“Mục đích” và “mục tiêu”
Trong cuộc sống hằng ngày, trong nghiên cứu khoa học, ta thường gặp hai từ là “mục đích” và “mục tiêu”. Nhiều người thường nhầm lẫn giữa hai từ này bởi chúng có nghĩa rất gần nhau. Vậy, làm sao để phân biệt?
Mục đích và mục tiêu đều là hai từ Việt gốc Hán. Trong đó, “mục” có nghĩa là “nhìn chăm chú”, “đích” có nghĩa “cái chỗ ngắm vào để bắn”, “tiêu” có nghĩa “cái nêu, giải thưởng”. Theo học giả Ðào Duy Anh trong Hán Việt từ điển, mục đích là “cái đích mình nhắm vào mà bắn”, mục tiêu là “cái nêu đặt trước mắt mà nhìn để làm chừng”.
Từ nghĩa gốc trên, “mục đích” và “mục tiêu” được chuyển sang sử dụng theo nghĩa ẩn dụ. Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), mục đích là “cái vạch ra làm đích nhằm đạt cho được”, mục tiêu là “đích để nhắm vào” và “đích cần đạt tới để thực hiện nhiệm vụ”. Như vậy, mục đích và mục tiêu là hai từ gần nghĩa.
Tuy nhiên, trong quá trình hành chức, “mục đích” và “mục tiêu” dần có sự khu biệt và phân công về nghĩa. Cả hai đều chỉ cái mà ta muốn hướng tới, đạt được nhưng hàm nghĩa của “mục đích” và “mục tiêu” dần khác nhau. Có thể phân biệt (tương đối) 2 từ này ở mấy phương diện sau:
Về tính chất, “mục đích” thường mang tính trừu tượng. Còn “mục tiêu” thường mang tính cụ thể. Do đó, mục đích có thể mơ hồ, trừu tượng nhưng mục tiêu bao giờ cũng rõ ràng với những bước đi, hành động, phương án cụ thể.
Về giới hạn thời gian, mục đích thường dài hạn và có thể không có giới hạn thời hạn. Còn mục tiêu thường ngắn hạn và có giới hạn thời gian. Ta chỉ nói “mục đích của đời” và “mục tiêu về doanh số trong quý 1” chứ không ai nói ngược lại.
Về khả năng định lượng, mục đích thường không hoặc khó đo lường được (vì mang tính trừu tượng). Còn mục tiêu thì thường phải đo được bằng một đơn vị nào đó (vì mang tính cụ thể).
Có một điều thú vị là cả 2 từ trên đều có thành tố mục (nhìn chăm chú). Dù là trừu tượng hay cụ thể, dài hạn hay ngắn hạn, không đo được hay đo được thì để đạt được mục đích hay mục tiêu, ta cũng đều phải tập trung, kiên trì và quyết tâm thực hiện, giống như mắt nhìn không rời khỏi cái tiêu, cái đích. Ðó là hàm nghĩa sâu sắc của 2 từ này.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ