Nhộn nhịp mùa đót ở An Lão
Cứ mỗi độ xuân về, cây đót lại trổ bông trắng sườn đồi vùng cao An Lão, đó cũng là lúc mùa đót vào vụ. Ðót như một thứ “lộc của rừng” mang lại một khoản thu nhập khá cho người dân nơi đây.
Sau Tết Nguyên đán, người dân các xã An Dũng, An Vinh, An Trung… lại tất bật lên rừng thu hái đót. Theo người dân ở đây thì đót là loại cây được rừng núi ban tặng, không phải chăm sóc, cứ tới mùa là thu hái, bán cho thương lái. Tuy là công việc thời vụ nhưng bông đót lại cho thu nhập khá. Vì vậy vào mùa hoa đót, người dân các xã miền núi này vào rừng thu hái, mua bán, tạo nên không khí rất nhộn nhịp.
Người dân sau khi thu hoạch đót về phơi khô và bó thành từng cây chổi để bán.
Công việc đi hái bông đót cũng vô cùng khó khăn, vất vả, bởi đót nơi đây mọc thành từng lùm ở nơi có độ dốc cao. Muốn bứt đót phải dùng hai chân trụ vững ở dốc núi, một tay bám víu, một tay hái. Những bàn tay rớm máu vì bị lá đót cứa là chuyện bình thường. Gặp những bụi đót già, “phấn hoa” của đót bám vào người, gây ngứa ngoài da. Đó là chưa kể đến việc bị tấn công bất ngờ bởi các loại côn trùng như ong, muỗi...
Chị Đinh Thị Hé, ở thôn 1, xã An Dũng, chia sẻ: “Gia đình tôi không có nhiều nương rẫy nên nhờ cây đót cũng có thêm tiền. Có lúc giá cao, lúc giá thấp nhưng ngày nào chúng tôi cũng đi, nhờ vậy mà có thêm khoản thu nhập để lo cho con cái ăn học”. Còn anh Đinh Văn Nghôn, ở thôn 4, xã An Dũng, cho hay: “Mọi năm thời tiết tốt, đót mọc nhiều lắm, năm nay do mưa nhiều nên đót mọc ít hơn và phải đi xa hơn mới có”.
Về An Lão trong những ngày này đều nhận thấy trong nhà, ngoài sân và cả trên nương rẫy từng bó đót được người dân hái đưa về, phơi vàng mọi nẻo đường. Hiện giá đót tươi dao động từ 4.000-6.000 đồng/kg, đót khô vào khoảng 10.000 đồng/kg. Trung bình một ngày, một người dân có thể thu hoạch được 20-30 kg đót để bán cho thương lái nên có thêm nguồn thu nhập đáng kể.
DIỆP THỊ DIỆU