Công tác xuất khẩu lao động: Tuyên truyền đến tận cơ sở
Phấn đấu cho mục tiêu đưa 600 lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2018, thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở LÐ-TB&XH) đã phối hợp với các DN và chính quyền địa phương thực hiện tuyên truyền về công tác xuất khẩu lao động đến các xã tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.
Hoạt động tuyên truyền được chia làm nhiều đợt, bắt đầu từ ngày 16.1 đến ngày 8.2 (nhằm ngày 23 tháng Chạp) và tiếp tục từ ngày 22.2 (tức mùng 7 Tết) đến ngày 28.3 tại 47 xã, thị trấn của 9 địa phương.
Truyền thông đến cơ sở
Ông Lê Văn Nghinh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, lý giải: “Sở dĩ, chúng tôi tập trung vào thời điểm trước và sau Tết vì đây là lúc người lao động về quê đón Tết, thích hợp để thông tin đến họ các chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ). Thực tế của các năm trước cho thấy, nhiều lao động trong dịp về quê đón Tết đã chọn ở lại, tìm hiểu về các chương trình giới thiệu việc làm, XKLĐ của tỉnh và mạnh dạn đăng ký học, chờ phỏng vấn thay vì tiếp tục vào các thành phố lớn tìm việc”.
Đầu tháng 3.2018, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tuyển dụng lao động trực tiếp tại Bình Định cho đơn hàng trang trí nội thất.
- Trong ảnh: Doanh nghiệp Nhật Bản trao đổi với người lao động Bình Định trước đợt phỏng vấn tuyển dụng trong năm 2017.
Nắm bắt được băn khoăn của người lao động và cán bộ tuyên truyền cấp cơ sở là chi phí đi XKLĐ quá cao, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tập trung vào 2 nội dung tuyên truyền: chính sách hỗ trợ tiền mặt, hỗ trợ vay vốn và các thị trường lao động phù hợp. Với chính sách hỗ trợ người lao động trong tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2017 - 2020 của UBND tỉnh, tất cả các đối tượng đều được hỗ trợ vay vốn XKLĐ. Theo đó, người lao động không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, hộ bị thu hồi đất, thân nhân người có công, bộ đội xuất ngũ vẫn được vay tín chấp tối đa không quá 80% chi phí hợp pháp ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài.
Ngay mùng 7, mùng 8 Tết, hoạt động tuyên truyền về XKLĐ đã thu hút một bộ phận người dân tại các xã Tây Giang, Tây Phú và Bình Nghi (huyện Tây Sơn). Phần lớn người dân tham gia các buổi tuyên truyền lại là cha mẹ, người thân của người lao động trong độ tuổi có thể tham gia XKLĐ.
Bà Đỗ Thị Nhung (63 tuổi, ở thôn Phú Thọ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn) cho hay: “Tôi có một đứa con trai út đang làm công nhân ở Sài Gòn. Tết này, cháu còn ham chơi nên không chịu đi nghe. Tôi hy vọng cháu thay đổi suy nghĩ, quyết tâm theo chương trình này để tích lũy được một số vốn làm ăn, lập gia đình sau này”.
Phát triển cộng tác viên
Với việc cung ứng khoảng 200 lao động đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan mỗi năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh coi trọng công tác “tạo nguồn” cho XKLĐ. Những năm qua, góp phần cho công tác tuyên truyền, vận động nhằm “tạo nguồn” cho XKLĐ là các cộng tác viên cơ sở của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Theo ông Phùng Ngọc Tích, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, thống kê năm 2017 cho thấy, có trên 40 lao động nhờ vào sự giới thiệu, tuyên truyền của các cộng tác viên mà tìm đến Trung tâm, vượt qua vòng phỏng vấn, đã xuất cảnh hoặc đang chờ ngày xuất cảnh.
“Đây không phải là con số quá lớn so với tổng số lao động đi làm việc tại nước ngoài năm qua nhưng cũng cho thấy vai trò của các cộng tác viên. Chính vì vậy, năm nay, chúng tôi tiếp tục kêu gọi cán bộ cấp thôn, xã và người dân tham gia làm cộng tác viên của Trung tâm. Trách nhiệm của cộng tác viên là tuyên truyền, tư vấn đúng về các nội dung, thông tin XKLĐ và không được phép thu bất kỳ khoản tiền nào của người lao động”, ông Tích cho biết thêm.
NGUYỄN MUỘI