Nhộn nhịp ra quân sản xuất đầu năm
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, nhiều DN đã tập trung ra quân sản xuất đầu năm với quyết tâm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2018.
Phần lớn các DN hoạt động trên địa bàn tỉnh đều triển khai sản xuất, kinh doanh (SXKD) từ sáng mùng 6 tháng Giêng với mục tiêu đạt năng suất, chất lượng ở mức cao nhất trong năm 2018. Không khí vui xuân, đón Tết đã khép lại, thay vào đó là nhịp độ lao động thường ngày.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng thăm Công ty CP Green Feed Việt Nam - Chi nhánh Bình Định. Ảnh: T.Sỹ
Nhộn nhịp vào ca
Ngày 19.2 (mùng 4 Tết), 220 lao động của Nhà máy bia Quy Nhơn (thuộc Công ty CP Bia Sài Gòn Miền Trung) đã đi vào sản xuất với quyết tâm cao. Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Công ty, cho biết: Sản phẩm của nhà máy đã được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng. Công suất của nhà máy chỉ 50 triệu lít/năm, nhưng năm 2017 Công ty đã sản xuất và tiêu thụ trên 58 triệu lít, cao nhất từ trước đến nay; doanh thu 630 tỉ đồng, nộp ngân sách 267 tỉ đồng, nhiều nhất từ trước đến nay. Năm 2018, DN sẽ mở rộng mặt bằng thêm 1,4 ha, nâng công suất nhà máy lên 80 triệu lít/năm, tăng doanh thu và dự kiến nộp ngân sách tỉnh trên 290 tỉ đồng. Bên cạnh đó, DN tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng sản phẩm, cung cách phục vụ và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ngày 21.2 (mùng 6 tháng Giêng), cán bộ, công nhân viên Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (BIDIPHAR) cũng đã đi làm trở lại. Tại các phân xưởng sản xuất, tất cả cán bộ, công nhân đều vào ca đúng giờ, làm việc nghiêm túc. Theo ông Nguyễn Văn Quá, Tổng Giám đốc Công ty BIDIPHAR, năm qua, Công ty đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, doanh thu đạt 1.459 tỉ đồng, lợi nhuận 116 tỉ đồng, nộp ngân sách 63 tỉ đồng. Năm 2018, Công ty sẽ đầu tư 500 tỉ đồng xây dựng 1 nhà máy sản xuất thuốc chữa bệnh ung thư và 1 nhà máy khác sản xuất dược phẩm tại Khu Kinh tế Nhơn Hội với nhiều thiết bị, dây chuyền hiện đại. Bên cạnh đó, DN sẽ ưu tiên đào đạo cán bộ, công nhân kỹ thuật có trình độ cao gắn với việc nghiên cứu, tạo ra sản phẩm mới, để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Ngoài hoạt động SXKD, Công ty cũng sẽ chú trọng nhiều hơn đến hoạt động xã hội, từ thiện.
Công nhân Công ty TNHH MTV ống thép Hoa Sen Bình Định đang vận hành dây chuyền sản xuất. Ảnh: T.Sỹ
Xuất nhiều đơn hàng đầu năm
Từ sáng mùng 6 Tết, tại Công ty CP Thủy sản Bình Định (ở TP Quy Nhơn), không khí làm việc diễn ra rất khẩn trương. Sau khi Ban Giám đốc Công ty gặp mặt, chúc mừng năm mới, hơn 900 công nhân của đơn vị đã vào ca. Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty, cho biết: Năm 2017, DN đã đạt kết quả khá tốt, sản lượng các mặt hàng thủy sản đông lạnh xuất khẩu đạt 11.000 tấn, doanh thu 1.430 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 62,3 triệu USD, chiếm trên 2/3 giá trị xuất khẩu thủy sản toàn tỉnh. Đầu năm 2018, Công ty đã ký được một số hợp đồng hàng thủy sản lớn xuất sang thị trường châu Âu, nên từ mùng 6 Tết đã tổ chức sản xuất để kịp giao hàng. Năm 2018, DN đề ra mục tiêu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng từ 10 - 15%, tạo việc làm ổn định cho trên 900 lao động. Ngay trong ngày đầu năm mới đi làm lại sau Tết Mậu Tuất, Công ty đã xuất 4 container hàng thủy sản đông lạnh đi châu Âu. Dự kiến đến tháng 6.2018, Công ty sẽ khởi công xây dựng nhà máy đông lạnh thủy sản xuất khẩu tại Khu Kinh tế Nhơn Hội.
Tại Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn, mùng 6 Tết, trên 300 công nhân đã hăng hái vào ca. Tại các phân xưởng, tổ sản xuất, tất cả công nhân đều làm việc với trách nhiệm cao, mong hoàn thành thật tốt công việc để khởi đầu năm mới được thuận lợi. Ông Mai Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty, cho biết: “Trong năm 2017, mặc dù gặp không ít khó khăn do thị trường tôm đông lạnh xuất khẩu có nhiều biến động, giá cả tôm nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, nhưng Công ty đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, kế hoạch sản xuất với sản lượng tôm xuất khẩu trên 1.000 tấn, tổng doanh thu 250 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu 8 triệu USD, giải quyết việc làm cho trên 300 lao động. Trong năm 2018, Công ty đề ra chỉ tiêu tổng doanh thu trên 300 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu trên 10 triệu USD. Hiện nay, DN đã ký được hợp đồng xuất khẩu mặt hàng tôm đông lạnh với các đối tác từ châu Âu, Hàn Quốc, Trung Đông… Do vậy, ngay từ những ngày đầu năm mới, đơn vị đã động viên công nhân nỗ lực làm việc để đạt kết quả tốt nhất. Trong ngày mùng 6 Tết, DN xuất khẩu 1 container trên 20 tấn tôm đông lạnh”.
Cũng trong ngày mùng 6 Tết, không khí ra quân sản xuất đầu năm tại các đơn vị trực thuộc Tổng Công ty PISICO Bình Định - Công ty cổ phần rất nhộn nhịp. Bà Đồng Thị Ánh, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty, cho biết: “Năm 2018 này, DN đặt ra mục tiêu tổng doanh thu 1.969 tỉ đồng, bằng 110% so với năm 2017. Lợi nhuận thu về công ty mẹ 29,5 tỉ đồng, bằng 107% so với mức thực hiện năm ngoái. Giải quyết việc làm thường xuyên cho 1.600 người lao động. Ngay từ mùng 6 Tết, HĐQT, ban lãnh đạo công ty đã phát động phong trào thi đua và đề ra các nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, từng phân xưởng và chỉ tiêu từng quý, từng tháng. Tổng công ty cũng tiếp tục cải thiện, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại; đồng thời chú trọng mở rộng các lĩnh vực SXKD, mở rộng thị trường xuất khẩu”.
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn. Ảnh: NGUYỄN HÂN
Đồng hành cùng DN
Ngay trong ngày làm việc trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, mùng 6 Tết Nguyên đán, các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh đã đi thăm, chúc Tết và kiểm tra tình hình SXKD tại một số DN trên địa bàn tỉnh.
Tại các DN đến thăm, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã thăm hỏi, động viên, khích lệ cán bộ, công nhân viên và người lao động thực hiện tốt các phong trào thi đua, tạo ra khí thế lao động SXKD ngay từ đầu năm mới; chúc các DN có bước đi vững chắc, ổn định, để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.
Nhận định thời gian tới có nhiều thời cơ, nhưng cũng lắm thách thức, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu các DN phải nỗ lực rất lớn, tăng cường đổi mới công nghệ, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Củng cố bộ máy quản lý, điều hành; tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ và tay nghề của đội ngũ nhân lực, đề ra các mục tiêu và hướng hoạt động của DN phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cũng đã ghi nhận, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các DN để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời; cam kết tạo thuận lợi để các DN phát triển SXKD.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu: Hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh ta có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực tài chính còn yếu, công nghệ sản xuất lạc hậu, khả năng cạnh tranh hàng hóa thấp... Do vậy, để phát triển bền vững, tự thân các DN cần phải có sự nỗ lực rất lớn mới đủ sức cạnh tranh trên “sân chơi” toàn cầu. Tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng các DN nhằm tập trung tháo gỡ những tồn tại, hạn chế về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nâng cấp dây chuyền sản xuất hiện đại, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm..., giúp các DN đẩy mạnh phát triển sản xuất. Đồng thời đề nghị các DN sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường…
Các DN phải nỗ lực rất lớn, tăng cường đổi mới công nghệ, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Củng cố bộ máy quản lý, điều hành; tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ và tay nghề của đội ngũ nhân lực, đề ra các mục tiêu và hướng hoạt động của DN phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế”.
Chủ tịch UBND tỉnh HỒ QUỐC DŨNG
NGUYỄN HÂN - TIẾN SỸ