Nghề gốm ở Trà Quang Nam
Nghề làm gốm đất nung vốn khá phổ biến ở tỉnh Bình Ðịnh. Nhưng theo thời gian, do sự tác động của nhiều yếu tố, nghề này dần mai một. Dù vậy, ở làng gốm đất nung Trà Quang Nam, thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ, nhiều thợ gốm vẫn nỗ lực duy trì và phát huy nghề truyền thống này như gìn giữ một giá trị văn hóa.
Cùng với làng gốm Nhạn Tháp, Vân Sơn (An Nhơn) gốm Trà Quang Nam là làng gốm có từ lâu đời. Dù chưa được tỉnh công nhận làng nghề truyền thống, nhưng gốm Trà Quang Nam từ xa xưa đã có tiếng là tốt, đẹp, có thị trường tiêu thụ khắp nước. Điểm đáng mừng là nỗ lực của những người thợ gốm Trà Quang Nam đã được nhiều cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các trường học gần đó ghi nhận, chia sẻ.
Tìm lại giá trị truyền thống
Tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Bông (67 tuổi), một trong những gia đình còn giữ gìn nghề gốm ở Trà Quang Nam. “Gia đình tôi làm nghề đã hơn 80 năm, không ai trong gia đình tôi muốn nghề bị mai một. Trong làng cũng còn nhiều người có suy nghĩ tương tự nên tôi, anh Ngô Hải, chị Nguyễn Thị Đông và nhiều người làng, cùng bảo nhau, liên kết, chia sẻ với nhau để sản xuất, để giữ nghề”.
Ông Ngô Hải (62 tuổi) người làm gốm lâu năm trong làng, chia sẻ: “Gia đình tôi chuyên làm nghề lò trấu, nghề này ngó vậy nhưng cần tỉ mỉ, nhiều công. Đôi khi cũng muốn chuyển làm nghề khác, có nhiều tiền hơn. Nhưng theo nghề của cha ông đến giờ vẫn còn sống được. Mình mà bỏ nghề nữa thì chắc rồi cũng đến chỗ không còn ai biết Trà Quang Nam từng là làng gốm. Chỉ nghĩ như vậy thôi là ai cũng động viên nhau theo nghề!”.
“Trà Quang Nam vẫn chưa được công nhận làng nghề, nên việc tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó khăn. Huyện đang chuẩn bị đẩy mạnh đầu tư khôi phục và có những phương án bao tiêu, giúp gốm đất nung truyền thống của địa phương không bị mai một mà còn phát triển thêm. Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm những sản phẩm gốm mới, bởi cùng một công sức như nhau, nhưng nếu có những sản phẩm mỹ nghệ, lưu niệm, sản phẩm gốm trang trí với mẫu mã đẹp, chắc chắn trị giá sẽ vượt lên cao rất nhiều!”
Ông NGUYỄN THANH TOÀN, Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Phù Mỹ.
Cũng là gốm đất nung nhưng ở Trà Quang Nam có khác với mọi nơi một số điểm. Đầu tiên là xử lý nguyên liệu. Theo bà Ngô Thị Đông, đất sét lấy từ hố khai thác có nhiều mùn, nên rất mịn, màu hơi vàng sẫm. Đất nguyên liệu đưa về được phơi khô, sau đó lọc trong nước để loại bỏ tạp chất... Lúc trước thường phải lọc thủ công, nhưng gần đây, nhiều gia đình còn mạnh dạn đầu tư lắp đặt máy sàng lọc, nhờ đó chất lượng đất tốt hơn nhiều. Sau đó tạo hình sản phẩm trên bàn xoay, phơi khô và trồng lò (xếp vào lò nung) - những công đoạn này thì tương tự mọi nơi. Trồng lò là một công đoạn khó, cần những người thợ giàu kinh nghiệm, khéo léo và giỏi tính toán. Giàu kinh nghiệm để phân bố các nhóm sản phẩm sao cho hợp lý; cái nào nặng nhẹ, lớn bé, cái nào dày mỏng… thợ giỏi liếc qua là biết phải đặt để vị trí nào. Cho nên cùng một dung tích lò, thợ giỏi sẽ xếp được nhiều sản phẩm hơn, ít bể, vỡ hơn, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn.
Sản phẩm gốm Trà Quang Nam được tín nhiệm nhiều, đáng kể nhất là ấm sắc thuốc, niêu kho, lò trấu… Mấy năm gần đây, do xu hướng tìm lại những giá trị truyền thống, làng gốm Trà Quang Nam cũng hưởng lợi và đã chuyển mình khá mạnh, thị trường tiêu thụ được mở rộng. Ông Bùi Văn Đức, trưởng khu phố Trà Quang Nam, cho biết: “Sản phẩm của Trà Quang Nam rẻ, chất lượng lại tốt, nên nhiều nơi đã tìm đến đặt hàng. Nhờ vậy đời sống của người làm gốm cũng dễ chịu hơn”.
Cùng nhau giữ nghề
Tôi biết đến làng gốm Trà Quang Nam bắt đầu từ niềm vui của một số học sinh tiểu học, khi các em khoe rằng, “học ngoại khóa giống như đi du lịch”. Và quả thật, có lẽ hiếm làng nghề nào lại tạo ra mối liên kết, thu hút thú vị như Trà Quang Nam. Và cũng hiếm có trường học ở đâu lại hăng hái đưa học sinh dã ngoại, như kiểu mà một số trường ở thị trấn Phù Mỹ đã thực hiện hết sức sáng tạo.
Để nghề và làng nghề không bị mai một, để thế hệ kế cận hiểu nỗi trăn trở lớp thợ cha ông, việc gầy dựng hiểu biết, sự quan tâm nơi thanh thiếu niên là việc rất nên làm. Và thực tế cho thấy, với sự ủng hộ của chính quyền, ngành giáo dục huyện Phù Mỹ, bước đầu những người thợ ở làng gốm đã tìm thấy một niềm vui nơi các cháu học sinh khi giải thích về nghề, khi tập cho các cháu cùng làm gốm.
Khi thấy cô bé Chu Thị Diệu Lê (10 tuổi) biết phụ mẹ làm gốm, tôi bắt chuyện. Lê cười: “Lúc đầu con toàn làm bể, nhưng nhờ mẹ chỉ, con đã biết tạo hình, xếp sản phẩm để hong khô… Khi giúp mẹ con thấy vui và thích lắm!”. Cách đó không xa, chị Nguyễn Thị Ty đang hướng dẫn cho con trai là bé Phan Nhật Huy (11 tuổi) tạo hình sản phẩm. Chị nói: “Cả nhà tôi ai cũng làm nghề này, nên cũng muốn truyền dạy cho con mình hiểu, để sau này nếu không tìm được việc tốt, thì vẫn có nghề nuôi sống bản thân”.
Để giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, nhiều đơn vị ở địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đưa các em học sinh đến tham quan và thực hành làm gốm, điển hình là Trường Tiểu học số 2 thị trấn Phù Mỹ. Hội LHPN huyện cũng tổ chức tuyên truyền, dạy nghề nhằm giúp phụ nữ trong huyện có thêm nghề để tăng thu nhập và quan trọng hơn, là giữ gìn nghề truyền thống ở địa phương.
Ông Phan Thanh Huân, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phù Mỹ, cho biết: “Dù việc giữ gìn và phát huy nghề còn gặp nhiều khó khăn, nhưng huyện và thị trấn vẫn luôn nỗ lực vận động, tạo điều kiện cho bà con, nhằm đưa gốm đất Phù Mỹ phát triển lên những tầng nấc giá trị mới!”.
ÐẶNG VIỆT - KIM THANH