Xã hội hóa đầu tư hạ tầng – Một mũi tên trúng hai đích
Xã hội hóa đầu tư hạ tầng như “một mũi tên trúng hai đích” vì vừa phát triển được hạ tầng mà đồng thời giảm gánh nặng ngân sách nhà nước.
Chủ trì họp đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng, hôm qua (28/2), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến vai trò của xã hội hóa nguồn lực đầu tư: “Bây giờ không xã hội hóa thì nguồn lực đâu cho phát triển. Phải xã hội hóa để Nhà nước có lợi, nhà đầu tư có lợi, người dân có lợi mới được”.
Quan điểm xã hội hóa đầu tư phải đảm bảo “3 nhà cùng có lợi” như Thủ tướng nhấn mạnh thể hiện sự thấu hiểu thực tiễn của người đứng đầu Chính phủ. Bởi thực tế ở nước ta cũng đã có những địa phương thực sự có đột phá về phát triển hạ tầng trong mấy năm gần đây nhờ huy động được nguồn lực xã hội theo tinh thần đó. Chẳng hạn, tỉnh Quảng Ninh đang được đánh giá là địa phương tiên phong cả nước trong việc huy động đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong công cuộc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đang được thi công (Ảnh: Mai Hoa)
Sự thực chính nhờ thu hút được nguồn lực xã hội một cách mạnh mẽ mà chỉ vài năm, Quảng Ninh đã xây dựng được những công trình hiện đại nhất cả nước như sân bay quốc tế Vân Đồn, cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, cầu Bạch Đằng.... thông qua các hình thức PPP, BOT. Đó cũng là những cơ sở hạ tầng quan trọng góp sức tạo nền để chuẩn bị sớm cho việc hình thành đặc khu kinh tế Vân Đồn trong tương lai không xa.
Chính Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đánh giá: “Trong 1 thời gian rất ngắn khoảng 3-4 năm trở lại đây, Quảng Ninh đã huy động xã hội hóa để làm giao thông với hơn 48.000 tỷ đồng, trong đó địa phương bỏ ra 12.000 tỷ còn lại vốn của nhà đầu tư. Tức là Nhà nước chỉ cần bỏ ra khoảng 25% vốn, còn nhà đầu tư bỏ ra 75% là có thể hình thành nhiều công trình vĩnh cửu, để đời cho con cháu, vì đó là những công trình lớn như sân bay, cầu lớn, đường quốc lộ…. Cách làm này là một sự đột phá. Bài học này bản thân Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ học hỏi kinh nghiệm”.
Tinh thần cầu thị của Bộ trưởng Bộ GTVT ở đây xuất phát từ thực tế ưu thế của đầu tư tư nhân vào hạ tầng không chỉ là giải quyết vấn đề về vốn, nó còn là tiến độ dự án, chất lượng công trình và hiệu quả kinh tế nói chung. Theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong kết quả tăng trưởng kinh tế Việt Nam ấn tượng năm 2017 vừa qua có phần đóng góp quan trọng của kinh tế tư nhân. Nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân từ lâu nó đã quan trọng rồi nhưng năm vừa qua thể hiện rất tốt, đặc biệt là vốn tư nhân thay được vốn đầu tư công chậm. Vai trò tư nhân đã thay được nhiều cái trong nhà nước.
Dẫn ví dụ minh chứng cho đánh giá của mình, ông Thiên nêu điển hình: Tập đoàn SunGroup làm sân bay ở Quảng Ninh trong vòng 18 tháng, còn nếu để Nhà nước làm có thể sẽ mất 15 đến 20 năm. Và không chỉ Quảng Ninh, tại Phú Quốc, TP. Hồ Chí Minh, hiện nay đóng góp tư nhân mang tính quyết định. Vì thế, để phát huy nguồn lực đầu tư vào hạ tầng giao thông nói riêng và hạ tầng nói chung, theo ông Thiên, “cần đổi mới về thể chế, cơ chế rất quan trọng, sẽ tạo niềm tin cho năm 2018 và các năm sau”.
Thi công cầu Bạch Đằng (Ảnh: Mai Hoa)
Cùng quan điểm đánh giá cao vai trò của nguồn lực xã hội, đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng, ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng Chính phủ kiến tạo cần tiếp tục kiểm soát vấn đề chi phí, kết cấu hạ tầng cần tiếp tục làm. Cải thiện hạ tầng để thay đổi chi phí logistics. Nhà nước cũng không cần làm hạ tầng mà ra chính sách thu hút dòng vốn xã hội. Trên thế giới, tư nhân có nước xây sân bay rất to mất có 2 năm, giá rất rẻ. Nhà máy điện cũng vậy phải nhanh hơn chứ không thể cứ 5 năm.
Như thế rõ ràng quan điểm Thủ tướng vừa chỉ đạo là thêm một lần thể hiện Chính phủ coi trọng việc xã hội hóa thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước. Đây cũng là một chỉ đạo định hướng quan trọng trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước ta có hạn, trong khi nhu cầu đầu tư cho phát triển, nhất là đầu tư hạ tầng rất lớn.
Bởi nhìn lại kết cấu hạ tầng nước ta 5 năm trở lại đây, Thủ tướng đánh giá đã có bước phát triển, có nhiều công trình hạ tầng lớn. Tuy vậy, quy hoạch vẫn chưa đồng bộ, tiến độ một số công trình còn chậm trễ, hạ tầng vẫn còn là điểm nghẽn đối với sự phát triển, như ùn tắc giao thông, quá tải bệnh viện… Vì thế, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ ngành rà soát, bổ sung, thậm chí xây mới thể chế để tăng sức hút đầu tư, không để hạ tầng lạc hậu, ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước; không vì thể chế, cơ chế mà bế tắc phát triển hạ tầng của Việt Nam.
Chỉ đạo này của người đứng đầu Chính phủ tiếp thêm một hy vọng mới cho việc mở rộng thêm cánh cửa từ thể chế đổi mới để thu hút nguồn lực xã hội vào phát triển hạ tầng. Bởi nhiều chuyên gia kinh tế cũng không ít lần khuyến nghị Chính phủ cần tăng cường hoàn thiện thể chế để huy động đa dạng nguồn lực đầu tư từ xã hội vào phát triển hạ tầng phục vụ phát triển đất nước.
Là “người trong cuộc” đã gặt hái thành quả thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng, ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, hướng trở thành 1 cực tăng trưởng động lực của tam giác kinh tế phía Bắc, Quảng Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng, tập trung vào 3 mũi nhọn kinh tế, đó là du lịch - văn hóa cao cấp, dịch vụ hiện đại và công nghệ cao, trong thu hút các nguồn lực đầu tư sẽ dựa trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Với những thực tế nêu trên, có thể thấy, xã hội hóa nguồn lực đầu tư hạ tầng là một lựa chọn đúng đắn không chỉ của Quảng Ninh mà nó còn là hướng đi cho cả nước. Đây là cách hiệu quả như “một mũi tên trúng hai đích” vì vừa phát triển được hạ tầng mà đồng thời giảm gánh nặng ngân sách nhà nước./.
Theo Hà Trần (VOV.VN)