Vì... thương nên phải hầu tòa
Nguyễn P. đang học lớp 11, một buổi chiều ngồi uống cà phê với hai thanh niên ở cùng thôn, một người lên tiếng than rằng: “Xe Honda của mình hư nhiều quá mà không có tiền sửa”. Liền sau đó, người này lên tiếng rủ hai người kia đi trộm đồ phụ tùng ở một tiệm sửa xe để thay thế. Người kia đồng ý vì có xe đang bị hư, P. còn đang chần chừ thì người này tiếp lời: “Em chỉ đi cùng anh và trông giữ xe thôi còn mọi việc để anh lo”. Nghe anh nói vậy, P. cũng gật đầu đồng ý.
Một đêm đến hẹn, P. đi cùng người thanh niên đến cách tiệm sửa xe một quãng đường trống thì dừng lại, vừa giữ xe, vừa cảnh giới. Người thanh niên đi vào cạy cửa tiệm. Sau một giờ lục tìm trong tiệm sửa xe, người thanh niên mang ra một bao tải đồ phụ tùng và mấy cái lốp xe Honda, cùng lúc đó người thanh niên kia đi xe đến chở người và bao đồ trộm được, còn P. lái xe đi theo sau, đến nơi cất giấu bao hàng rồi cả ba người về nhà ngủ.
Sáng hôm sau, P. vẫn đến trường học bình thường. Hai thanh niên kia đến nơi đã cất giấu hàng trộm được mang đến tiệm sửa xe để thay thế những phụ tùng đã hư hỏng, số còn lại bán lấy tiền. Khi vụ trộm bị khởi tố, thì P. cũng là bị can trong vụ án trộm cắp tài sản với vai trò người giúp sức. Tại phiên tòa xét xử, khi người bào chữa hỏi P.: “Bị cáo không có xe Honda, vậy đi trộm đồ phụ tùng xe để làm gì?”, P. lí nhí trả lời: “Vì thương hai anh không có tiền sửa xe”. Câu trả lời khiến những người xét xử, người dự khán tin bị cáo thật thà, nhưng trách bị cáo đặt tình thương không đúng chỗ, vì tiền bán tài sản đã trộm, bị cáo không được chia đồng nào. Phiên tòa kết thúc, P. nhận mức hình phạt 9 tháng cải tạo không giam giữ.
Câu chuyện của vụ án cũng là bài học cho những thanh thiếu niên, học sinh hay la cà ở các quán cà phê.
QUÁCH HỒNG CẨM