Đau đáu những nỗi đau tai nạn lao động
Nhiều người lao động phải ra đi vĩnh viễn, người may mắn sống sót thì mang thương tật suốt đời, để lại cho gia đình nỗi mất mát không gì bù đắp được. Những nỗi đau của tai nạn lao động (TNLĐ) vẫn hiển hiện, là nỗi ám ảnh với nhiều người, nhiều gia đình.
Nỗi đau khôn nguôi
Bước đầu hồi phục sức khỏe và tinh thần sau vụ TNLĐ ngày 12.3 vừa qua, bà Đoàn Thị Tám (43 tuổi, ở xã Phước An, huyện Tuy Phước) đang điều trị tại khoa Ngoại Chấn thương - Bỏng, BVĐK tỉnh, dè dặt kể về nỗi đau mất đi một phần cơ thể. Bà Tám làm công nhân dọn bột đá rơi từ máy cưa đá granite ở Công ty TNHH Thuận Đức (Quy Nhơn). “Hôm đó, trong lúc đang loay hoay xúc bột đá thì tôi bị xe cẩu - làm nhiệm vụ đưa đá lên máy cưa - nghiến vào chân phải. Khi mọi người đưa đi cấp cứu, tôi chỉ kịp nhìn thấy một phần ngón và 4 ngón còn lại của bàn chân phải dập nát, rớt lìa. Cơn đau khủng khiếp sau đó làm tôi mê man mấy ngày trời”, bà Tám kể lại.
Cũng ở khoa Ngoại Chấn thương - Bỏng, cô gái mới 18 tuổi Nguyễn Thị Mận (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) đang chịu đựng nỗi đau vì ngón cái bàn tay phải bị máy khoan trong xưởng chế biến gỗ của Công ty TNHH Hưng Duyên (Quy Nhơn) đâm vào. Cắn răng và không dám nhìn vào ngón tay đã bị dập nát và đứt gân trong lúc nhân viên y tế vệ sinh vết thương, Mận cho biết: “Cảm giác tê điếng lúc bị mũi khoan xoáy vào thịt và cơn đau tím tái ngay sau đó mãi sẽ không thể quên được. Đau gấp chục lần hôm tôi bị quấn tóc vào máy khoan năm ngoái”.
Không chỉ mất một phần thân thể, nhiều gia đình đã vĩnh viễn mất đi người thân của mình do TNLĐ. Đến giờ, chị Trần Thị Thúy (37 tuổi, ở phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) vẫn chưa hết bàng hoàng về sự ra đi của đứa em út Trần Văn Hậu. Càng nhức nhối hơn khi Hậu mất vào đúng ngày mãn tang mẹ. “Đang học trung cấp nghề, nó quyết định bỏ ngang vào TP Hồ Chí Minh kiếm việc. Rồi lại trở về nhà, xin vào làm công nhân tại Công ty TNHH Hiệp Phát (Quy Nhơn - NV), nhưng mới làm được vài tháng thì bị TNLĐ. Người ta nói nó sơ sẩy bị xe tải đụng. Em nó còn trẻ quá, mới 24 tuổi đầu, còn nhiều ước mơ”, chị Thúy chia sẻ.
Trong khi đó, chỉ còn một tuần nữa là tròn một trăm ngày ông Nguyễn Hữu Cần (50 tuổi, ở phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn) mất vì TNLĐ. Giờ, mỗi lần nhìn di ảnh chồng, bà Đặng Thị Vàng, 48 tuổi, vẫn nghẹn ngào: “Hồi ổng đi không kịp nói với vợ con lời nào. 25 năm nghĩa vợ chồng, giờ ổng đi trước, bỏ tui một mình với hai con trai”. Theo lời bà Vàng, chồng bà mất năm ngoái, do bị té từ độ cao 8m khi đang sửa xe cẩu. Ông chưa được tham gia lớp huấn luyện nào về bảo hộ lao động.
Cho đến bao giờ…
Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH cho biết, năm 2012, toàn tỉnh xảy ra 126 vụ TNLĐ, trong đó có 5 vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết 5 người, tổng số tiền thiệt hại trên 2 tỉ đồng. Điều tra nguyên nhân được xác định là thiết bị lao động không đảm bảo an toàn (16 vụ), không tổ chức huấn luyện, hướng dẫn về công tác an toàn vệ sinh lao động (33 vụ), không có quy trình hoặc biện pháp làm việc an toàn (25 vụ)… Năm qua cũng đã xảy ra 40 vụ cháy và 1 vụ nổ; trong đó do sơ suất khi sử dụng lửa (12 vụ), sự cố kỹ thuật hệ thống và thiết bị (12 vụ)… Hiện, 2 đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh về an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ đang tiến hành kiểm tra 20 doanh nghiệp.
“Trong 3 tháng đầu năm 2013, mỗi tháng có 5 - 7 ca TNLĐ được điều trị tại khoa, với nhiều trường hợp bị mất đi một phần cơ thể, ảnh hưởng đến chức năng lao động của bệnh nhân”.
Thạc sĩ, bác sĩ NGUYỄN QUANG VINH,
Trưởng khoa Ngoại Chấn thương - Bỏng, BVĐK tỉnh
Không chỉ là nỗi đau thể xác và tinh thần, hậu quả của các vụ TNLĐ còn ám ảnh mãi nhiều người, nhiều gia đình. Nhanh chóng quên đi nỗi đau thể xác, bà Tám quay lại với nỗi trăn trở về cuộc mưu sinh phía trước. Đồng lương công nhân bấy lâu giúp bà Tám trang trải cho cuộc sống gia đình và con trai út đang học lớp 11. Nhìn bàn chân đã không còn lành lặn đang sưng phồng, chằng chịt vết may, bà lo lắng: “Chuyện đã rồi, giờ tôi chỉ mong vết thương mau lành để còn tiếp tục đi làm, lo cho gia đình”.
Bây giờ, với Mận nỗi đau về thể xác cũng đã không còn quan trọng bằng nỗi lo làm thế nào để đi làm có tiền lo cho mẹ. Ba mất sớm, mẹ mắc bệnh ung thư buồng trứng, chị gái lại làm xa nhà nên một tay Mận cáng đáng chuyện gia đình và kiếm tiền góp trả nợ khoản vay điều trị bệnh cho mẹ. Cô gái nhỏ đã gác ước mơ đến trường khi đang học lớp 9. Ba năm nay, ngày nào Mận cũng cặm cụi đạp xe từ nhà ra đến điểm đón công nhân của công ty, rồi lại lọ mọ đạp xe về lúc 7 giờ tối, lắm hôm đến 11 giờ đêm.
Trong khi đó, ông Cần mất khi hai con trai đã trưởng thành. Song, khoảng trống mà ông để lại trong lòng những người còn sống là không gì thay thế được. Hình ảnh về người chồng, người cha, người con lành tính, hết lòng vì gia đình luôn ẩn hiện trong giọng kể tự hào xen lẫn đau xót của người vợ. Trong ngôi nhà nhỏ của ông trên đường Bạch Đằng, hôm chúng tôi đến còn có mẹ ông. Bà từ chối kể về nỗi đau đã qua. Ở tuổi 80, mất thêm một người con trai đã làm bà thêm gầy mòn. Đâu đó trong cuộc nói chuyện, chúng tôi bắt gặp mắt bà đỏ, nhưng không khóc được. Có lẽ, nước mắt đã cạn trong ngày bà tiễn con đi xa…
NGUYỄN MUỘI