KHẢO SÁT, ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ HÀI LÒNG CỦA TỔ CHỨC, CÔNG DÂN ĐỐI VỚI DỊCH VỤ CÔNG:
Sự hài lòng khá cao
Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh vừa công bố kết quả khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, công dân đối với dịch vụ công trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh. Nhìn chung, sự hài lòng là khá cao.
Cuộc khảo sát được thực hiện tại 24 cơ quan trung ương và các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh (gọi tắt là cơ quan nhà nước) và 11 huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là địa phương). Nội dung khảo sát bao gồm 5 yếu tố: tiếp cận dịch vụ; thủ tục hành chính; công chức trực tiếp giải quyết công việc; kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công và tiếp nhận, xử lý các ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị với 22 tiêu chí, áp dụng đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức trong trường hợp giao dịch trực tiếp tại cơ quan hành chính hoặc bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
Hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn.
Mức độ hài lòng khá cao
Kết quả khảo sát cho thấy, đối với các cơ quan nhà nước, nhìn chung, được người dân, đại diện tổ chức đánh giá hài lòng đạt 73,2%. Phân tích cụ thể về mức độ hài lòng đối với các thủ tục hành chính cho thấy: hầu hết các đơn vị đều nhận được trên 50% số ý kiến đánh giá hài lòng. Trong đó, các sở GTVT, Xây dựng, Tài chính, NN&PTNT được đánh giá hài lòng cao với trên 80%; ít phản hồi nhất là Sở Công Thương với 50% đánh giá hài lòng về thủ tục hành chính.
Hầu hết các cơ quan nhà nước nhận được trên 50% số ý kiến đánh giá hài lòng đối với công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó, có 11/24 cơ quan nhận được sự đánh giá cao về thái độ phục vụ của công chức; ít sự phản hồi hài lòng nhất là Cục Thuế với 48,3%. Về kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công, hầu hết các cơ quan nhà nước cũng đều nhận được trên 50% số ý kiến đánh giá hài lòng. Trong đó, có 14/24 cơ quan nhận được sự đánh giá hài lòng cao (trên 80%); thấp nhất là Sở VH-TT với 60% đánh giá hài lòng về kết quả cung ứng dịch vụ.
Đối với khu vực địa phương, nhìn chung, được người dân đánh giá hài lòng đạt 78,7%. Tuy nhiên, kết quả khảo sát ở khu vực này cho thấy, hình thức hỏi trực tiếp công chức vẫn là thói quen phổ biến của đa số người dân khi giải quyết công việc (72,7%); việc biết đến cách thức giải quyết thủ tục hành chính từ các phương tiện thông tin đại chúng và các kênh khác rất thấp. Điều này, có thể thuận tiện dưới góc độ người dân, nhưng hiệu quả làm việc của công chức sẽ bị ảnh hưởng bởi công việc luôn bị gián đoạn để trả lời những câu hỏi giống nhau. Kết quả khảo sát về thời gian trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính được ghi nhận là “trước hẹn” và “đúng hẹn” chiếm tỉ lệ rất cao, trong đó các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, An Lão có tỉ lệ đúng hẹn đạt 100%. Vân Canh là địa phương có tỉ lệ trễ hẹn cao nhất là 20%. Và đáng nói hơn, 86% người dân trả lời là không được báo trước và 92% phàn nàn không được gởi thư xin lỗi về việc trễ hẹn.
Nâng cao chất lượng phục vụ
Tuy số liệu thống kê phản ánh “không hài lòng” rất thấp, nhưng những ý kiến trung lập như “bình thường”, “chấp nhận được”… lại chiếm tỉ lệ cao, cho thấy người dân vẫn còn e dè, lo ngại bày tỏ quan điểm của mình trong góp ý, kiến nghị. Mặt khác, cũng cho thấy, họ đang đặt lên bàn cân so sánh thực tế các dịch vụ công với mong muốn mọi thứ cần tốt hơn nữa. Do đó, như nhiều đại diện các đơn vị được khảo sát, đánh giá đã phản biện tại hội thảo: Cần phải có sự khảo sát đánh giá cụ thể, toàn diện hơn đối với các lĩnh vực dịch vụ công đặc thù của mỗi đơn vị. Cần nỗ lực hơn nữa trong việc tìm kiếm các biện pháp cải thiện chất lượng cung ứng dịch vụ công, nhằm tiếp tục phục vụ tốt hơn tổ chức, công dân.
Cuộc khảo sát, đánh giá lần này là một phần của kế hoạch dài hạn được tiến hành liên tục từ 2014-2020, theo Quyết định 640/QĐ-UBND ngày 13.3.2014 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Dự án “Khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng đối với một số dịch vụ hành chính công, dịch vụ công trên địa bàn tỉnh Bình Định”. Kết quả cuộc khảo sát này là kênh bổ sung thông tin, dữ liệu cho việc đánh giá toàn diện về chất lượng phục vụ người dân, tổ chức trên địa bàn tỉnh. Từ đó, những nhà quản lý có thể tham khảo và điều chỉnh, khắc phục những hạn chế; đồng thời tạo “áp lực” cho đội ngũ công chức, viên chức trong thực hiện đầy đủ các quy định của nhà nước, góp phần tạo ra xu hướng cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ quan cung ứng dịch vụ, tạo động lực để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
* Ðiểm số đánh giá chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính của 24 cơ quan nhà nước trung bình đạt 14,6/20 điểm. Trong đó, 3 cơ quan đạt điểm cao nhất là: Sở GTVT 19,3 điểm; Sở NN&PTNT 18,3 điểm; Sở Tài chính 17,7 điểm. 3 cơ quan có điểm thấp nhất là: Cục Hải quan 10,8 điểm; Cục Thuế 11,7 điểm; Sở VH-TT 12,4 điểm.
* Ðiểm số đánh giá chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công đối với 11 địa phương trung bình đạt 15,7/20 điểm. Trong đó, cao nhất là huyện Tuy Phước 18,3 điểm, An Nhơn 18,1 điểm; thấp nhất là Phù Mỹ 13,9 điểm, Hoài Nhơn 12,3 điểm.
MINH QUANG