Lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đưa ra tiêu chuẩn với giảng viên sư phạm
Hằng năm, giảng viên sư phạm phải tự đánh giá độ đạt chuẩn theo 18 tiêu chí. Hội đồng của trường sẽ xét duyệt ba năm một lần.
Ngày 26.2, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Thông tư quy định chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm áp dụng với giảng viên các trường đại học, cao đẳng sư phạm và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ngoài các tiêu chí về một giảng viên sư phạm "chuẩn", thông tư này còn đưa ra quy trình đánh giá, xếp loại.
Theo dự thảo, giảng viên sư phạm phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn với 18 tiêu chí. Ảnh minh họa: Mạnh Tùng
Phải công bố kết quả nghiên cứu, biết sử dụng ngoại ngữ trong giảng dạy
Theo dự thảo, giảng viên sư phạm phải đáp ứng năm tiêu chuẩn về phẩm chất nghề nghiệp; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; năng lực nghiên cứu khoa học và năng lực phát triển quan hệ xã hội.
Về phẩm chất nghề nghiệp, giảng viên cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống và cách ứng xử chuẩn mực, được đồng nghiệp, người học và cộng đồng tin cậy, yêu mến, kính trọng.
Giảng viên sư phạm phải đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định, có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng; biết sử dụng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong giảng dạy và nghiên cứu; biết vận dụng các phương pháp, kỹ thuật trong thiết kế và tổ chức dạy học; đồng thời phải thiết kế, sử dụng được các công cụ đánh giá, kết quả đánh giá.
Về nghiên cứu khoa học, giảng viên sư phạm cần thực hiện thành công các đề tài, dự án nghiên cứu gắn với đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Sau đó, họ phải công bố kết quả nghiên cứu và xuất bản học liệu, hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho người học.
Ngoài những tiêu chí trên, giảng viên sư phạm cần tích cực xây dựng môi trường giáo dục dân chủ; phát triển quan hệ với các tổ chức xã hội, giáo viên, người học, giới khoa học chuyên ngành và các hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp.
Giảng viên tự đánh giá hằng năm, trường xét duyệt ba năm một lần
Mỗi giảng viên được đánh giá theo từng tiêu chí và xếp loại chung. Theo đó, mỗi tiêu chí đánh giá được xếp theo ba mức (đạt, khá và tốt). Xếp loại chung được căn cứ vào kết quả đánh giá theo từng tiêu chí.
Việc đánh giá được căn cứ theo nguồn thông tin, các minh chứng, kết quả tự đánh giá của giảng viên; đánh giá và kết quả khảo sát của các bên liên quan. Thông tin này được thu thập thường xuyên bằng phần mềm đánh giá trực tuyến của cơ sở đào tạo giáo viên và là căn cứ để xem xét mức độ đạt chuẩn của giảng viên.
Về quy trình, giảng viên sẽ tự đánh giá dựa trên nguồn thông tin về hoạt động, thành tích đạt được, phản hồi của người học... Sau khi có kết quả, hội đồng khoa, bộ môn trực thuộc sẽ đánh giá, xếp loại năng lực, chỉ ra điểm mạnh, điểm tồn tại của giảng viên và đưa góp ý; đồng thời tổng hợp kết quả cho bộ phận tổ chức cán bộ của trường. Cuối cùng, hội đồng đánh giá của trường sẽ phê duyệt kết quả đó.
Giảng viên sư phạm phải thực hiện tự đánh giá hằng năm. Khoa, bộ môn trực thuộc và hội đồng của trường sẽ tổ chức đánh giá giảng viên ba năm một lần dựa trên những kết quả tự đánh giá hằng năm và những minh chứng đã thu thập.
Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến từ năm 2018 đến 2020, sử dụng kết quả đánh giá hằng năm để xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng năng lực đội ngũ cho giảng viên. Giai đoạn từ năm 2021 trở đi, kết quả này còn được sử dụng để thực hiện cả trong việc tuyển dụng, điều động và luân chuyển giảng viên.
Dự thảo Thông tư quy định Chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm được xin ý kiến góp ý đến hết ngày 26.4 tới.
Theo VnExpress