Quy Nhơn, những đêm xuân và hội đánh bài chòi…
Tối 23 và 24.2 (nhằm mùng 8 và 9 tháng Giêng), Hội thi Diễn xướng bài chòi dân gian TP Quy Nhơn lần thứ 6 đã tưng bừng diễn ra, với sự tham gia của 10 xã, phường trên địa bàn. Trong tiết xuân phơi phới đất trời và lòng người, khán giả hào hứng mua thẻ, thượng chòi, hiệu phấn chấn hô hát mãi như không muốn dừng hội… Hiện diện quen thuộc đã 6 mùa Tết, có thể nói, hội đánh bài chòi đã là một phần của Tết Quy Nhơn, vào những đêm xuân tháng Giêng vui tươi, an lành…
Đến hẹn…
Cũng như 5 lần tổ chức trước, Hội thi Diễn xướng bài chòi dân gian TP Quy Nhơn lần thứ 6 - 2018 là một chương trình nằm trong hoạt động chung có tên Hội đánh bài chòi dân gian phục vụ nhân dân, du khách vui Tết cổ truyền, do Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn tổ chức. Đây là hoạt động văn hóa cổ truyền điểm nhấn trong và sau dịp Tết mà Trung tâm này xác định duy trì lâu dài, hướng đến nhiều mục đích: góp phần quảng bá di sản bài chòi, tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn cho Quy Nhơn trong dịp Tết, phục vụ nhân dân vui Xuân, tạo điều kiện thực hành trình diễn di sản cho đội ngũ nghệ nhân địa phương.
Năm nay, hoạt động diễn ra suốt các đêm từ mùng 2 đến 11 tháng Giêng. Riêng hội thi (trong 2 đêm) có 10 xã, phường tham gia, là những địa phương tổ chức khá tốt phong trào bài chòi, gồm: Nhơn Hải, Nhơn Châu, Ngô Mây, Quang Trung, Trần Phú, Trần Hưng Đạo (thi đêm mùng 8) và Nhơn Bình, Nhơn Phú, Nguyễn Văn Cừ, Bùi Thị Xuân (mùng 9).
Phường Ngô Mây tham gia Hội thi với tất cả 4 hiệu đều là nữ.
Với hình thức là tổ chức hội đánh bài chòi, do vậy nội dung giữa hoạt động chung và hội thi là hoàn toàn giống nhau. Khác chăng ở chỗ, 2 đêm hội thi thì di sản - hội đánh bài chòi được diễn xướng, tổ chức chơi bởi đội ngũ nghệ nhân ở 10 xã, phường tham gia và tất nhiên, có ban giám khảo; 8 đêm còn lại do lực lượng hiệu là cán bộ, cộng tác viên của Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn diễn xướng.
Có lẽ, hội đánh bài chòi đang diễn ra ở Quy Nhơn, đêm nào thi, đêm nào không thi, thứ tự thi theo bốc thăm… là chuyện của… ban tổ chức và 10 địa phương tham gia; còn khán giả, du khách chỉ quan tâm mỗi việc: thưởng thức di sản, hòa mình vào hội! Mặc dầu Quy Nhơn những năm nay vẫn duy trì tổ chức thường xuyên hội đánh bài chòi vào cuối tuần, nhưng có chứng kiến cảnh chơi bài chòi dịp Tết cổ truyền, mới cảm nhận hết ý nghĩa, giá trị của sự hồi sinh di sản này.
Phần diễn xướng dài và ăn ý, dí dỏm của các hiệu phường Quang Trung được khán giả thích thú.
Rộn rã hội, ấm áp tình
Mùa cao điểm diễn xướng bài chòi Tết Mậu Tuất 2018 này ở Quy Nhơn, hội đánh bài chòi dân gian Bình Định luôn ở trong tình trạng khách “đặt cọc” mua thẻ để lên chòi. Nghĩa là hội này hiệu vẫn đang hô thai, chưa biết lúc nào “tới” song khán giả đã giục ban tổ chức bán thẻ mới. Theo Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn, đây là năm đầu tiên đơn vị phát hành chơi một hội mà nhiều thẻ (thẻ sơn màu xanh, sơn đỏ và để nguyên màu gỗ, không sơn) để đảm bảo nhiều người có thể tham gia. Khách mua thẻ nào cũng muốn trải nghiệm cảm giác thượng chòi nhưng chòi không đủ chỗ cho cả 2 - 3 tốp khách (của 2 - 3 loại thẻ), nhiều người vui vẻ tình nguyện chơi dưới đất hoặc “chia sẻ”, nhường vị trí cho nhau.
Ban tổ chức lẫn khán giả chộn rộn, các hiệu cũng “trăn trở” chẳng kém. Bởi theo họ, với đặc điểm một hội thi và những dịp đông khán giả, nhất là khán giả ngoài tỉnh như thế này, rất nên xen kẽ hô thai bằng bài chòi kể, bài chòi lớp để ban giám khảo có thể đánh giá khả năng mỗi hiệu, cũng là cách khẳng định bề dày chuyên môn của bài chòi Bình Định. Song hô như vậy thì thời gian mỗi hội dài, nhiều người mất cơ hội chơi. Do vậy, các hiệu đã “họp nhanh” và thống nhất, động viên nhau chịu khó sao cho hiệu hội sau hô thai khác với hiệu hội trước, cố gắng giới thiệu càng nhiều câu thai hay, mới, dí dỏm, phù hợp không khí minh niên vui vẻ đến với khán giả. Đồng thời tăng cường ứng diễn, đối đáp giữa các hiệu để thêm sôi nổi cho những hội chơi… Có thể thấy, ở mọi khâu, chương trình đã cho thấy tinh thần linh hoạt phục vụ, trách nhiệm, nhiệt huyết vì di sản.
Một góc hội đánh bài chòi lần 6 - 2018 do Trung tâm VH-TT&TT Quy Nhơn tổ chức.
Bên cạnh đó, chính khán giả cũng góp phần lớn làm cho hội đánh bài chòi thêm rộn rã, ý nghĩa. Những chiếc mõ tre, thẻ bài, sanh sứa để tại 9 chòi đều được người chơi phát huy hết công suất, như hòa theo, cổ vũ tiếng hô, hát của các anh, chị hiệu bên dưới; đặc biệt là ở phần diễn xướng rất ăn rơ, dí dỏm của cặp đôi hiệu Minh Tuấn - Kim Thơ của phường Quang Trung. Những tiếng ồ, tràng cười, vỗ tay tiếc nuối, vui vẻ, sảng khoái… đủ các cung bậc, sắc thái khi thẻ bài mình được gọi tên hay hụt, khi “tới” - kết thúc hội… cứ rộn vang ở mỗi chòi. Người ở 2 chòi cạnh nhau cùng choài người ra bắt tay để chúc mừng, “chia buồn”, chào nhau... Và đặc biệt, mỗi khi hiệu dâng thưởng - dâng rượu mừng, tiền thưởng, hát lời chúc xuân - nét mặt ai cũng xúc động đón nhận. Tôi để ý, đêm hội này, mọi cuộc dâng thưởng, khi hiệu hát “xin mời quan khách uống ly rượu Bầu Đá quê hương…”, kể cả nữ, đều bưng bằng hai tay và dốc cạn. Có lẽ, thông qua rượu, giữa họ đã mời nhau, giao cảm bằng ánh mắt và đón nhận, uống tình nghĩa quê hương, đồng bào!
Kết quả Hội thi Diễn xướng bài chòi dân gian TP Quy Nhơn lần thứ 6 - Tết Mậu Tuất 2018 sẽ được công bố, trao giải vào ngày 2.3 (Rằm tháng Giêng).
SAO LY