Con chiến mã có nghĩa (*)
Dọc theo tỉnh lộ 640 từ thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước), đi về hướng đông bắc khoảng 4 cây số gặp ngã ba Cây Xoài thuộc xã Phước Thuận. Tiếp tục theo con kênh dẫn nước, chạy qua cánh đồng lúa xanh bạt ngàn về hướng đông chừng hơn một cây số nữa tới làng Nhân Ân (nay là thôn Nhân Ân), quê hương của cụ Tú Diêu, người thầy dạy chữ và dạy soạn tuồng hát bội cho Đào Tấn, một danh nhân văn hóa, người Bình Định nổi tiếng ở thế kỷ thứ 19.
Ngôi mả ngựa.
Từ đình làng Nhân Ân (nay thay vào đó là ngôi chùa Nhân Ân) theo đường đồng đi về hướng tây khoảng hơn một trăm mét, ta sẽ gặp một cái gò rộng khoảng hơn 1ha, đó là Gò Đình. Người ta bảo ngày xưa, đây là gò riêng của dòng họ Lê giàu có danh giá nhất làng Nhân Ân lúc bấy giờ. Sự danh giá giàu có đó thể hiện qua các ngôi mộ cổ được xây dựng bằng đá vôi rất qui mô. Giữa quần thể những ngôi mộ cổ rêu phong, bào mòn bởi thời gian, ta bắt gặp một ngôi mộ cũng rất “hoành tráng” không kém, nhưng phần lớn những hoa văn họa tiết và chữ khắc đều phai mờ, duy chỉ còn phía sau bức bình phong đặt trước ngôi mộ có đắp nổi hình một con ngựa. Đây chính là mộ con chiến mã của vị phó tướng Lê Văn Trang tức Lê Tuyên (tục gọi là ông Bá Mười), phó chỉ huy lực lượng nghĩa quân trong phong trào Văn Thân, đứng lên chống thực dân Pháp ở đầu thế kỷ 19, dưới quyền chủ soái Mai Xuân Thưởng.
Mặt sau tấm bình phong có đắp nổi hình con ngựa.
Những người lớn tuổi và con cháu dòng họ Lê kể lại rằng: Ông Lê Tuyên (còn gọi Bá Mười) ngày xưa nhà giàu, giỏi võ, đậu Võ Tiến sĩ dưới thời vua Tự Đức, là người có nghĩa khí cùng nguyên Tổng đốc Đào Doãn Địch chiêu mộ anh tài; có hơn 600 người yêu nước, căm thù giặc Pháp tập hợp dưới cờ Văn Thân, vâng dụ Cần vương của vua Hàm Nghi đứng lên chống Pháp. Để có một con chiến mã tốt nhằm huấn luyện đội kỵ binh và xông trận, ông nghe đồn ở làng Cỏ Ngựa, phía chân đèo Cù Mông, có một ông lão họ Ngô chuyên nghề buôn ngựa, có con ngựa quí, gốc Cao Miên (Campuchia) với màu lông trắng óng ánh nên ông đặt tên là Kim Bông. Con Kim Bông đã từng giật giải quán quân trong các cuộc thi đua ngựa của cả vùng. Ông Lê Tuyên (Bá Mười) sai Võ Trứ, người học trò cũng là một vị tướng dưới quyền tìm đến nơi mua cho được con ngựa đem về. Ông Lê Tuyên hết sức vui mừng khi có được con ngựa quí, nên mặc dù nhà có nhiều trai bạn (người giúp việc), nhưng bao giờ ông cũng dậy từ sáng sớm cắt cỏ và chăm sóc cho ngựa. Con ngựa càng ngày càng đẹp, càng dũng mãnh, nó trở thành một người bạn không thể thiếu đối với ông, đồng thời lấy nó làm chuẩn để huấn luyện đội ngựa chiến phục vụ cho công cuộc chống Pháp.
Trong chiến đấu chống thực dân Pháp, con chiến mã đã cùng chủ tướng Lê Tuyên nằm gai nếm mật chẳng ngại khó khăn, nguy hiểm suốt một thời gian dài, từng cùng chủ tham gia đánh thắng giặc Pháp ở các trận Trường Úc, Lò Vôi- Tuy Phước, Cẩm Văn- An Nhơn, Phú Gia - Phù Cát… Nhưng tiếc thay, thực dân Pháp với vũ khí tối tân, quân lính đông đảo đã dần dần đè bẹp và làm tan rã phong trào Văn Thân. Mai Xuân Thường và Lê Văn Trang (tức Lê Tuyên) cùng tám tướng lĩnh nghĩa quân đã bị thực dân Pháp buộc gia đình và dân làng phải giao nộp, nếu không chúng sẽ giết sạch. Vì sợ liên lụy đến gia đình và dân làng, nên cả mười vị đã ra nộp mình cho giặc và bị chúng đưa lên đoạn đầu đài tại chợ Gò Chàm cũ (gần cầu Xi Ta ngày nay, cách thành Bình Định khoảng 1km về phía bắc) vào ngày 15 tháng 4 năm Đinh Hợi (1887).
Câu “Da ngựa bọc thây” không chỉ nói đến người tướng khi ra trận với ý chí quyết chiến quyết thắng, thà chết ngoài mặt trận mà còn nói đến sự trung thành, nghĩa khí của con chiến mã cùng chết, rũ da mình phủ lên xác thân của chủ. Và ở đây, con chiến mã Kim Bông của ông Lê Tuyên đã không thể chết được tại pháp trường, mà chạy về nhà báo tin cho người thân biết, rồi bỏ ăn cho đến chết, theo cùng với chủ! Người nhà thấy xót thương cho con ngựa hiếu nghĩa, nên đã đem chôn cất và xây mộ bằng đá vôi thật trang trọng như người thân trong gia đình, gần bên những ngôi mộ của dòng tộc họ Lê.
Chuyện nói về con chiến mã hiếu nghĩa can trường, mà ai cũng thấy ngậm ngùi thương cảm, mỗi khi đi ngang qua ngôi mộ nầy. Ngôi mộ của một con ngựa nay đã rêu phong. Nhưng chắc rằng câu chuyện về con chiến mã hiếu nghĩa, cùng với người chủ của nó sẽ còn mãi với thời gian, trong tâm khảm của nhiều người, nhất là con cháu đời đời của người dân làng Nhân Ân quê tôi!
Phan Văn Thuần
(*) Đây là một câu chuyện có thật, được sưu tầm qua một số tư liệu, những người lớn tuổi hiểu việc và ông Lê Văn Nhiên 76 tuổi, cháu 4 đời của ông Lê Tuyên, hiện ở 845 Trần Hưng Đạo – Quy Nhơn kể lại.