Nâng chuẩn đầu vào sư phạm: Sẽ khó tuyển được thí sinh giỏi?
Với quy định mới của Bộ GD-ĐT, nếu không có các giải pháp đi kèm thì các trường cũng sẽ khó thu hút được sinh viên giỏi vào học.
Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2018 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố để xin ý kiến dư luận, dự kiến từ năm 2018 chỉ xác định điểm sàn đối với ngành sư phạm, những ngành khác do trường tự xác định.
Với quy định mới của Bộ GD & ĐT, nếu không có các giải pháp đi kèm thì các trường cũng sẽ khó thu hút được sinh viên giỏi vào học.
Nếu xét tuyển dựa vào kết quả học tập trung học phổ thông, học sinh phải xếp loại học lực từ giỏi trở lên mới đủ điều kiện xét tuyển vào ngành sư phạm. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT cần quan tâm đến các chính sách ưu đãi để thu hút thí sinh giỏi vào sư phạm.
Dự thảo của Bộ GD-ĐT quy định, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập trung học phổ thông đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên ở trình độ đại học thì học sinh phải xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên; còn trình độ cao đẳng, trung cấp thì xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên.
Thực tế hiện nay, ngành sư phạm không còn là ngành “hot” thu hút được nhiều học sinh giỏi như trước đây vì nhiều lý do, trong đó có lý so sinh viên ra trường khó tìm việc làm.
Đại diện một số trường đại học cho rằng, quy đinh này sẽ giúp nâng cao chất lượng đầu vào sư phạm tốt hơn nhiều. Khi “đầu vào” tốt sẽ là cơ sở thuận lợi để các trường nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, đồng thời giải quyết được một số bức xúc của xã hội.
Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) thì cần cân nhắc đến việc học sinh giỏi có mong muốn vào ngành sư phạm hay không.
“Tôi cho đây là sự lựa chọn tốt, nhưng chúng ta cũng phải đặt lại vấn đề là: một là các em học giỏi vậy thì các em có năng khiếu vào sư phạm không, có nguyện vọng để làm giáo viên không. Thứ 2 là lấy sức hút nào của trường sư phạm hiện nay để thu hút những người có tài năng, nhân tài vào ngành sư phạm. Phải sắp xếp công ăn việc làm, chế độ đãi ngộ, học bổng cho các em và sự cam kết thì tự nhiên học sinh giỏi sẽ đổ xô vào ngành sư phạm”, TS Hoàng Ngọc Vinh cho hay.
Thực tế hiện nay, ngành sư phạm không còn là ngành “hot” thu hút được nhiều học sinh giỏi như trước đây vì nhiều lý do, trong đó có lý do sinh viên ra trường khó tìm việc làm. Học sinh không mặn mà với ngành sư phạm, nên mấy năm gần đây, nhiều trường sư phạm xét tuyển ở mức điểm thấp cho đủ chỉ tiêu khiến xã hội lo ngại về chất lượng giáo viên khi những lứa sinh viên có điểm xét tuyển thấp tốt nghiệp.
Quy định của Bộ GD-ĐT về siết chặt điều kiện “đầu vào” cũng chính là điều mà xã hội mong muốn, nhưng nếu không có các giải pháp đi kèm thì các trường cũng khó thu hút được sinh viên giỏi.
“Chất lượng ở đầu ra phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó phụ thuộc vào chất lượng đầu vào, quá trình đào tạo và phụ thuộc vào toàn bộ hoạt động liên quan đến việc làm. Hiện nay, đối với sinh viên sư phạm thì lo ngại hơn là đầu ra của các em. Năm nay sư phạm sẽ là khó khó khăn nếu như không giải quyết được đồng bộ bài toán đầu ra”, ông Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội nói.
Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, để tuyển được người giỏi vào ngành sư phạm thì cần nhiều giải pháp chứ không chỉ là việc nâng chuẩn “đầu vào”:
“Chúng ta cứ loay hoay bàn điểm sàn, bàn đích đến, nhưng điều kiện để đến với nó thì không có thì làm sao mà dẫn luồng được. Học sinh ra trường vẫn thất nghiệp, với đồng lương ít ỏi như thế không kiếm sống được. Trong nền kinh tế thị trường thì người ta phải đến những nơi nào có điều kiện phát triển. Tôi không băn khoăn điểm sàn bằng những điều kiện để cho các trường sư phạm có thể tuyển được sinh viên giỏi. Ngành giáo dục muốn có sinh viên giỏi thì phải có chính sách”, TS Nguyễn Tùng Lâm phân tích.
Chính sách có thể thu hút được sinh viên giỏi vào sư phạm đó chính là cơ hội việc làm và chính sách đãi ngộ khi làm việc. Chỉ khi nào sinh viên ngành sư phạm được thụ hưởng chính sách đãi ngộ hấp dẫn và cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp thì lúc đó sẽ thu hút được người giỏi.
Nếu vẫn còn tình trạng cử nhân sư phạm ra trường thậm chí thủ khoa thất nghiệp như hiện nay thì việc đặt ra tiêu chuẩn học sinh giỏi vào ngành sư phạm sẽ dẫn đến các trường không tuyển đủ chỉ tiêu./.
Theo Minh Hường (VOV1)