Đưa xe lăn hợp chuẩn về Bình Định cho trẻ khuyết tật
Chiều 22.3, tại Báo Bình Định, Tổ chức từ thiện Go! Fly! Wheelchairs (Hãy bay đi, xe lăn!) phối hợp với “Nhịp cầu nhân ái” Báo Bình Định đã trao 3 chiếc xe lăn trẻ em (do Nhật Bản sản xuất) cho 3 trẻ khuyết tật vận động. Đây là sự kiện mở đầu cho hoạt động nhân đạo quyên góp và vận chuyển xe lăn trẻ em hợp chuẩn từ Nhật Bản đến Bình Định, do tiến sĩ Nguyễn Chí Nghĩa, tích cực vận động. PV Báo Bình Định có cuộc phỏng vấn tiến sĩ xung quanh chương trình hợp tác nhân đạo này.
* Anh đã đến với Tổ chức “Go! Fly! Wheelchairs” để liên hệ, kết nối giúp đỡ xe lăn cho trẻ em khuyết tật tại Bình Định?
- Trước đây, trong dịp về quê Bình Định, qua tiếp xúc với phụ huynh của một em bé bị khuyết tật vận động, tôi biết được không chỉ riêng gì ở tỉnh Bình Định mà Việt Nam nói chung, nhu cầu xe lăn cho các em bé bị khuyết tật rất lớn. Mặc dù có rất nhiều xe lăn được nhiều tổ chức từ thiện, nhân đạo đến với Việt Nam, nhưng hầu hết đều là xe dành cho người lớn và các em bé bị khuyết tật cũng phải dùng những chiếc xe lăn này. Vậy nên, kích cỡ của xe lăn không phù hợp khiến các bé cảm thấy không thoải mái và khó sử dụng. Những chiếc xe lăn này giống như chiếc áo rộng cỡ mà các em bé phải mặc vào. Vốn quan tâm đến vấn đề xã hội, nên tôi canh cánh trong lòng làm sao thu thập thông tin về những đoàn thể ở Nhật tặng xe lăn cho trẻ em khuyết tật, trong đó có tổ chức Go! Fly! Wheelchairs. Tôi tìm đến văn phòng làm việc của tổ chức này và trao đổi với họ về việc đem xe lăn dành cho trẻ em về Bình Định. Làm được điều này, cũng nhờ Trường Đại học Aomori Chuo Gakuin đã tạo điều kiện cho tôi rất nhiều về thời gian, phương tiện, con người.
* Xe lăn của Tổ chức “Go! Fly! Wheelchairs” tặng có những ưu điểm gì?
Nguyễn Chí Nghĩa sinh năm 1982, ở TP Quy Nhơn, Bình Định. Tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Trường Cao học Kinh tế và Quản trị kinh doanh thuộc Đại học Tohoku - một trong các trường đại học hàng đầu của Nhật Bản. Hiện nay, Nguyễn Chí Nghĩa giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Aomori Chuo Gakuin, Nhật Bản.
- Ở Nhật, phụ huynh có thể tìm kiếm được những chiếc xe lăn cho con em bị khuyết tật. Những chiếc xe lăn này có rất nhiều dạng, phù hợp với kích cỡ cơ thể cũng như đặc điểm khuyết tật. Tuy nhiên, sau một thời gian các bé lớn lên, những chiếc xe này không còn dùng nữa thì gia đình tặng lại cho tổ chức Go! Fly! Wheelchairs; ở đây những chiếc xe sẽ được bảo trì bởi những tình nguyện viên. Thông qua những đơn vị hợp tác ở nước ngoài, tổ chức này thu thập thông tin về tình trạng khuyết tật của những em bé cần xe lăn để lựa chọn, điều chỉnh chiếc xe phù hợp rồi gửi tặng theo “đơn đặt hàng” qua những khách du lịch tình nguyện viên “xách tay”.
Tại Bình Định, hầu hết các trẻ em khuyết tật vận động đều ít có điều kiện tiếp cận với các phương tiện di chuyển phù hợp nên chất lượng sống bị hạn chế nhiều mặt. Có phương tiện di chuyển hợp chuẩn sẽ giúp các em có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống và chủ động hòa nhập cộng đồng.
* Anh đã có kế hoạch như thế nào để tiếp tục đưa nhiều xe lăn hợp chuẩn về với trẻ em khuyết tật Bình Định?
- Được thành lập cách đây 15 năm, tổ chức Go! Fly! Wheelchairs đã mang hơn 2.000 chiếc xe đến hơn 70 nước trên thế giới theo con đường hành lý “xách tay” của khách du lịch. Việt Nam hiện đang là nước nhận được nhiều xe lăn nhất thế giới, với gần 600 chiếc từ tổ chức từ thiện này, nhưng chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, Bình Định chưa có, nên tôi càng quyết tâm hơn. Rất may mắn và vui mừng là thông qua “Nhịp cầu nhân ái” Báo Bình Định, tôi có thêm người đồng hành để đưa nhiều xe lăn hơn về cho trẻ em khuyết tật Bình Định. Đó là, ông Phan Ngọc Dũng - Giám đốc Chi nhánh Vietravel Bình Định, tình nguyện sẽ chịu chi phí chuyển tiếp số xe lăn từ TP Hồ Chí Minh về Bình Định; ông Võ Đình Minh, Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật Hoàng Minh, tình nguyện hỗ trợ về khâu kỹ thuật xe lăn.
* Xin cảm ơn tiến sĩ!
Ngọc Diên (Thực hiện)