Thôn văn hóa Vinh Thạnh 2:
Xây dựng phong trào từ “điểm tựa” truyền thống
Ðược UBND tỉnh công nhận là thôn văn hóa từ năm 2003, từ đó đến nay, Vinh Thạnh 2 là một trong những thôn văn hóa tiêu biểu giữ vững danh hiệu này. Gốc rễ của thành công này bắt nguồn từ việc người dân chung niềm tự hào, ý thức gìn giữ truyền thống quê hương danh nhân Ðào Tấn, lấy đó làm nền tảng để xây dựng đời sống văn hóa hôm nay.
1. Thôn Vinh Thạnh 2 có 180 hộ dân với hơn 800 nhân khẩu, chia làm 2 xóm Vinh Bắc và Vinh Tây. Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Đến nay, đời sống kinh tế của người dân thôn Vinh Thạnh 2 đã ổn định và từng bước phát triển. Số hộ nghèo giảm dần theo từng năm, đến nay chỉ còn khoảng 5%. Hằng năm, có trên 95% số hộ trong thôn được công nhận gia đình văn hóa, trong đó có gần 25% gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc. Vinh Thạnh 2 nhiều lần còn được nhận bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự.
Ông Cao Văn Ngọc, Trưởng thôn Vinh Thạnh 2, cho biết: “Khi cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được triển khai, dù đời sống kinh tế còn khó khăn nhưng người dân vẫn hưởng ứng rất tích cực. Được UBND tỉnh công nhận danh hiệu thôn văn hóa từ năm 2003, chúng tôi đã có nhiều nỗ lực để giữ vững danh hiệu, xây dựng đời sống văn hóa có chiều sâu”.
Những ngày này, về thăm thôn Vinh Thạnh 2, ấn tượng đầu tiên trong tôi là các con đường bê tông sạch đẹp, ruộng lúa trĩu vàng, len lỏi giữa những không gian xanh mát vườn quê. Nhiều nhà dân trong thôn vẫn giữ được những hàng rào, cổng ngõ bằng cây duối được tỉa tót, tạo hình công phu. Cụ Trần Sáng, 80 tuổi, chia sẻ: “Đường sá đã được bê tông phẳng lì, sạch đẹp thấy thích lắm. Tôi cũng chăm sóc hàng rào, cổng ngõ nhà mình hằng ngày để góp phần tạo nên cảnh quan xanh sạch đẹp cho thôn văn hóa”.
Thôn Vinh Thạnh 2 còn gây ấn tượng khi có đến 2 khu sinh hoạt văn hóa. Trụ sở thôn khang trang được xây dựng cách đây 7 năm ở xóm Vinh Tây, được trang bị đầy đủ dàn âm thanh, ti vi, có sân bóng chuyền để phục vụ nhu cầu sinh hoạt chung của người dân. Do các xóm không liên cư, nên người dân xóm Vinh Bắc góp công góp của xây dựng thêm khu sinh hoạt riêng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hóa văn nghệ, rèn luyện thể thao thường xuyên.
2. Nói về câu chuyện xây dựng và giữ gìn thôn văn hóa ở Vinh Thạnh 2, ông Nguyễn Đình Nam, Bí thư chi bộ thôn, đúc kết: “Điểm nổi bật nhất ở thôn văn hóa này là người dân rất có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Đây là nền tảng tinh thần quan trọng để người dân cùng đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Một trong những “biểu tượng” cho ý thức đó là giữ gìn được cổng làng hàng trăm năm nay. Người dân xóm Vinh Bắc đã đóng góp mấy chục triệu đồng để xây cổng mới theo kiểu dáng giống như cổng làng xưa ở xóm Vinh Tây. Cùng với cổng chào thôn văn hóa cũng được người dân đóng góp một phần kinh phí xây dựng, thôn Vinh Thạnh 2 có đến “3 cổng làng”, vừa gìn giữ, vừa tiếp nối bản sắc văn hóa truyền thống.
Thôn Vinh Thạnh 2 tự hào là quê hương danh nhân Đào Tấn, có ngôi nhà từ đường họ Đào gắn liền với những dấu tích của gia đình và những cột mốc cuộc đời ông. Có lẽ vì thế mà người dân nơi đây rất thích hát bội và yêu văn chương. “Bà con trong thôn thường góp tiền để mời các đoàn hát bội về biểu diễn. Người dân cũng yêu thích văn chương ca hát, một số người mê làm thơ đã xuất bản tuyển tập thơ, hay đăng trên các báo, tạp chí”, ông Nguyễn Đình Nam cho biết thêm.
Tiếp nối truyền thống hiếu học từ thời cụ Đào Tấn, người dân thôn Vinh Thạnh 2 luôn quan tâm đến việc học hành của con em. Chi hội khuyến học của thôn hoạt động hiệu quả, tích cực vận động người dân trong thôn và những người làm ăn thành đạt ở xa thường xuyên tham gia đóng góp kinh phí để trao phần thưởng, động viên tinh thần các em học giỏi. Cụ Trần Hạnh Phúc, 74 tuổi, bày tỏ: “Truyền thống hiếu học của thôn đã được tiếp nối nhờ sự quan tâm của các gia đình và cán bộ thôn. Nhiều cháu thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng. Hiện, Vinh Thạnh 2 đã có 1 tiến sĩ, 3 thạc sĩ”.
HOÀI THU