Ký ức không thể ngủ yên
46 năm đã trôi qua, nhưng trận “tắm máu” ở Trạm Phẫu Huyện đội Hoài Nhơn giữa núi Chóp Chài (thôn Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ) vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những người ở lại. Nơi ấy hôm nay rực rỡ cờ, thắm tươi hoa, để nhắc nhớ về một trang sử bi tráng.
Trạm Phẫu Huyện đội Hoài Nhơn được thành lập ngày 20.11.1971 tại núi Chóp Chài, để kịp thời cứu chữa thương binh bị thương ở phía Đông QL 1A. Lúc mới thành lập, Trạm chỉ có 8 người, do y sĩ Lý Văn Thông làm Trưởng trạm. Cuối tháng 12.1971, Trạm được bổ sung thêm 10 người, đáp ứng yêu cầu điều trị thương binh ở chiến trường Hoài Nhơn, Phù Mỹ và cả nam Quảng Ngãi.
Xúc động tưởng nhớ đồng đội cũ.
Ngày bi tráng trên núi Chóp Chài
Biến cố xảy ra giữa lúc hoạt động của Trạm Phẫu ngày càng hiệu quả, toàn quân và dân tham gia tổng tiến công chiến lược Xuân - Hè năm 1972 để giải phóng huyện Hoài Nhơn. Ngày 24.2.1972, nhận được tin địch chuẩn bị càn, từng người ở Trạm Phẫu khẩn trương đưa thương binh xuống hầm bí mật. Nhưng tất cả không thể ngờ rằng, theo chỉ dẫn của một người từng tham gia quá trình làm hầm tên Giới (ở xã Hoài Thanh, đã bị Mỹ - ngụy chiêu hồi), địch đến chính xác từng căn hầm, thả mìn, lựu đạn qua từng cửa hầm, từng lỗ thông gió, giết hại 13 người. Hôm sau, chúng quần đảo lại chỗ cũ, lục từng căn hầm. Phát hiện 4 nữ y tá, cấp dưỡng còn sống, chúng lôi các chị lên, giở trò thú tính trước khi xả súng.
Lúc trận càn đầu tiên bắt đầu, trong căn hầm mà ông Nguyễn Hồng Sinh (ở xã Tam Quan Nam) nấp có 5 người, ông nhỏ người nhất nên nằm trong cùng, chỉ bị thương nặng. Kiểm tra kỹ thấy chẳng còn ai sống sót, ông cố lết người tìm nơi có không khí. “Ngày hôm sau, địch quay trở lại, tôi phải giả chết. Trước khi rút, chúng còn lột chiếc nhẫn và đồng hồ của tôi. Song, đau đớn nhất là nhìn quanh toàn thi thể đồng đội chẳng còn lành lặn”, ông Sinh bồi hồi kể.
Còn sống sót qua 2 trận càn cùng ông Sinh là 4 chị nấp trong căn hầm hỏng, địch không nghi ngờ nên bỏ qua. Trong số này có chị Trần Thị Thúy Vân (hiện ở xã Tam Quan Bắc), lúc ấy mới 17 tuổi, được đưa vào trạm để đào tạo thành y tá. “Suốt cả tuần lễ, chúng tôi phải nằm dưới hầm, đến nước tiểu cũng không còn để uống cầm cự. Đến ngày thứ 7 mới mở nắp hầm bò ra ngoài, men núi về Lộ Diêu tìm gặp đồng đội”, chị Vân rùng mình nhớ lại.
Những người còn sống sót qua trận càn tháng 2.1972 trong ngày gặp mặt.
Tưởng nhớ và tri ân
Nhiều năm sau Giải phóng, năm 1998, hài cốt những người nằm xuống mới được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ. Ông Phạm Văn Chu (ở xã Hoài Mỹ) là một trong những người trực tiếp thực hiện. “Anh trai Phạm Văn Khanh của tôi cũng hy sinh ở đây. Thật sự ai cũng mong mỏi đưa các anh chị về gần gia đình”, ông Chu tâm sự.
Sau đó, huyện Hoài Nhơn tổ chức xây dựng hơn 3 km đường đèo đến Trạm Phẫu và nhà bia tưởng niệm, với tổng kinh phí trên 1,3 tỉ đồng. Đồng thời, xúc tiến làm hồ sơ đề nghị công nhận di tích lịch sử đối với Trạm Phẫu. 46 năm trước, nguyên Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Quý còn công tác ở Huyện đội Hoài Nhơn. Nhắc đến các vụ thảm sát ở Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Truông Bồn (Nghệ An), ông Quý bảo không có ý so sánh, “nhưng sự kiện xảy ra ở Trạm Phẫu phải được tưởng nhớ và tôn vinh thật xứng đáng”.
Ngày 24.2 vừa qua, tại Lễ kỷ niệm 46 năm xảy ra cuộc thảm sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đã trao Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh cho Di tích lịch sử Trạm Phẫu Huyện đội Hoài Nhơn cho lãnh đạo huyện Hoài Nhơn. “Các anh các chị thật sự không bị lãng quên. Song, tôi cũng mong sẽ có bia ở từng cửa hầm, ghi tên những người đã hy sinh ở đó, để con cháu sau này dễ tìm kiếm. 5 trong số 17 người hy sinh vẫn chưa xác định danh tính, đó cũng là niềm chưa yên của chúng tôi”, ông Nguyễn Hồng Sinh xúc động nói.
* * *
Dưới chân núi Chóp Chài là hồ Cây Khế mênh mang xanh. Từ đây, tôi đi 2 vòng lên - xuống đường đèo, để phần nào trải nghiệm sự gian khổ của thế hệ cha anh. Chỉ một phần nhỏ, bởi con đường hôm nay đã được mở rộng, quang đãng, ít dốc. Đã 91 tuổi, cụ Lê Văn Thinh (ở thôn Khánh Trạch) vừa leo núi vừa thở, nhưng “tôi là bộ đội tập kết về, phải đi để đốt cây nhang cho đồng đội”. Còn bà Bùi Thị Chung (66 tuổi, ở thôn Xuân Vinh), 3 năm qua, đều đặn các dịp 30.4, 27.7… lại hòa vào dòng người vượt núi, trèo qua 316 bậc thang lên Trạm Phẫu hương khói. “Tôi hay cúng cơm nắm, thứ ngày xưa tiếp tế cho mọi người trên này”, bà chia sẻ.
17 cây nến cháy sáng. 17 cây nhang rực đỏ. Mâm cúng hôm ấy có hột vịt lộn, bánh đúc - đặc sản đất Hoài Mỹ. Cứ như thế, các anh chị vẫn đâu đây, trong lòng mỗi người…
Trong tương lai gần, UBND huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn của tỉnh xây dựng Trạm Phẫu thành một địa chỉ đỏ, điểm tham quan du lịch về nguồn hấp dẫn gắn với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Xuân Vinh. Ðây cũng là nơi giáo dục sinh động về truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”.
Ông TRƯƠNG ĐỀ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn
NGUYỄN VĂN TRANG