Tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản: Nâng giá trị, phát triển bền vững
Năm 2018, ngành Nông nghiệp tỉnh cùng chính quyền các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản. Tỉnh đề ra mục tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp là 3%, trong đó lĩnh vực thủy sản tăng 6,6% so với năm 2017.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết: Để đảm bảo mục tiêu trên, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Với ngành nghề khai thác thủy sản (KTTS), hiện đại hóa đội tàu, giảm dần số tàu công suất nhỏ, đầu tư nâng công suất tàu cá, hiện đại hóa các trang thiết bị khai thác, bảo đảm an toàn hàng hải. Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm cá ngừ đại dương, phấn đấu đến năm 2020, sản lượng cá ngừ đạt 11.000 tấn/năm, giảm tổn thất sản phẩm dưới 10%. Về nuôi trồng thủy sản (NTTS), đẩy nhanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất con giống và nuôi tôm thương phẩm, nhằm tăng giá trị hàng hóa và bảo vệ môi trường. Bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của thủy sản vùng nước ven bờ, gắn với quản lý có hiệu quả các hoạt động KTTS bền vững, giữ gìn đa dạng sinh học.
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho hay: Ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo Quyết định 48/2010 và Nghị định 67/2014 của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đóng mới tàu cá, nâng cao năng lực khai thác, đảm bảo an toàn trên biển. Ðồng thời, thực hiện nghiêm Công văn số 9443/2015 của Bộ NN&PTNT về tăng cường quản lý hoạt động KTTS. Ưu tiên phát triển các nghề: Lưới vây, lưới rê, nghề câu, nghề chụp và dịch vụ hậu cần; khuyến khích các tàu cá làm nghề lưới kéo chuyển sang các nghề được ưu tiên phát triển. Tạm dừng việc đóng mới tàu cá làm nghề lưới kéo và việc cải hoán đối với các tàu từ nghề khác sang làm nghề lưới kéo. Củng cố và phát triển các mô hình tổ đội, hợp tác xã, liên kết chuỗi sản xuất - thu mua - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Ðẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong KTTS, bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch...
Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng sẽ nâng cấp các bến cá, cảng cá, chợ cá và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Hỗ trợ các cơ sở đóng tàu nâng cấp, mở rộng quy mô sản xuất. Xây dựng và nhân rộng các mô hình bảo vệ nguồn lợi, hệ sinh thái ven bờ gắn với phát triển sinh kế bền vững cho người dân để giảm dần cường lực KTTS ven bờ.
Ðối với hoạt động NTTS, tập trung phát triển nghề nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh, bán thâm canh. Tư vấn và hướng dẫn các DN đầu tư nuôi tôm công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường đã được tỉnh quy hoạch tại xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) và Cát Thành (Phù Cát). Hình thành một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, truy xuất nguồn gốc trong nuôi tôm. Duy trì ổn định diện tích nuôi tôm sú và nuôi xen canh với các loại cá hoặc nhuyễn thể trên vùng đầm…
PHẠM TIẾN SỸ