Tập trung chăm sóc , bảo vệ cây trồng vụ Ðông Xuân
Hiện nay, hầu hết các loại cây trồng vụ Ðông Xuân đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, đêm và sáng có nhiều sương, ngày nắng, độ ẩm không khí cao đã tạo điều kiện một số loại sâu bệnh phát sinh gây hại cây trồng.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, chuột đang phát sinh gây hại cục bộ trên cây lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh - làm đòng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh; bọ trĩ phát sinh gây hại lúa trà muộn giai đoạn đẻ nhánh ở các huyện Tuy Phước, Phù Cát, TX An Nhơn; bệnh đạo ôn gây hại lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh đến làm đòng ở các huyện Tây Sơn, Hoài Nhơn, Phù Cát, TX An Nhơn. Một số bệnh như khô vằn, vàng lá sinh lý phát sinh gây hại cục bộ trên lúa Đông Xuân.
Trên một số cây trồng khác, bệnh chết nhanh gây hại cây hồ tiêu giai đoạn từ ra hoa đến trái non ở Hoài Ân và Hoài Nhơn, với tỉ lệ bệnh từ 2-4%; bọ xít muỗi phát sinh gây hại 10 ha điều giai đoạn từ nảy chồi đến ra lộc ở Phù Cát, tỉ lệ từ 10-20%; bệnh lở cổ rễ phát sinh gây hại trên cây đậu phụng ở Phù Cát...
Ông Nguyễn Bá Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, Chi cục đã xây dựng kế hoạch chăm sóc và phòng chống một số đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại cây trồng trước, trong và sau Tết Mậu Tuất 2018. Đặc biệt chú ý, bệnh và lá sinh lý và bệnh đạo ôn có nguy cơ phát sinh gây hại nặng trên cây lúa giai đoạn từ làm đòng đến trỗ làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa sau này; các bệnh thán thư, sương mai phát sinh mạnh gây hại trên cây ớt giai đoạn ra hoa đến trái chín...
Để hạn chế tác hại của điều kiện thời tiết như hiện nay, đối với cây lúa giai đoạn đẻ nhánh cần bón bổ sung 2 kg DAP + 2 KCL/sào (tùy chân ruộng), kết hợp phun một trong các loại phân bón qua lá như: Bimazin, Orgamin, Komix, Kalihumat..., giữ mực nước ruộng 3-5 cm. Cây lúa giai đoạn từ đứng cái đến đòng, bón bổ sung 2-3 kg NPK 20-20-15/sào; phun bổ sung phân bón qua lá hoặc kích thích sinh trưởng như: KNO3, HK 7-5-44...; nếu lúa bị vàng và phục hồi chậm nên phun lại lần 2, cách lần 1 khoảng 5-6 ngày, giữ mực nước ruộng 5 - 10 cm.
Riêng đối với các loại cây trồng cạn (đậu phụng, ớt, bắp...), cây công nghiệp (hồ tiêu, điều...) cần bón phân cân đối, đúng liều lượng theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển nhằm tạo điều kiện cho cây khỏe và phòng bệnh.
ÐINH VĂN TOẠI