Xã Phước Quang (huyện Tuy Phước): Trại chăn nuôi gây ô nhiễm
Mùi hôi thối từ phân chuồng, nước thải chăn nuôi heo, gà phát tán từ một số trang trại chăn nuôi ở đội 14, thôn Quảng Ðiền, xã Phước Quang (huyện Tuy Phước) khiến hàng chục hộ dân địa phương bức xúc phản ứng. Thế nhưng, chính quyền địa phương lại không nắm bắt kịp thời tình hình và có hướng giải quyết, khiến bà con bất bình.
Gửi đơn tới Báo Bình Định, ông Hồ Văn Trí ở đội 14, thôn Quảng Điền, phản ánh cạnh nhà ông có 2 hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại. Một hộ nuôi gà và heo, một hộ nuôi heo với quy mô lớn, nhưng không xây dựng hầm biogas xử lý nước thải. Vì thế, nước thải từ trang trại chảy tràn lan ra ngoài đường, khiến hôi thối cả vùng, gây bức xúc cho người dân ở đây. Ông Trí đã làm đơn khiếu nại, gởi tới UBND xã Phước Quang nhưng chưa được chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm.
Theo đơn phản ánh, sáng 26.2, PV báo Bình Định đã về tìm hiểu sự việc. Ông Trí bức xúc: “Tôi quyết định viết đơn kiến nghị gởi UBND xã, cơ quan báo, đài kêu cứu về tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây vì không thể chịu đựng được nữa. Gần chục năm nay, không chỉ gia đình tôi, mà nhiều hộ dân có nhà lân cận trang trại của ông Trần Văn Hải (hộ nuôi cả gà và heo) và Trần Văn Giáo (hộ nuôi heo) phải “gồng mình” sống trong ô nhiễm. Vì tình làng nghĩa xóm, bà con đã góp ý rất nhiều lần và yêu cầu 2 hộ này xây dựng hệ thống xử lý nước thải để hạn chế mùi hôi phát tán, đảm bảo môi trường sống cho người dân xung quanh. Thế nhưng, 2 hộ này không những không chấp hành, mà còn lên tiếng thách thức”.
Chung nỗi niềm, ông Lê Văn Tám, ở cạnh nhà ông Trí, cũng lên tiếng: “Cả xóm phải sống trong cảnh ô nhiễm khủng khiếp này. Thậm chí, đi ngủ trùm mền kín cả mặt mà vẫn cảm thấy mùi hôi. Tôi cũng mong chính quyền địa phương sớm vào cuộc kiểm tra, yêu cầu các hộ chăn nuôi này phải khắc phục dứt điểm mùi hôi thối, hoặc phải di dời các trang trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư để đảm bảo vệ sinh môi trường”.
Ông Trần Đình Lũy, Trưởng thôn Quảng Điền, thừa nhận tình trạng người dân chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường đã ở mức báo động: “Tôi được biết, hộ ông Trần Văn Hải vừa nuôi heo, vừa nuôi gà, nhưng không xây dựng hệ thống xử lý nước thải, không có bể biogas. Do vậy, nước thải từ phân heo, gà đều xả trực tiếp ra ngoài. Hộ ông Trần Văn Giáo nuôi heo, nhưng không có biện pháp ngăn mùi, khiến mùi hôi phát tán, ảnh hưởng tới đời sống của 80 hộ dân nơi đây. Hiện tượng này còn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng mạch nước ngầm. Song, thôn không có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính mà việc này cần phải có sự vào cuộc của UBND xã Phước Quang và đơn vị chức năng liên quan”.
Sáng 26.2, trao đổi về vấn đề trên với PV báo Bình Định, ông Lê Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Phước Quang, tỏ ra bất ngờ và cho biết ông chưa nhận được phản ánh nào của người dân, cũng chưa nghe thôn báo cáo và đề nghị PV xuống cơ sở để nắm bắt (!?). Tuy nhiên, sau khi PV trao đổi thêm thông tin về mức độ ô nhiễm tại đây, ông Hạnh mới bắt đầu “cầu thị”. Ông Hạnh nói: “Tôi biết các hộ này có chăn nuôi, nhưng nhỏ lẻ. Xã cũng không thể cấm họ chăn nuôi. Nhưng, chăn nuôi mà để gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới khu dân cư là không chấp nhận được. Tôi sẽ cử cán bộ xuống kiểm tra, nắm bắt để có hướng chấn chỉnh kịp thời”.
TRỌNG LỢI