Sau Tết, giá cả hàng hóa bình ổn
Ghi nhận sáng 23.2 (mùng 8 tháng Giêng), giá các loại hàng hóa, sản phẩm tiêu dùng thiết yếu đã không “neo” giá tết như lo ngại và dự báo trước đó. Thậm chí, nhiều mặt hàng còn giảm sâu.
Giá rau xanh giảm, hải sản còn“đứng”
Nhu cầu tiêu dùng sau Tết chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như nhóm thực phẩm tươi sống, thủy hải sản. Rau - củ - quả là mặt hàng luôn có sức mua lớn, dễ xảy ra tình trạng khan hiếm, hoặc tăng giá đột biến sau Tết. Tuy nhiên, năm nay, mặt hàng này khá dồi dào về số lượng, giá giảm sâu.
Tại các chợ trên địa bàn Quy Nhơn sáng 23.2 như chợ Lớn, chợ Đầm, chợ Sân Bay, chợ Khu 6… giá các loại rau xanh dao động 12.000-15.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Thảo, chủ quầy la-ghim ở chợ Khu 6, lý giải: “Các nhà vườn trong tỉnh được mùa nên nguồn rau dồi dào, chưa kể lượng lớn từ Đà Lạt, Gia Lai đổ về nên giá các loại rau - củ - quả rẻ rề từ áp Tết đến nay. Đắt nhất trong Tết là khổ qua 38.000-40.000 đồng/kg thì nay cũng chỉ còn 12.000 đồng/kg”.
Sau đà tuột dốc kéo dài từ năm ngoái, bất chấp sức tiêu thụ tăng vọt dịp Tết, giá thịt heo vẫn không tăng bao nhiêu. Từ 20 Tết đến nay, ngoại trừ sườn non giá 110 ngàn đồng/kg, các loại thịt, giò đều duy trì 70.000 - 80.000 đồng/kg, nhích khoảng 5.000 đồng/kg so ngày thường. Giá thịt bò sau phiên tăng trước Tết nay đã giảm 30.000 đồng/kg, ổn định ở mức 220 ngàn đồng/kg thịt loại 1 và 170 ngàn đồng/kg bò bắp.
“Đứng” giá cao nhất là các loại hải sản. Cụ thể: mực lá giá 300 ngàn đồng/kg, mực ống 280 ngàn đồng/kg, mực nang 200 ngàn đồng/kg, cá bóp 220 ngàn đồng/kg, cá thu 300 ngàn đồng/kg, cá ngừ 90.000 đồng/kg; tôm đất 280-300 ngàn đồng/kg, tôm bạc 200 ngàn đồng/kg…
Theo các tiểu thương, chủ vựa hải sản, lượng đánh bắt ít, trong khi nhu cầu tăng cao, cung không đủ cầu. “Đặc biệt, lượng hải sản đóng thùng gửi xe đi Đà Nẵng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên rất nhiều. Có thể sau mùng 10 tháng Giêng giá hải sản mới trở lại bình thường” - chị Lê Thị Hương, chủ quầy hàng hải sản ở chợ Đầm, chia sẻ.
Tiếp tục bình ổn giá
Đến thời điểm này, các siêu thị, trung tâm thương mại đã hoạt động trở lại sau 1 tuần nghỉ Tết; trong khi đó, khởi động thị trường hàng hóa của các chợ truyền thống đã diễn ra ngay sáng 17.2 (mùng 2 Tết). Ông Trần Phúc Danh, Trưởng Ban quản lý chợ Đầm cho biết: “Hiện khoảng 70% gian hàng đã hoạt động trở lại; riêng ngành hàng thực phẩm tươi sống khá đầy đủ, nhưng sức mua chưa cao. Chợ trang bị cân đối chứng, công bố tên, số điện thoại tiểu thương để hỗ trợ người tiêu dùng”.
Theo các chủ DN, cơ sở kinh doanh, tiểu thương, có nhiều lý do để giải thích giá các sản phẩm, hàng hóa không “leo thang” như mọi năm. Bên cạnh công tác điều hành, quản lý, bình ổn thị trường, giá cả thì nguồn hàng cung ứng trên thị trường năm nay khá phong phú và cạnh tranh. Chương trình bình ổn giá một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được tỉnh triển khai tốt, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, đầu cơ gây đột biến về giá cả thị trường.
Theo ông Thái Lương Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sài Gòn Co.op Bình Định, tại các siêu thị co.opmart, lượng khách mua sắm tăng gấp 3 lần ngày thường và tăng 10% so với năm trước, nhưng nguồn hàng tại siêu thị vẫn đảm bảo phong phú, đa dạng chủng loại, ổn định giá.
Duy trì bình ổn giá đến tháng 3.2018
Chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 được UBND tỉnh phê duyệt cho 5 DN: Công ty TNHH MTV Sài Gòn Co.op Bình Ðịnh (Co.opmart Quy Nhơn, Co.opmart An Nhơn), Công ty TNHH TM-SX-XNK Anh Nhật và 3 Công ty CP Tổng hợp An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh duy trì đến tháng 3.2018. “Nhờ nguồn cung hàng hóa phong phú, dồi dào đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, nên giá cả tương đối ổn định, ít có sự biến động lớn” - Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thị Tuyết Mai nhận định.
MAI HOÀNG