Hiến kế để dân giàu, tỉnh mạnh
Chiều 3.3, một trong những hoạt động chính của Ngày hội người Bình Ðịnh tại TP Hồ Chí Minh - cuộc tọa đàm “Vì quê hương Bình Ðịnh văn minh - giàu đẹp” - đã diễn ra thành công. Cuộc tọa đàm nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực từ các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nhân, các chuyên gia kinh tế người Bình Ðịnh tại TP Hồ Chí Minh.
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu đã rất chú ý đến báo cáo “Đánh giá năng lực cạnh tranh của tỉnh Bình Định và gợi ý định hướng chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn 2045” được Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh mời các nhà nghiên cứu gồm các ông: Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Chính sách công của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM); Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên FSPPM; Hoàng Văn Thắng, chuyên viên nghiên cứu và phát triển chương trình tại FSPPM; Huỳnh Thế Dân, cán bộ nghiên cứu của Viện Cơ học và Tin học - thực hiện. Đồng thời, báo cáo còn có sự tham gia thảo luận và góp ý của các ông: Vũ Thành Tự Anh, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Xuân Thành là những giảng viên cao cấp của FSPPM và là thành viên của nhiều nhóm tư vấn chính sách cho Chính phủ cũng như chính quyền địa phương.
Năng lực cạnh tranh của Bình Định - trung bình
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu Đại học Fulbright Việt Nam, Bình Định là một trong những địa phương có vị trí địa lí thuận lợi bậc nhất của miền Trung.Tuy nhiên, hiện đã thụt lùi khá xa trong 9 tỉnh duyên hải Trung bộ; lợi thế về vị trí địa lí so với các địa phương khác ngày càng giảm dần. Khả năng tạo việc làm của Bình Đình thể hiện rất rõ qua tăng trưởng dân số. Trong 20 năm (1997-2016), dân số của tỉnh chỉ tăng 4,5 %, thấp hơn rất nhiều mức tăng dân số tự nhiên và thấp nhất trong 9 tỉnh. Số người di cư ròng trong giai đoạn này lên đến 223 ngàn người, cao nhất trong vùng cả về số tương đối và tuyệt đối.
Tỉ lệ việc làm trong khu vực DN của Bình Định tăng từ 7,3 % năm 2001 (xếp thứ 3 khu vực) lên 13,8 % năm 2015. Tuy nhiên, Bình Định lại rơi xuống vị trí thứ 5 trong khu vực do Thừa Thiên Huế (năm 2001 xếp thứ 4) và Quảng Nam (năm 2001 xếp thứ 7) đã làm tốt hơn. Xét về chỉ số tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và thu ngân sách bình quân đầu người, Bình Định thuộc nhóm trên trung bình của cả vùng vào năm 2001, khi GRDP xếp hạng 5, thu ngân sách xếp hạng 4 và chi ngân sách thấp nhất trong 9 tỉnh. Đến năm 2015, Bình Định rơi xuống dưới trung bình ở các thước đo bình quân đầu người. Cụ thể, thu ngân sách rơi xuống hạng 8, GDRP rơi xuống hạng 7, nhưng chi ngân sách cải thiện lên hạng 7.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng trao đổi với các doanh nhân là người Bình Định tại buổi tọa đàm.
Các nhà nghiên cứu cũng phân tích, cơ cấu kinh tế và việc làm của Bình Định chủ yếu hướng vào khu vực không chính thức và khu vực nông nghiệp nông thôn. Khả năng tạo việc làm có thu nhập ổn định với mức gia tăng cao là không nhiều; ngân sách eo hẹp và sự bền vững không cao. Không có nguồn thu ngân sách tiềm năng. Đối với tài khóa, tín dụng và cơ cấu kinh tế, Bình Định đang ở mức trung bình so với các địa phương khác, ngoại trừ vấn đề ngân sách đang ở vị trí rất bất lợi…
So với các địa phương khác, môi trường kinh doanh của Bình Định ở giữa trung tính và lợi thế, trình độ phát triển cụm ngành trung tính và chiến lược của các DN ở vị trí bất lợi… nên cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới mong cải thiện.
Nên tập trung vào 5 định hướng chính
Trên cơ sở các mục tiêu, tầm nhìn của tỉnh đến năm 2025 sẽ xếp thứ 4 trong khu vực về thu nhập và thu ngân sách bình quân người và tỉ phần việc làm của khu vực chính thức; và thuộc 3 tỉnh dẫn đầu vào năm 2045, các nhà nghiên cứu đã đề xuất Bình Định nên tập trung vào 5 định hướng chính: Thứ nhất, phát triển cụm ngành du lịch gắn với thị trường căn nhà thứ hai và bất động sản nghỉ dưỡng. Thứ hai, phát triển cụm ngành logistic gắn với cảng Quy Nhơn, tập trung vào các sản phẩm công nghiệp ít gây ô nhiễm và không ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cụm ngành du lịch. Thứ ba, phát triển một số sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao. Thứ tư, xây dựng chính quyền kiến tạo. Thứ năm, tập trung phát triển nguồn nhân lực tập trung vào những cụm ngành hay hoạt động kinh tế trọng yếu nhằm đáp ứng yêu cầu của địa phương và tạo tính lan tỏa.
Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh phát biểu tại cuộc tọa đàm. Ảnh: VĂN LƯU
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, các nhà nghiên cứu đề nghị tỉnh cần lưu ý 3 vấn đề trọng yếu gồm: đột phá thận trọng; tạo dựng sự đồng thuận, khơi thông sức dân và tạo dựng vốn xã hội; củng cố cấu trúc vận hành địa phương. Tỉnh cũng nên chọn cách tiếp thị địa phương gắn với tiếp cận cho 4 cụm ngành trọng yếu: cụm ngành du lịch; cụm ngành logistic gắn với các sản phẩm phụ trợ và không gây tác động tiêu cực đối với ngành du lịch; một số cụm ngành sản phẩm nông nghiệp mà Bình Định có tiềm năng; cụm ngành chế biến gỗ.
HOÀI THU
Chủ tịch UBND tỉnh HỒ QUỐC DŨNG:
Về tương lai, Bình Định còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, rất cần những ý kiến đóng góp thẳng thắn, tâm huyết, chân tình, cởi mở của các đại biểu tham dự tọa đàm. Rất xúc động khi được lắng nghe ý kiến của các đại biểu, trong đó có những người dù tuổi cao sức yếu vẫn đến với buổi tọa đàm, thể hiện sự trăn trở rất lớn, khát khao làm sao để quê hương phát triển. Tôi tiếp thu các ý kiến tại buổi tọa đàm về sẽ trao đổi lại với các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy để có định hướng cụ thể thời gian tới.
TS TRẦN DU LỊCH, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh (ảnh):
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện được một báo cáo rất tốt, nó giúp tỉnh Bình Định biết từng ngành chúng ta đang ở đâu. Từ buổi tọa đàm, mong rằng lãnh đạo tỉnh sẽ quan tâm phản hồi với các đại biểu, Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh về những định hướng cụ thể phát triển. Thời gian tới, cần kiên trì theo mục tiêu đã quy hoạch, phát triển chế biến sản phẩm nông nghiệp, tập trung cho nông nghiệp công nghệ cao; đưa thủy sản, nhất là đánh bắt xa bờ thành một ngành mạnh; mở rộng cảng Quy Nhơn để nâng khả năng tiếp nhận hàng hóa, phát triển logistic; phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch để thu hút và giữ chân du khách; cần thu hút nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin.
Ông MAI ÁI TRỰC, nguyên Bí thư Tỉnh ủy:
Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh của tỉnh là một nghiên cứu rất có giá trị, cần được các sở, ngành của tỉnh tham khảo để có sự nhìn nhận, đánh giá đúng về thực trạng, đưa ra các giải pháp cụ thể để phát triển. Hiện Bình Định đang có cơ hội rất lớn để phát triển, trong đó du lịch đang là một thế mạnh. Nhưng thiếu những khu vui chơi giải trí, cần đầu tư cho mảng này. Từ phát triển du lịch có thể dẫn đến sự lan tỏa để các lĩnh vực khác cũng phát triển…
TS NGUYỄN HỮU LỆ, Chủ tịch Công ty TMA:
Các lãnh đạo tỉnh hiện nay vừa có tâm, vừa có đức, đó là một trong những lý do tôi đầu tư Dự án Công viên sáng tạo TMA tại TP Quy Nhơn. Hiện nay, Bình Định có lợi thế lớn là lực lượng lao động trẻ dồi dào, nếu được đầu tư, họ có thể tham gia vào lĩnh vực công nghệ thông tin, gia công phần mềm, giúp chúng ta phát triển mạnh theo hướng này. Từ nay, nếu các phụ huynh ở Bình Định có con muốn theo học ngành công nghệ thông tin không cần đi đâu xa mà có thể học ngay tại Trường Đại học Quy Nhơn, chúng tôi bảo đảm khi ra trường sẽ có ngay việc làm với mức thu nhập khá. Theo tính toán của chúng tôi, trong vòng 10 năm tới, có thể chúng ta sẽ phát triển thêm 1.000 chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trong điều kiện các nhà đầu tư khác trong lĩnh vực này đến Bình Định, con số này có thể còn tăng thêm rất nhiều.
LÊ CƯỜNG (ghi)