Sức hút từ các nghề trọng điểm quốc tế
Có từ 20 đến 25 học viên/lớp, song cả 3 lớp nghề trọng điểm quốc tế tại hai trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn và Cao đẳng Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ lại khá đa dạng học viên về độ tuổi, trình độ chuyên môn. Từ đặc điểm này, có thể thấy được sức hút của các lớp nghề quốc tế trong giai đoạn thí điểm, để lại nhiều câu chuyện đáng suy ngẫm về lựa chọn của tuổi trẻ.
Sinh viên nghề công nghệ sinh học quốc tế trong các tiết thực hành tại phòng thí nghiệm.
Bỏ ngang công việc để... học nghề
Anh Nguyễn Đình Thạch (30 tuổi, quê ở tỉnh Hải Dương) làm người nhà và bạn bè bất ngờ bởi quyết định bỏ công việc hiện tại trong lĩnh vực ngân hàng để đi học cao đẳng nghề công nghệ sinh học trình độ quốc tế (Trường Cao đẳng Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ).
“Không có sự ủng hộ nào dành cho tôi cả. Vì gia đình cho rằng: đây là thời điểm tôi phải ổn định, lấy vợ sinh con. Nhưng tôi nghĩ khác. Tôi tin rằng, đây là cơ hội để mình thay đổi, theo đuổi điều bản thân thấy yêu thích, say mê. Tôi thích công nghệ sinh học mà lớp trình độ quốc tế về nghề này chỉ thí điểm tại trường nghề ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng) và TP Quy Nhơn. Và tôi chọn thành phố biển Quy Nhơn để bắt đầu”, anh Thạch trò chuyện.
Không phải bỏ ngang, đưa mình trở lại vị trí xuất phát tại một môi trường hoàn toàn mới như anh Thạch, nhiều sinh viên khác của các lớp nghề quốc tế đang lựa chọn phương án vừa làm vừa học.
Anh P.V.T (33 tuổi, ở TP Quy Nhơn - đề nghị giấu tên), sinh viên của lớp cơ điện tử quốc tế (Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn) hiện là chủ của một cơ sở trong lĩnh vực cơ khí, điện tử. Chuyện tự học, cập nhật kiến thức mới để nâng cao trình độ, chất lượng sản phẩm phục vụ khách hàng, anh T thực hiện thường xuyên. Thế nhưng, quyết định đăng ký học tập theo một chương trình bài bản, chạy theo các tiêu chí đánh giá của gói đào tạo lại làm một thợ lành nghề như anh suy nghĩ khá nhiều. “Cuối cùng, tôi đã nộp hồ sơ đăng ký học. Cảm giác như quay trở lại tuổi đôi mươi”, anh T thổ lộ.
Theo ông Trần Hữu Huy, giáo viên chủ nhiệm của lớp cao đẳng cơ điện tử trình độ quốc tế của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, hầu hết sinh viên đều là những người đã tốt nghiệp hoặc đã đi làm trong cùng lĩnh vực hoặc thậm chí khác lĩnh vực. Một phần nhỏ khác là các sinh viên đang theo học năm 2 hoặc năm 3 tại các trường khác. Số sinh viên là học sinh vừa tốt nghiệp cấp 3 rất ít.
Ông Huy cho biết: “Việc lớp học sở hữu những sinh viên ở nhiều độ tuổi, ngành nghề khác nhau đem đến nhiều điểm thú vị. Tuy nhiên, vì có chung quyết tâm, lại biết rõ mình cần gì, muốn gì nên các bạn rất nỗ lực, phấn đấu. Ví dụ như trong đợt thi tiếng Anh vừa qua, 100% sinh viên của lớp đạt chuẩn B1, đặc biệt, một sinh viên đã đạt trình độ B2”.
Sức hút ở chương trình đào tạo
Rõ ràng sức hút của một khóa đào tạo với 2 tấm bằng - một của trường nghề và một của Học viện Chisholm (Australia), được công nhận tại nhiều nước trên thế giới - các lớp cao đẳng nghề trình độ quốc tế trên địa bàn tỉnh thu hút một lượng lớn học viên, ngay cả những người đã lành nghề hoặc đang làm việc ở lĩnh vực khác.
Với các sinh viên trẻ, tấm bằng tăng cơ hội nghề nghiệp trên phạm vi khu vực trong thời điểm khó tìm việc. Với những người đang làm nghề, uy tín của họ đối với khách hàng cũng được nâng lên. Tuy nhiên, không chỉ là chuyện giá trị tấm bằng, hầu hết các sinh viên đều thể hiện sự tâm đắc của họ đối với chương trình đào tạo hiện đại, thiên về thực hành.
Sinh viên Trần Mỹ Nghệ (23 tuổi, vừa tốt nghiệp ngành Sư phạm Hóa, Trường ĐH Quy Nhơn) quyết định theo đuổi chương trình đào tạo công nghệ sinh học được chuyển giao từ Học viện Chisholm. Tự nhận mình có nhiều công trình nghiên cứu khoa học, sáng tạo đạt giải cấp trường, cấp quốc gia, cũng đã có dự định đi tìm việc sau tốt nghiệp, song khi được biết về chương trình đào tạo này, anh lập tức dao động. Mất 5 tháng liền để suy nghĩ trước khi nộp đơn xin nhập học, đến nay, Nghệ và gia đình đều cho rằng đây là lựa chọn sáng suốt.
“Các kỹ năng làm việc ở phòng thí nghiệm, tôi đã được trải nghiệm trong thời gian học Đại học nhưng trong các tiết chuyên ngành tại Trường Cao đẳng Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ, tôi vẫn đặc biệt ấn tượng với cơ sở vật chất và các bộ thiết bị được đầu tư hiện đại, cách thức đào tạo đảm bảo cho mỗi sinh viên đều được thực hành và thành thục kỹ năng. Đây cũng là cơ hội để tôi tiếp cận với các thang đo, tiêu chí đánh giá của nước ngoài, từ đó giúp mình tự tin hơn”, Nghệ trao đổi.
NGUYỄN MUỘI