Nghệ sĩ của nhân dân
Đến dự buổi ra mắt của CLB văn nghệ Hương Biển (thuộc Nhà Văn hóa Lao động tỉnh), thật bất ngờ khi biết ở CLB văn nghệ quần chúng này có 2 nghệ sĩ nhân dân (NSND) đang tham gia sinh hoạt. Đó là NSND Hòa Bình và NSND Phương Thảo. Rời công việc ở Nhà hát tuồng Đào Tấn, họ tiếp tục nuôi dưỡng lòng đam mê, nhiệt huyết với văn hóa văn nghệ ở một môi trường mới.
NSND Hòa Bình, nguyên Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn, tâm sự: “Khi NSND Phương Thảo, chủ nhiệm CLB mời tham gia, trong đầu tôi thoáng chút băn khoăn. Là nghệ sĩ, ai cũng muốn giữ những ấn tượng đẹp nhất trong lòng khán giả, nghỉ hát đã mấy năm, giờ thành bà già rồi, tiếng hát không còn son trẻ, lên sân khấu không biết khán giả có “ưng bụng” không?”. Sau lời mời ấy, xen lẫn nỗi ngại ngần là cảm giác nôn nao vì nhớ nghề, nhớ ánh đèn sân khấu và khán giả chợt thức dậy trong lòng. Vậy là nhận lời, là “tụ tập” ca hát cùng mọi người trong CLB, hào hứng chuẩn bị tiết mục, trang phục cho đêm văn nghệ ra mắt.
Gặp NSND Hòa Bình sau sân khấu, khi bà vừa biểu diễn thật sâu lắng, ngọt ngào hai làn điệu dân ca khu V “Hò chèo thuyền”, “Lý vọng phu”, tôi thấy mắt người nghệ sĩ ngấn lệ. “Nhiều khán giả nhận ra mình, họ biểu lộ sự ngạc nhiên và chào đón, cảm giác ấm áp vô cùng”, NSND Hòa Bình nói trong niềm hạnh phúc.
CLB văn nghệ Hương Biển buổi đầu ra mắt có 21 thành viên, nay tăng lên 26 người, người lớn tuổi nhất đã 72, lớp trẻ chỉ vừa đôi mươi, cùng tụ họp trong tình yêu chung với văn nghệ. Đảm trách xây dựng chương trình, kịch mục, tập luyện các tiết mục, đặc biệt về tuồng, dân ca bài chòi cho CLB có vai trò nòng cốt của hai NSND này. Cũng nhờ có hai thành viên “đặc biệt” này, chương trình biểu diễn của CLB Hương Biển khá đa dạng và chất lượng, không chỉ thiên về hát múa mà thể hiện được các văn hóa đặc trưng của Bình Định là tuồng, dân ca bài chòi.
NSND Phương Thảo chia sẻ, người làm nghệ thuật, nếu ở lĩnh vực sáng tác, đến tuổi về hưu càng có thời gian để theo đuổi đam mê, còn ở lĩnh vực biểu diễn thường là nghỉ hẳn. Tuy vậy, đời nghệ sĩ tuồng gắn bó mật thiết với quần chúng lao động, đặc biệt là người dân nông thôn, đó cũng là khán giả chính của tuồng. Bao nhiêu năm sống trong mối quan hệ giữa tuồng và khán giả, sợi dây gắn kết ấy như đã ăn sâu vào máu thịt. Vậy nên, có vốn nghề, còn sức khỏe, đầy tràn lòng nhiệt huyết, tham gia văn nghệ quần chúng là cách những nghệ sĩ này nối dài, nuôi dưỡng tình yêu, sự gắn bó đối với đời sống văn hóa ở tại địa phương.
Câu chuyện nhỏ về hai NSND Hòa Bình, Phương Thảo ở môi trường văn nghệ quần chúng, cho ta cái nhìn đẹp về hình ảnh người nghệ sĩ của nhân dân.
KHẢI THƯ