Khách mất 245 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm
Lợi dụng lòng tin của khách hàng VIP, Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP HCM đã làm giả hồ sơ để chiếm đoạt 245 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm.
Thông tin ban đầu cho biết, từ năm 2007, bà Bình - một người có tiếng trong kinh doanh thuỷ sản bắt đầu giao dịch gửi tiết kiệm tại chi nhánh TP HCM của Eximbank. Do bà gửi số tiền khá lớn nên được nhà băng này chăm sóc theo tiêu chuẩn khách hàng VIP.
Khách gửi 245 tỷ đồng tại chi nhánh TP HCM của Eximbank bị Phó giám đốc tại đây làm giả hồ sơ để chiếm đoạt rồi bỏ trốn.
Ông Lê Nguyên Hưng, Phó giám đốc chi nhánh này là người trực tiếp thực hiện các giao dịch với bà Bình. Lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình, ông Hưng nhiều lần cùng nhân viên của Eximbank đến nhà riêng của bà để trình bày những khoản đã tất toán dựa theo kỳ hạn gửi.
Nhưng thực tế ông Hưng đã làm giả hồ sơ của bà Bình để rút tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà rồi gửi vào tài khoản đã đến hạn tất toán. Giấy uỷ quyền của bà Bình cho 2 cá nhân - nhưng bà Bình không biết 2 tên này. Với "chiêu thức" trên, ông Hưng chiếm đoạt số tiền rất lớn của bà Bình trong quãng thời gian dài.
Cuối năm 2017, nghi ngờ mình bị lừa đảo, bà Bình tiến hành đối chiếu số dư sổ tiết kiệm thì phát hiện hơn 245 tỷ trong các tài khoản đã "bốc hơi".
Trao đổi với báo chí chiều 22.2, ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank thừa nhận vụ việc ông Hưng lừa đảo 245 tỷ trên là có thật. Tuy nhiên, theo ông tất cả giao dịch liên quan đều có chữ ký thật của bà Bình - người bị mất tiền. Chữ ký trên giấy ủy quyền cũng được Cơ quan Cảnh sát Điều tra phía Nam (C44B - Bộ Công an) giám định là chữ ký thật. Còn người được ủy quyền có trường hợp thật, có trường hợp không thật.
Sau khi có kết luận điều tra, bà Bình đã đến làm việc với ngân hàng và mong muốn ngân hàng sớm trả tiền. Tuy nhiên ông Quyết cho biết, ngân hàng dù rất chia sẻ mong muốn của khách và sự việc cũng đã kéo dài khá lâu nhưng đây là số tiền rất lớn, kết luận của cơ quan điều tra về mặt pháp lý không phải là phán quyết cuối cùng. Ngân hàng phải làm đúng luật.
Theo ông, bản thân Hội đồng quản trị ngân hàng cũng khó giải quyết vụ việc nếu chỉ dựa trên kết luận của cơ quan điều tra, mà hai bên cần sớm phối hợp để đưa vụ việc ra tòa thực hiện theo đúng trình tự tố tụng. Khi tòa án có phán quyết, Eximbank có trách nhiệm trả số tiền này thì ngân hàng sẽ trả ngay.
Ông Quyết cũng giải thích thêm về chữ ký thật trên giấy uỷ quyền của bà Bình là các chữ ký sẵn của bà vì bà Bình là khách hàng VIP khi có số tiền gửi rất lớn, được ngân hàng chăm sóc đặc biệt.
Bà Bùi Thị Thiện Tâm, Giám đốc Eximbank TP HCM cho biết thêm, theo quy trình giao dịch tại nhà thường từ 2 đến 3 nhân viên ngân hàng trở lên. Tuy nhiên trong quá trình giao dịch, bà Bình không muốn tiếp xúc với người khác ngoài ông Hưng. Thậm chí nhân viên ngân hàng có liên hệ thì bà Bình đã trả lời bận.
Trả lời câu hỏi vì sao ngân hàng không phát hiện được suốt thời gian dài, bà Tâm cho biết do trên giấy ủy quyền có chữ ký thật cộng với việc ông Hưng là Phó giám đốc chi nhánh và người trực tiếp giao dịch duy nhất với khách hàng.
Bản thân ông Hưng đã công tác tại Eximbank hơn 20 năm và chưa từng xảy ra vấn đề gì nên nhân viên rất tin tưởng và làm theo. Bà Tâm cũng cho hay, theo kết luận của cơ quan điều tra, ông Hưng đã lấy tiền từ năm 2014 ở nhiều thời điểm khác nhau và ở nhiều sổ tiết kiệm khác nhau của bà Bình, kéo dài đến năm 2016. Cuối năm 2016 thì sự việc vỡ lở. Ông Hưng hiện đã bỏ trốn ra nước ngoài và đang bị truy nã quốc tế.
Tại buổi họp chiều 22.2, ông Yasuhiro Saitoh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank cũng khẳng định, ưu tiên hàng đầu của ngân hàng là bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Tuy nhiên, ngân hàng là tổ chức niêm yết nên phải tuân thủ quy định và ở nước ngoài các sự việc tương tự cũng phải đưa ra tòa.
Theo ông Quyết, Eximbank cũng đã chủ động chuyển vụ việc qua cơ quan điều tra để tố cáo tội phạm, thúc đẩy cơ quan điều tra đẩy nhanh tiến độ để sớm có cơ sở giải quyết khiếu nại của bà Bình.
“Chúng tôi rất muốn sự việc giải quyết sớm, tránh dư luận không hay. Nhưng nếu không có bước ra tòa thì không hoàn thiện thủ tục pháp lý và chúng tôi sẽ không trả lời được với cổ đông", ông Quyết nói thêm.
Cũng theo ông Quyết, sáng 22.2, Hội đồng quản trị ngân hàng đã họp và tinh thần nghị quyết Hội đồng quản trị về xử lý vụ việc cũng như ông trình bày ở trên.
"Sau khi sự việc xảy ra chúng tôi đã rà soát thống kê toàn bộ khách hàng VIP, tức khách hàng có số tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên xem các trường hợp này có giao dịch tại nhà hay có giao dịch ủy quyền hay không, hoặc có tất toán từng phần sổ tiết kiệm không. Sau đợt kiểm tra thì không phát hiện ra trường hợp tương tự. Dù khách hàng VIP luôn có yêu cầu đặc biệt nhưng ngân hàng cũng từ chối các trường hợp chỉ yêu cầu giao dịch với duy nhất một người mà yêu cầu các trường hợp chi tiền mặt phải đi hai người trở lên và thông báo rõ ràng với các chi nhánh", ông Quyết nói.
Theo Thanh Lê (VnE)