Những phụ nữ không có “8.3”
Có những phụ nữ, ngày 8.3 của họ không có hoa, quà và những lời chúc có cánh, bởi hoàn cảnh không may mắn. Vất vả với cuộc mưu sinh, nhọc nhằn “chiến đấu” với bệnh tật, ước mong của họ đơn giản là ngày nào cũng bình an và khỏe mạnh.
Chị Phượng rong ruổi qua nhiều tuyến phố, chỉ mong bán cho hết vé số trong ngày.
15 năm trôi qua, dù nắng hay mưa, ngày thường hay ngày lễ, 2 giờ sáng là bà Đinh Thị Dư, 63 tuổi, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, lại bắt đầu ngày làm việc. Trên chiếc xe đạp cà tàng, cái nón lá gần rách, bà đến các chợ phiên của huyện mua các loại rau, củ, quả… rồi hối hả đạp xe xuống chợ Lớn (đường Tăng Bạt Hổ, TP Quy Nhơn) để bán. Chồng mất, bà phải lo cho các con ăn học, giờ 2 đứa lớn đã đi làm, nhưng còn đứa út đang học đại học. Cả năm, bà chỉ nghỉ đúng mùng 1 Tết Nguyên đán.
Nắng trưa rải lửa trên đường, còng lưng trên chiếc xe đạp, tay cầm lốc vé số dày cộp, chị Nguyễn Thị Phượng, 43 tuổi, ở xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, vẫn miệt mài với công việc, mong bán cho hết vé. Gia đình rất khó khăn, chồng đau ốm liên miên, chị sợ con phải nghỉ học nên chị lên phố làm việc. Chị tìm mua chiếc xe đạp cũ ở vựa phế liệu làm phương tiện di chuyển rồi xin bán vé số, được đại lý cho chỗ ở. Khi được hỏi về ngày 8.3, chị Phượng nói: “Tui biết đó là ngày của chị em phụ nữ, nhưng làm gì có ai tặng hoa hay quà cho mình. Từ ngày lấy chồng đến giờ, ngày nào cũng như ngày nào. Tết có khi về nhà hai bữa là vội lên bán vé số ngay, vì Tết bán được nhiều gấp đôi”.
Còn bà Dư thì cười bảo: “Một bông hoa hơn chục ngàn đồng mà người ta mua tặng cả bó to, chắc cũng gần bằng tiền bán hàng cả tháng của tui. Với tui, chỉ mong 8.3 người ta đi chợ nhiều, mua nhiều rau củ để nhanh hết hàng, được về nghỉ ngơi sớm, dọn dẹp nhà cửa là vui rồi”.
“Tết còn chưa biết chớ nói gì ngày 8.3”, là tâm sự của những nữ bệnh nhân đang phải điều trị tại Khoa Nội thận - Lọc máu BVĐK tỉnh. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng cùng chung căn bệnh thận nên họ gặp nhau tại “Xóm chạy thận” ở khu nội trú. Người nhẹ thì tuần 1-2 lần chạy thận, nặng thì trên 3 lần. Họ rời nhà cửa, gia đình để vào ở hẳn trong bệnh viện. Nên nếu có được một điều ước cho ngày 8.3, họ chỉ mong được bình an, khỏe mạnh. Bà Lý Thị Thành, 56 tuổi, ở thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, kể: “Tết vừa về thăm nhà được một ngày lại vào ngay vì sức khỏe yếu. Thương con, thương chồng ở quê vất vả lo toan mọi việc mà không có tôi ở nhà. Bệnh tật thì chịu nên chẳng mong ước được như chị em khác, chỉ mong có sức khỏe tốt hơn để về cùng gia đình”.
Rời Khoa Nội thận - Lọc máu, chúng tôi muốn bật khóc trước những đau đớn mà các bệnh nhân ở Khoa Ung bướu đang phải chịu đựng. Với họ, chỉ việc chống chọi những cơn đau do bệnh tật đã là quá sức. Bà Phạm Thị Đào, 57 tuổi, ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, bị ung thư da, đang phải hóa trị. Bà được gia đình chăm sóc chu đáo để có thêm nghị lực vượt qua những cơn đau. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất mà cuộc đời này dành cho bà, hơn cả ngàn lời chúc hay món quà nào. Bà kể: “Giờ phút này, mỗi ngày trôi qua là thời gian tôi và gia đình trân trọng. Cả cuộc đời, chồng tôi chưa bao giờ dành cho tôi những lời chúc mừng ngọt ngào, nhưng sự chăm sóc ân cần, sự lo toan cho gia đình của ông ấy đủ nói lên tất cả”.
YẾN PHONG