sẽ có nghi lễ tất lộc… và cũng chính đây là địa điểm chính xảy ra tình trạng “cướp” khiến nhiều người bị sứt đầu, mẻ trán nhiều năm qua.
Nhằm khắc phục hiện tượng này, đưa lễ hội trở về với đúng giá trị tốt đẹp ban đầu, nghi lễ này năm nay đã được cải tiến.
Ông Nguyễn Nam Nho, Giám đốc Trung tâm quản lý Khu di tích đền Sóc Sơn cho biết, trước mùa lễ, ban tổ chức đã gặp gỡ người dân địa phương, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu văn hóa để cùng tìm phương án phù hợp.
Theo đó, thay thế cho việc rước lộc và thực hiện nghi lễ tất lộc… toàn bộ số giò hoa tre, lộc trầu cau được đưa vào hậu cung sau đó chia về các thôn và phát lộc cho du khách thập phương.
Đặc biệt, thay vì chỉ chuẩn bị 500 giò hoa tre như những mùa trước, năm nay, 15.000 hoa tre đã được chuẩn bị, dâng lên thánh sau đó sẽ được phát lộc cho du khách thập phương đi lễ đền, tránh tình trạng tranh cướp như mọi năm.
Cùng đó, lễ rước và tế cũng được đẩy lên sớm hơn vào lúc 7 giờ sáng nên không khí hành lễ trang nghiêm, thành kính với sự tham dự của người dân địa phương.
Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, sau lễ cung tiến, giò hoa tre sẽ được di chuyển vào hậu cung đền Thượng, chứ không di chuyển xuống khu vực đền Hạ và tổ chức phát lộc như mọi năm.
Tương tự, lễ vật là trầu cau cũng sẽ được di chuyển vào hậu cung đền Thượng sau nghi lễ cung tiến. Nghi lễ thúc bình an, người thong thả đi lễ và không còn phải chứng kiến cảnh tượng dẹp đường nhằm đảm bảo cho lễ, lộc không bị cướp như mọi năm nữa.
Chia sẻ với PV Báo SGGP, người dân địa phương cũng ghi nhận sự thay đổi đặc biệt trong mùa năm nay, lễ hội không còn màn “cướp” lộc hoa tre, trầu cau… cũng hơi buồn, bớt rộn ràng nhưng bình yên.
Lực lượng công an, dân phòng, thanh niên tình nguyện… mặc dù được huy động với số lượng lớn, túc trực nhưng năm nay không còn vất vả như những mùa trước.
Theo MAI AN (SGGP)