Ngành Tài nguyên và Môi trường: Nỗ lực cải cách hành chính
Sở TN&MT là một trong những cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước khá nhiều lĩnh vực. Vì vậy, công tác cải cách thủ tục hành chính đã và đang được Sở nỗ lực thực hiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân; góp phần phát triển KT-XH của địa phương.
Những mũi đột phá
Ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Sở TN&MT, cho biết, những năm gần đây, Sở đã nỗ lực triển khai thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC). Sở TN&MT đã công bố công khai Bộ thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở, như: Đất đai, địa chất - khoáng sản, môi trường, tài nguyên nước, đăng ký giao dịch đảm bảo, biển và hải đảo… Trong đó, lĩnh vực đất đai là một trong những “mũi đột phá” CCTTHC của Sở. Riêng lĩnh vực này có tới 35 bộ TTHC, trong đó có những nội dung quan trọng, như: Giải quyết tranh chấp đất đai; cung cấp dữ liệu đất đai; giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu…
Các tổ chức, công dân làm TTHC tại Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh.
Giữa tháng 11.2017, Sở TN&MT đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại (còn gọi là bộ phận một cửa điện tử). Bộ phận này gồm một số hạng mục chính như: Hệ thống quầy tiếp nhận và trả kết quả; hệ thống máy tính, máy bấm số hiện đại, hệ thống máy tra cứu thông tin về TTHC, các camera giám sát, cùng trang thiết bị đáp ứng phục vụ tổ chức và công dân đến liên hệ, giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền quản lý của Sở TN&MT. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ sẽ được áp dụng triệt để, qua đó nâng cao chất lượng thực hiện CCTTHC.
Còn theo ông Nguyễn Hiến, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, cuối năm 2017, Văn phòng đã hoàn thành Dự thảo “Quy định trình tự giải quyết TTHC trên lĩnh vực đất đai theo cơ chế một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh”; đồng thời hoàn thành Dự án “Giải pháp sao lưu dữ liệu”. Sở TN&MT sẽ phối hợp với Viễn thông Bình Định thực hiện việc sao lưu dữ liệu của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh thông qua mô hình điện toán đám mây, nhằm cải thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của Văn phòng và các chi nhánh, bảo đảm bảo mật thông tin dữ liệu, vừa khôi phục nhanh chóng dữ liệu nếu xảy ra sự cố.
Nỗ lực cải cách đồng bộ
Ngay từ đầu năm 2018, Sở TN&MT đã triển khai kế hoạch thực hiện công tác CCHC năm 2018 nhằm tập trung củng cố, kiện toàn bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác CCTTHC. Mục tiêu đề ra trong năm 2018 là: 95% số hồ sơ, TTHC được giải quyết đúng hẹn. Sự hài lòng của công dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính đạt mức trên 75%. Có 85% văn bản, tài liệu chính thức trao đổi trong nội bộ Sở được thực hiện trên mạng điện tử… Đồng thời, Sở TN&MT sẽ đẩy mạnh CCTTHC; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hiện đại hóa hành chính; tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành CCTTHC.
Sở TN&MT cũng đã ban hành kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC năm 2018; sẽ tiến hành rà soát, đánh giá 14 nhóm TTHC thuộc các lĩnh vực: Đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, biển và hải đảo… Trong số này có những nhóm TTHC được các tổ chức, công dân quan tâm, như: Gia hạn sử dụng đất ngoài khu công nghệ cao, khu kinh tế; bán hoặc góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê của Nhà nước theo hình thức thuê đất trả tiền hàng năm; cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; gia hạn giấy phép thăm dò khoáng sản; gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản…
Theo Kế hoạch, Sở TN&MT sẽ phối hợp với một số sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đánh giá các nhóm TTHC nói trên để kiến nghị, bổ sung một số TTHC, từ đó xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ III, IV.
VIẾT HIỀN