TĂNG CƯỜNG TIẾNG VIỆT CHO HỌC SINH TIỂU HỌC DÂN TỘC THIỂU SỐ:
Cần được quan tâm hơn
Tăng cường năng lực về tiếng Việt là một trong những yếu tố quan trọng giúp nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số, đặc biệt ở cấp tiểu học. Vấn đề này, đến nay, đã có một số chuyển biến tích cực, nhưng vẫn cần được quan tâm, chú trọng hơn.
Cho đến nay, ngôn ngữ giảng dạy tại các lớp học, dù có tuyệt đại đa số là học sinh người dân tộc thiểu số, vẫn là tiếng Việt. Bởi vậy, nếu thông thạo tiếng Việt, học sinh sẽ tiếp thu tốt bài học, mạnh dạn trình bày ý kiến. Từ năm 2008, Sở GD&ĐT đã triển khai việc dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh. Nhờ vậy, đến nay, việc này đã được các huyện thực hiện đạt hiệu quả khá. Dù vậy, kết quả đạt được vẫn chưa thật sự như mong muốn.
Tiếp tục tìm kiếm giải pháp
Ngày 27.2, tại Trường Tiểu học An Trung (huyện An Lão), Sở GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo tăng cường việc dạy học tiếng Việt cho học sinh tiểu học dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Hội thảo này được tổ chức hàng năm và được xem là một trong những nỗ lực của ngành GD&ĐT nhằm tìm kiếm giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số ở cấp tiểu học trong tỉnh.
Tạo môi trường học tập thân thiện, gần gũi để học sinh dân tộc thiểu số có thể thực hành tiếng Việt mọi lúc, mọi nơi là điều rất cần thiết.
Có thể xem hội thảo này là một trong những nỗ lực lớn tác động đến việc tăng cường tiếng Việt, bởi hơn 50 lãnh đạo, chuyên viên, giáo viên các huyện, trường có học sinh dân tộc thiểu số cùng tập hợp lại để dự các tiết dạy mẫu và cùng nhau bàn bạc, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm từ địa phương mình, có lãnh đạo Sở GD&ĐT tham dự, tiếp thu và giúp tháo gỡ những khó khăn.
So với những lần hội thảo trước, hội thảo năm nay được đánh giá đạt hiệu quả cao hơn khi các tiết dạy mẫu không chỉ diễn ra ở điểm trường chính như mọi lần, mà còn có cả ở những điểm trường lẻ. Phần thể hiện dạy tăng cường của giáo viên, không chỉ diễn ra trong không gian rộng rãi, đầy đủ trang thiết bị dạy học, mà còn có cả trong điều kiện ít thuận lợi, chân thật và sống động như ngày thường.
Phải sâu sát, quan tâm kết quả mới bền vững
Trao đổi bên lề hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Trình, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Vân Canh cho biết đoàn rất ấn tượng với phương pháp truyền đạt hiệu quả của các cô giáo Trường Tiểu học An Trung. “Các giáo viên Vân Canh tham dự hội thảo đã học hỏi được cách thức tổ chức lớp, phương pháp lên lớp, phương pháp chú trọng đến việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh rất hiệu quả”, ông Trình nói.
Một giáo viên huyện Vĩnh Thạnh thì lại tỏ ra thích thú với cách trang trí, tạo môi trường xung quanh thân thiện, phù hợp với đặc trưng dân tộc, tạo sự gần gũi để học tiếng Việt mọi lúc mọi nơi. Trong khi đó, các thành viên của đoàn Hoài Ân lại dành nhiều sự quan tâm đến cơ sở vật chất của nhà trường.
“Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, huyện An Lão và các xã ở đây dành kinh phí hỗ trợ cho các trường học rất nhiều. Sắp tới, tôi sẽ tham mưu với huyện và 3 xã: Bok Tới, Đăk Mang, Ân Sơn đầu tư nhiều hơn cho các nhà trường”, ông Thái Ngọc Anh, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hoài Ân cho biết.
Vậy khó khăn của việc tăng cường tiếng Việt hiện tại là gì? Theo nhiều ý kiến của đại biểu dự hội thảo, khó khăn thì nhiều, đơn cử như: cơ sở vật chất, năng lực chỉ đạo, hướng dẫn, khả năng của giáo viên, sự quan tâm của phụ huynh hay cả nỗ lực của học sinh… Nhưng tất cả đều khẳng định: Mọi khó khăn đều có thể được giải quyết.
Một lãnh đạo phòng GD&ĐT (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: “Vấn đề sẽ nhẹ nhàng hơn nếu phòng GD&ĐT chỉ đạo sát sao, ban giám hiệu các trường quan tâm đúng mức, giáo viên tâm huyết với học sinh của mình. Diễn đạt sao đơn giản, chính xác giúp học sinh tiểu học tiếp thu trọn vẹn thông điệp của giáo viên không chỉ trên lớp mà còn ở những không gian khác, là vấn đề rất quan trọng. Đặc biệt ở các lớp nhỏ. Điều này đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực của giáo viên. Các thầy cô phải tìm hiểu và học, đặc biệt giáo viên các lớp mẫu giáo làm sao gần gũi các em và dạy các em làm quen với tiếng Việt. Các cô giáo lớp 1 nên học và biết ngôn ngữ của dân tộc học sinh mình, ít nhất là những mẫu câu giao tiếp thông thường để có thể vận dụng cả hai ngôn ngữ trong bài giảng, trong giao tiếp với học sinh. Ngoài ra cần phải có kiến thức cơ bản về phong tục tập quán của dân tộc học sinh, như vậy mới có kết quả tốt và bền vững!”.
NGỌC TÚ