Công tác giảm nghèo ở Vĩnh Thạnh: Phát huy hiệu quả rõ nét
Những ngày này, không khí đón Tết, vui xuân đã qua, người dân Vĩnh Thạnh bước vào sản xuất, kinh doanh đầu năm mới và phấn khởi hơn khi bộ mặt nông thôn miền núi đang từng bước đổi thay tích cực, đời sống no ấm đã hiện diện trong mỗi gia đình.
Đầu tư chăn nuôi giúp nhiều hộ dân thoát nghèo.
- Trong ảnh: Nuôi cá lồng trên hồ Định Bình.
Những năm gần đây, tình hình KT- XH của huyện Vĩnh Thạnh chuyển biến rõ rệt. Cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước dành cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện cùng chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt khó, giảm nghèo, tập trung thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Được tạo điều kiện thuận lợi, người dân Vĩnh Thạnh ngày càng xác định quyết tâm vươn lên làm giàu.
Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo đến các hộ nghèo, cận nghèo; tổ chức dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động thuộc diện hộ nghèo gắn với giảm nghèo..., giúp nhiều hộ nghèo thoát nghèo bền vững.
Hàng năm, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát các hộ nghèo, cận nghèo, phân tích nguyên nhân dẫn đến nghèo để tham mưu biện pháp hỗ trợ phù hợp. Đối với nhóm hộ nghèo do thiếu vốn, huyện tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Năm 2017, toàn huyện có trên 2.200 lượt hộ nghèo được vay vốn ưu đãi với số tiền hơn 58 tỉ đồng để đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề. Các hộ nghèo, cận nghèo còn được hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất…
Để giúp người nghèo có cơ hội việc làm, huyện quan tâm lồng ghép chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn với dạy nghề cho người nghèo. Trong năm 2017, huyện phối hợp các Trung tâm dạy nghề trong tỉnh mở 9 lớp dạy nghề theo nhu cầu của người dân, có 300 người tham gia. Nhờ đó, nhiều lao động thuộc diện hộ nghèo đã có nghề, có việc làm, góp phần tăng thu nhập gia đình.
Thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, từ nguồn vốn Quỹ vì người nghèo huyện, đã hỗ trợ xây mới 12 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, tổng kinh phí 480 triệu đồng. 100% người nghèo trong huyện được cấp thẻ bảo hiểm y tế; các chương trình an sinh xã hội, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số luôn được huyện quan tâm, triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả.
Từ những nỗ lực nói trên, tính đến cuối năm 2017, số hộ nghèo trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh là 4.851 hộ với hơn 17.000 nhân khẩu, chiếm tỉ lệ 50,34%, giảm 5,73% so với năm 2016.
Thời gian tới, huyện Vĩnh Thạnh tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các địa phương tích cực triển khai có hiệu quả các giải pháp phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi, giúp các hộ gia đình khó khăn từng bước ổn định kinh tế, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
NGỌC ÁNH